Người dân “nói lời gan ruột” góp ý sửa Luật Đất đai
VOV.VN - Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cần có thời gian cụ thể, nhiều người rất khổ khi sống ở túp lều nát mà không được xây dựng vì vướng quy hoạch; thu hồi đất rồi để đấy, giá đất tăng vọt dân lại thắc mắc, nên phải rõ thời gian đưa đất vào sử dụng sau thu hồi…
Đó là 2 trong số hàng chục ý kiến được người dân gửi gắm tại Hội nghị lấy ý kiến của các tổ chức thành viên mặt trận, đại diện tri thức nhân dân trên địa bàn về Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) do Ủy ban MTTQ phường Trúc Bạch, quận Ba Đình, TP Hà Nội tổ chức sáng 17/2.
Ông Nguyễn Văn Vũ (tổ dân phố số 8) khẳng định việc lấy ý kiến nhân dân về các nội dung của luật là vấn đề rất quan trọng, thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, nhất là khi khiếu kiện, mâu thuẫn lâu nay chủ yếu cũng từ vấn đề đất đai.
Đề cập quy định về định giá đất, ông Vũ tán thành nguyên tắc nhưng đề nghị thời hạn lập bảng giá đất cần nghiên cứu kỹ hơn. Theo quy định ban hành hàng năm nhưng có thể trong năm có thay đổi thì cần điều chỉnh cho phù hợp.
Ông cũng đề xuất khi giá đất có biến động 20% trở lên thì cần tính toán nhằm tạo sự công bằng cho người dân. Bởi từ trước đến nay có nhiều trường hợp thu hồi một giá, để lâu không sử dụng, giá đất tăng vọt thì nhân dân thắc mắc gây nên khiếu kiện. Do đó nên quy định thời gian đưa đất vào sử dụng sau khi thu hồi, ví dụ sau 5 năm mà chưa thực hiện thì phải tính lại giá để đền bù cho người dân.
Nhấn mạnh thực trạng khiếu kiện về đất đai do đền bù thấp hơn giá thị trường, cử tri đề nghị phải có tiêu chí khoa học để xác định giá thị trường. Đánh giá cao Điều 153 dự thảo luật, tuy nhiên, người dân cho rằng xây dựng bảng giá đất cũng cần điều chỉnh cho phù hợp.
Bà Nguyễn Thị Minh Trang (tổ dân phố số 4) thì kiến nghị làm rõ thêm, quy hoạch ở phường nào thì công khai ở trang thông tin của phường đó để dân tiếp cận, từ đó mới phát huy quyền làm chủ của nhân dân.
“Quy hoạch, kế hoạch liên quan đến dân thì cần có thời gian cụ thể để tránh quy hoạch treo. Rất nhiều người dân rất khổ khi sống ở túp lều nát mà không được xây dựng vì vướng quy hoạch. Quy định rõ trong bao lâu không triển khai thì phải hủy bỏ để có quyết định mới” – bà Trang nói, đồng thời phản ánh có tình trạng dân làm sổ đỏ sẽ giúp Nhà nước quản lý tốt hơn nhưng có trường hợp còn gây khó khăn cho dân.
“Nếu trân trọng đất thì quốc gia đó sẽ thịnh vượng. Phải có sự chuyển động mạnh mẽ trong nhận thức và hành động thì mới khai thác hết “sữa của mẹ đất”- ông Chu Văn Thịnh (tổ dân phố số 3) nhấn mạnh. Ông nói, trong thu hồi đất, bồi thường chỉ thấy lợi ích của Nhà nước thôi là không đủ, mà phải tạo thuận lợi cho dân, để từ đó đổi mới chính sách.
Cử tri này phản ánh, hộ gia đình sử dụng đất có những nơi đổi đời, có trường hợp sau thu hồi đến nơi phát triển, song có người đang ở nơi phát triển lại phải “đi xuống”. Bày tỏ dân trông chờ vào mặt trận tổ quốc rất nhiều, nhất là trong bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, ông Thịnh đề nghị cách ủng hộ tốt nhất của mặt trận là tìm đúng vấn đề.
“Không hùa theo dân nhưng cái dân nói đúng phải phản ánh đến nơi đến chốn, có tình, có lý. Mặt trận cũng có thể mời người có chuyên môn đến hỗ trợ, khi đó chính sách mới đi vào cuộc sống” – ông Thịnh nêu ý kiến.
Về công khai quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất, ông Chu Văn Thịnh nhấn mạnh niêm yết ở cấp xã vì gần dân nhất. Và không phải chỉ treo cái sơ đồ là xong, mà phải tuyên truyền, thông báo, mời các hội viên ra xem họ ở vị trí nào và hợp lý chưa.
Bên cạnh đó, có ý kiến đề nghị Nhà nước quan tâm vấn đề nhiều chung cư xuống cấp, lún, nứt tường nên “chỉ cần động đất thì tai nạn như Thổ Nhĩ Kỳ, mất rất nhiều người”./.
Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) gồm 16 chương, 236 điều đang được tổ chức lấy ý kiến nhân theo nhiều hình thức đa dạng, thực chất theo yêu cầu Nghị quyết số 671 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Nghị quyết số 170 của Chính phủ.
9 nội dung trọng tâm lấy ý kiến là các tầng lớp nhân dân trong nước và người Việt Nam định cư ở nước ngoài gồm: Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; thu hồi đất và chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; phát triển quỹ đất; giao đất, cho thuê đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất; đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận và các thủ tục hành chính, dữ liệu, thông tin đất đai; cơ chế, chính sách tài chính, giá đất; chế độ quản lý, sử dụng các loại đất; phân cấp, giám sát, kiểm soát quyền lực trong quản lý đất đai; quy định về hộ gia đình quản lý sử dụng đất.