Nghị quyết 98: Mở rộng cánh cửa đổi mới, sáng tạo
VOV.VN - Với Nghị quyết 98, TP.HCM được giao cơ chế, chính sách vượt trội để phát huy nội lực, truyền thống sáng tạo, để phát triển.
>>Bài 1: Nghị quyết 98: Cải cách mạnh mẽ về thể chế
Không chỉ phân cấp, phân quyền mạnh mẽ, Nghị quyết 98 của Quốc hội mở cơ chế thí điểm những gì mà pháp luật chưa cho phép, hoặc đã có quy định những chưa rõ ràng. Ngay sau khi Nghị quyết được thông qua và có hiệu lực, TP.HCM đã bắt tay vào thực hiện thí điểm mô hình chưa từng có như: TOD, xây dựng đề án thực hiện tín chỉ carbon… Đây được xem là “chìa khóa” để khơi thông nguồn lực, góp phần tìm hướng đi khả thi để nhân rộng ra các địa phương khác trong cả nước.
“Chìa khóa” khơi thông nguồn lực
TOD là mô hình phát triển đô thị gắn kết với giao thông công cộng, không còn xa lạ trên thế giới. Mô hình này được Nhật Bản ứng dụng và phát triển từ những năm đầu thế kỷ XX và đang mang lại hiệu quả tích cực tại các thành phố lớn như: NewYork (Mỹ), London (Anh), Bắc Kinh (Trung Quốc), Seoul (Hàn Quốc), Singapore...
TP.HCM cũng từng rất nhiều lần đề xuất triển khai mô hình TOD, nhưng phải chờ đến khi có Nghị quyết 98 thì mới mở ra được cơ chế để thành phố thực hiện. Ngay sau khi Nghị quyết được Quốc hội thông qua, TP.HCM đã lên kế hoạch triển khai đề án để biến khu vực dọc các tuyến Metro số 1, Metro số 2, Vành đai 2, Vành đai 3… trở thành những trung tâm đô thị trong tương lai. Và đây sẽ là “chìa khóa” để TP.HCM giải quyết vấn đề giao thông đô thị và khơi thông nguồn lực để phát triển.
Tuy nhiên, sự chồng chéo trong quy định của pháp luật đang là vấn đề trở ngại để Việt Nam có được một mô hình TOD đầu tiên. Lãnh đạo TP.HCM cho biết sẽ kết hợp giữa Nghị quyết 98 với Kết luận 14 của Bộ Chính trị để biến giấc mơ TOD thành hiện thực.
Ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết "Đề án được khai thác những tài sản là không gian ở các ga dọc theo tuyến metro. Ở những ga đó, chúng ta phát triển các tiện ích, để quảng cáo, để làm các dịch vụ phụ trợ, tuy nhiên pháp lý hiện tại chưa đủ. Trên cơ sở nghiên cứu các quy định hiện tại, chúng ta xác định đối tượng, xác định được cách thức để phát huy tài sản này. Nó vừa phục vụ cho hoạt động của metro nhưng vừa quản lý, sử dụng có hiệu quả tài sản công".
Nếu TOD là mô hình được ứng dụng, triển khai và mang lại hiệu quả cho các thành phố lớn trên thế giới thì cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon mà TP.HCM sẽ thí điểm triển khai được xem là một mục tiêu đầy tham vọng khi đến nay còn rất ít quốc gia làm được và Nhật Bản là quốc gia đầu tiên trên thế giới đưa tín chỉ carbon lên sàn giao dịch.
Giao dịch carbon đang là yêu cầu bắt buộc đối với các quốc gia thực hiện cam kết Net zero vào năm 2050 theo Công ước khung của Liên Hợp Quốc về Biến đổi Khí hậu. Các quốc gia châu Âu cũng đã thí điểm đánh thuế carbon đối với tất cả hàng hóa xuất khẩu. TP.HCM tin rằng, với tiềm năng trung hòa carbon là khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ, cùng nhiều dư địa phát triển giao thông xanh, năng lượng xanh như điện mặt trời áp mái, điện gió, doanh nghiệp tái chế… việc thí điểm một mô hình còn mới mẻ dù rất khó khăn, nhưng vẫn sẽ phải làm được.
Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo triển khai thực hiện Nghị quyết 98, đề nghị Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên - Môi trường cùng với TP.HCM làm sàn giao dịch tín chỉ carbon một cách công khai minh bạch, phát triển bền vững. "Còn một số chính sách tôi đã giao cho Bộ Tài chính và Bộ Tài nguyên - Môi trường. Giờ cứ thí điểm đã, vừa làm vừa sửa, vừa làm vừa điều chỉnh. Với tinh thần của Nghị quyết 98 thì cho TP.HCM làm sàn giao dịch carbon trước", Thủ tướng nhấn mạnh.
Chính sách hỗ trợ thiết thực
Trong phát huy nguồn lực đổi mới sáng tạo theo Nghị quyết 98, tháng 9 vừa qua, HĐND TP.HCM đã quyết nghị thông qua Nghị quyết hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo. Đây là chủ trương hết sức quan trọng, bởi TP.HCM được đánh giá là năng động nhất cả nước với gần 2.000 start-up, gần 200 quỹ đầu tư mạo hiểm và gần 100 trường đại học, cao đẳng có hoạt động đổi mới sáng tạo.
Ông Nguyễn Việt Dũng, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM chia sẻ, đây là điều đáng mừng, bởi áp dụng Nghị quyết 98, thành phố sẽ thí điểm cơ chế đặc thù để thúc đẩy khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo với việc hỗ trợ không hoàn lại mỗi dự án 400 triệu đồng. Một nguồn lực quan trọng thúc đẩy nội lực của người dân, doanh nghiệp trên địa bàn.
"Nguồn lực nhà nước có hạn cho nên chính sách này thể hiện sự quan tâm của chính quyền với khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, đúng với bản chất chính quyền kiến tạo giai đoạn ban đầu. Dự án nào tận dụng được giai đoạn đầu, với nguồn lực này và phát triển giai đoạn đầu tốt thì tự động thị trường sẽ có cho đầu tư giai đoạn sau", ông Dũng phân tích.
Trong đổi mới sáng tạo, TP.HCM ưu tiên hỗ trợ tài chính cho hoạt động ươm tạo các dự án khởi nghiệp ở các lĩnh vực: thương mại điện tử, công nghệ tài chính, logistics, công nghệ giáo dục, y tế và chăm sóc sức khỏe, nông nghiệp công nghệ cao, tăng trưởng xanh, chuyển đổi số, an ninh mạng. Đây là những lĩnh vực phát triển nóng trên thế giới.
Anh Hồ Việt Hải, một start-up đồng sáng lập Công ty Alternō, công ty khởi nghiệp với giải pháp sáng tạo trong lưu trữ năng lượng cho biết: "Chúng tôi thấy sự hỗ trợ đang rất mạnh mẽ. Gần đây, chúng tôi nhận được sự hỗ trợ lớn từ Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp BSSC của TP.HCM. BSSC lần đầu tiên tổ chức một bảng thi đấu cho doanh nghiệp xanh. Trên con đường đi có những điều cần học hỏi, nhưng quan trọng nhất là chúng ta tiếp tục duy trì được tốc độ và giữ vững được phong độ. Tôi rất tin tưởng vào sự ủng hộ của chính sách hiện tại".
Nghị quyết 98 không phải để TP.HCM xin ngân sách đầu tư cho thành phố, mà là xin cơ chế, chính sách vượt trội để phát huy nội lực, truyền thống sáng tạo, để phát triển. Sự thành công của Nghị quyết phải hội tụ đủ ba nhân tố: Tổ chức bộ máy, huy động nguồn lực và cuối cùng là nhân tố con người. Trong đó, con người là nhân tố quan trọng, quyết định thành - bại của Nghị quyết đặc thù về TP.HCM.