Người đàn ông vào Đảng ở tuổi 58 vì muốn giúp bản làng nhiều hơn
VOV.VN - Ông La Văn Hoá - người dân tộc Thái ở huyện biên giới Quế Phong, tỉnh Nghệ An luôn gương mẫu trong làm kinh tế, xây dựng bản làng. Ở tuổi 58, ông vui mừng khi được đứng vào hàng ngũ của Đảng, vì mong muốn hiểu rõ hơn chủ trương, chính sách để giúp được nhiều người hơn.
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo khó ở vùng núi, chàng thanh niên dân tộc Thái – La Văn Hoá không chấp nhận cảnh sống cơ cực, mà lăn lộn tìm kế sinh nhai, xoá đói nghèo.
"Đầu tiên tôi trồng cỏ chăn nuôi, vỗ béo trâu bò, từ năm 2014, cũng đạt lắm. Rồi đến mô hình VAC, trồng mía, trồng keo. Nhiều người dân trong làng học cách làm theo, chăn nuôi trâu bò, rồi vườn đồi" - ông La Văn Hoá chia sẻ.
Nói được, làm được, những việc ông làm đều thể hiện rõ ý chí quyết tâm đến cùng. Dưới tay ông, hàng trăm héc ta đồi rừng nghèo phía cuối bản, một ngày trở thành sinh kế bền vững.
"Tôi tuyên truyền cho người dân phải xây dựng một con đường. Khi tôi chưa vào Đảng năm 2017, tôi đi vận động dân, nhiều hộ chưa hiểu, gia đình tôi phải bỏ ra giúp dân làm đường, cầu, chỗ chật hẹp, bỏ 2 ca máy hỗ trợ. Xong tôi vận động dân đóng góp, xây dựng, mỗi hộ 2 trăm nghìn làm con đường này. Để bây giờ mới có con đường xe ô tô ra vào chạy thẳng lên đồi, giúp nhân dân sản xuất, làm hoa màu, hàng hoá mới tiêu thụ được. Riêng keo trên đồi ngày xưa nhiều nhưng không ai bán được vì xa xôi, không có đường đi được, bửa ni rất dễ dàng. Riêng đi lấy củi, hái lá về nuôi cá, nuôi trâu là đi xe cả" - ông La Văn Hoá cho biết.
Người ta thì mở đường xuống phố, ông La Văn Hoá thì ngược lại – tìm lối lên rừng: "Dân họ nói đường nông thôn làm chi cho rộng lắm, đi được cái xe máy là đủ rồi, họ cứ nói thế. Tôi nói cứ làm đi, làm con đường phải được 3 mét, nếu không được thì đừng làm nữa. Sau dân họ mới hiểu, bao nhiêu chỗ, bây giờ họ vẫn nhắc đến tôi về con đường nông thôn mới này. Tôi không mang lại tiền của chi cho họ, nhưng lời nói của tôi vận động dân họ làm, giải thích cho họ hiểu, làm thế này thì có thu nhập, có cái ăn, cái mặc".
Gần 10 năm trôi qua, người dân bản Hăn ngày ấy, khối Hồng Phong bây giờ đã có cuộc sống đủ đầy hơn, ai cũng tự nhủ một phần nhờ có ông Hoá đi trước mở đường.
Ông Vi Văn Biết, người hàng xóm của ông La Văn Hoá bảy tỏ thán phục: "Về ông Hoá thì trong cuộc sống trong bản, ông có nhiều mô hình, năng lực, xây dựng kinh tế, nhiều ý kiến đóng góp, vận động nhân dân làm mô hình. Ví dụ như trồng mía, chăn nuôi, đất rừng thì cải tiến trồng keo, năng xuất nhanh và có thu nhập, được nhân dân tin tưởng. Cuộc sống quan hệ ông tham gia vận động nhiều cái được nhân dân lắng nghe".
Đường lớn đã mở - con đường "khắc cốt, ghi tâm" của người dân bản Hăn với ông La Văn Hoá. Thế nhưng có một con đường khó khăn, chông gai hơn nhiều, ông Hoá vẫn kiên trì, một ý chí sắc son: "Đầu tiên tôi học đến lớp 7, gia đình hoàn cảnh, thời bấy giờ, về phụ cha mẹ làm nông, được lãnh đạo chi đoàn thanh niên, bí thư, rồi đội dân quân… Sau đến năm 2014 thì tôi làm công tác hội nông dân. Đặc biệt là già làng uy tín, tôi làm từ năm 2016. Nhiều thành tích, nhưng không phải đảng viên thôi!".
Ngày 8/9/2023, ông La Văn Hoá (58 tuổi) ở bản Hăn – nay là khối Hồng Phong, thị trấn Kim Sơn, huyện biên giới Quế Phong đã đọc lời thề danh dự được đứng vào hàng ngũ của Đảng.
Nhớ lại giây phút đó, Bí thư Chi bộ khối Hồng Phong - Lò Văn Thành không dám tin đó là sự thật vì ông chưa từng chứng kiến ai tuổi cao xin vào Đảng như ông La Văn Hoá: "Ông có giấy chứng nhận học lớp cảm tình và phân công người giúp đỡ ông Hoá để ông trở thành người đảng viên trong chi bộ. Sau quá trình đó cấp uỷ nhìn thấy ông Hoá có nguyện vọng xin vào Đảng, chi bộ xem xét, đề nghị Thường trực Đảng uỷ cho ông Hoá làm hồ sơ và đến giờ phút này được kết nạp vào Đảng. Tháng 9, ông được đứng trong hàng ngũ của Đảng. Với tinh thần đó cấp uỷ có thêm đảng viên tuổi cao nhưng vừa kết nạp là rất vinh dự đối với chi bộ tôi. Tôi mong muốn đồng chí Hoá làm sao tuyên truyền cho bà con, phát triển kinh tế, nhân lên điển hình".
Hai con đường - một ý chí. Ý chí của người đàn ông dân tộc Thái La Văn Hóa là không cam chịu đói nghèo. Ông nhận ra mình còn làm được nhiều hơn thế không chỉ cho gia đình mà cho bà con lối xóm. Bởi vậy, ông xin vào Đảng với mong muốn được tiếp thu nhiều hơn, hiệu quả hơn những chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và quan trọng hơn là trở thành người Đảng viên để gương mẫu đi đầu.
"Vào Đảng để xây dựng, làm gương cho con cháu. Theo tôi cũng vào để giúp dân, giúp làng, giải quyết công việc trong làng, những điều còn băn khoăn trong lòng. Được đứng vào hàng ngũ của Đảng thì dễ ăn dễ nói với dân và công việc suôn sẻ hơn" - ông Hóa quyết tâm nói.
Nghe tin ông Hoá vào Đảng cả vùng ai cũng ngạc nhiên, thán phục. Còn với vợ và con gái ông vui mừng vì những cống hiến, đóng góp của ông cho gia đình, làng xóm.
"Dù tuổi già, nhưng cán bộ, chính quyền địa phương quan tâm rất vui. Dù mấy ngày cũng là người đảng viên, thương ông, lo cho ông, quan tâm ông. Biết ơn cán bộ trong xóm, thị trấn. Rất vui, cũng muốn cho ông đi giúp dân làng nhiều hơn, để giúp gia đình, lợi ích cho xã hội là được." - vợ ông Hóa chia sẻ.
"Từ lúc bố làm hồ sơ vào Đảng cháu ủng hộ bố. Mong bố ngày càng tốt đẹp, học hỏi để các con cháu noi theo, làm tấm gương để các con phấn đấu, cũng là niềm tự hào" - con gái ông Hóa bày tỏ.
Ở miền biên viễn này, việc xây dựng, củng cố tổ chức đảng, phát triển đảng viên chưa bao giờ là dễ. Hàng loạt chi bộ không tìm được nguồn kết nạp. Gian nan là vậy, nên khi nhận được hồ sơ xin vào Đảng của ông Hoá, Phó Bí thư Thường trực Huyện uỷ Sầm Văn Duyệt đã tìm gặp ông Hoá "cho ra nhẽ".
"Tức là họ rất tự nguyện. Tôi có tiếp xúc, nói là con cháu có nói là ông/bác nhiều tuổi rồi, vào đảng làm gì nữa. Nhưng ông có tâm sự là vào để thấm nhuần thêm chủ trương chính sách, có điều kiện tuyên truyền thêm cho các cháu. Cái này rất là mừng" - ông Sầm Văn Duyệt cho biết.
Trưởng Ban Tổ chức Huyện uỷ Quế Phong Trương Thị Tuyết Mai cũng không khỏi ngỡ ngàng: "Hỏi quần chúng này thì mong muốn anh kết nạp làm gì? Bác cũng trả lời, giờ nói chung kinh tế tương đối khá rồi, giờ sinh hoạt nhiều lúc thấy các cụ đi sinh hoạt cũng vui vẻ, phấn khởi, thấy họ trao đổi thảo luận, ngồi uống nước chè cũng trao đổi, thảo luận. Cho nên cũng mong muốn vô được nghe chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước rõ hơn nữa. Tức là người ta cũng muốn làm công tác tuyên truyền vận động. Nếu trên 60 tuổi thì phải xin ý kiến của tỉnh, nhưng dưới 60 tuổi thì thẩm quyền của huyện".
Khi chưa phải là đảng viên, ông La Văn Hoá là người được chính quyền và người dân địa phương tin tưởng. Và bây giờ cũng vậy, ông vẫn nguyện dành trọn công sức, tâm huyết và ý chí cho người dân bản làng, với mong muốn xây dựng và phát triển quê hương, cải thiện đời sống người dân quê mình: "Làm gương thì tôi cũng làm rồi, sức khoẻ yếu rồi tôi chỉ mong nhân dân ai cũng có đất làm, đất cày. Cũng mong muốn cho dân trồng các loại cây có thu nhập, dân bản biết lợi ích của việc xây dựng nông thôn mới này" - ông Hóa nói.
Quy định số 29-QĐ/TW ngày 25/7/2016 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về thi hành Điều lệ Đảng và Hướng dẫn số 01-HD/TW ngày 20/9/2016 của Ban Bí thư thì tại thời điểm chi bộ kết nạp, người vào Đảng phải đủ từ 18 tuổi đến đủ 60 tuổi (tính theo tháng). Việc kết nạp vào Đảng những người trên 60 tuổi do cấp ủy trực thuộc Trung ương xem xét, quyết định.
Việc vào Đảng chưa bao giờ là muộn đối với những người có ý chí, khát vọng cống hiến – và câu chuyện của ông La Văn Hoá là một minh chứng cho điều này.