Nhà báo Hà Đăng: Đừng để người dân bị “ô nhiễm” bởi thông tin xấu
VOV.VN -Thông tin xấu giống như “một luồng khí nhẹ bị ô nhiễm”, len vào khe hở nhỏ của một căn phòng, dần dần sẽ thành trận cuồng phong.
Sự kiện mạng xã hội Lotus, 100% Made in Vietnam vừa ra mắt đã làm nóng các diễn đàn xã hội. Tuy nhiên chỉ mới khơi lên sự hứng khởi đối với xã hội thì ngay lập tức Lotus đã phải đối mặt với những tin đồn ác ý như “đây chỉ là một sân chơi nhằm mục đích chính trị”. Việc nhằm vào Lotus - một mạng xã hội được kỳ vọng sẽ phổ biến rộng rãi hơn ở Việt Nam để xuyên tạc là điều có chủ đích.
Nhà báo Hà Đăng. (Ảnh: Soha) |
Tuy nhiên, lĩnh vực mà những kẻ cơ hội xuyên tạc, bóp méo thường xuyên, đó là công cuộc phòng chống tham nhũng với những luận điệu như: chống tham nhũng chỉ đánh từ vai trở xuống, chống tham nhũng là cuộc đấu đá giữa các phe cánh. Ngoài ra, chúng cũng sẵn sàng xuyên tạc về sức khỏe của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các dự luật đang được Quốc hội thảo luận, xuyên tạc về chính sách đối ngoại của Việt Nam…. Để đánh lừa và lôi kéo độc giả, người sử dụng mạng xã hội, chúng sẵn sàng lập giả mạo các trang web của các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước và trang web của Ban Tuyên giáo Trung ương để đăng những thông tin xấu, độc, thu hút độc giả vào ma trận thông tin do chúng tạo dựng.
Trước những thông tin không đúng sự thật, cố ý xuyên tạc và bôi xấu cá nhân lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Nhà báo Hà Đăng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Trưởng ban Tư tưởng, Văn hóa Trung ương, nguyên Tổng biên tập Báo Nhân dân cho rằng, kiểu dàn dựng mang tính bịa đặt này đã hoàn toàn cũ.
“Tôi không mấy ngạc nhiên khi nghe những thông tin xấu độc như trên. Thực chất là những thông tin bịa đặt hoặc xuyên tạc, bóp méo sự thật một cách trắng trợn. Tôi có nhớ lại một câu chuyện từ thời chiến tranh thế giới thứ hai, Goebbels - một cận thần phụ trách công tác tuyên truyền của trùm phát xít Hitler đã có câu nói như sau: “Những lời nói dối được lặp đi lặp lại nhiều lần thì sẽ trở thành sự thật”. Có nghĩa là nếu sự nói dối đó được lặp đi lặp lại nhiều lần thì sẽ làm cho người ta có cảm giác đó là sự thật. Đây là một cách đánh lừa tệ hại mà những người làm công tác thông tin của chúng ta cần phải cảnh giác”, ông Hà Đăng chia sẻ.
Trên thực tế, nhiều thông tin xuyên tạc, bóp méo sự thật lan tràn trên mạng xã hội đã khiến một bộ phận người dân tin theo và bị kích động. Nhà báo Hà Đăng cho rằng, đây chính là mục tiêu mà những kẻ xuyên tạc, tung tin thất thiệt hướng tới. Những thông tin này vẫn hàng ngày, hàng giờ len lỏi trong đời sống và tác động xấu mà nó gây ra đối với người dân là rất lớn.
“Trước hết, nó làm xói mòn niềm tin của người dân vào Đảng, vào chế độ, cộng đồng; nó gieo rắt sự hoài nghi, tiến lên một bước là làm cho người ta nửa tin nửa ngờ và cuối cùng là mất niềm tin. Khi đã mất niềm tin, chỉ cần một kích động nhỏ cũng đủ để gây ra hậu quả lớn trong xã hội. Nó như một luồng khí nhẹ bị ô nhiễm, len vào khe hở nhỏ của một căn phòng. Nếu như không ngăn chặn kịp thời thì qua nhiều khe nhỏ khác, chẳng phải nó sẽ trở thành trận cuồng phong ô nhiễm có thể hủy hoại cả cuộc sống của cả một tòa nhà hay sao?” – nhà bão lão thành Hà Đăng nhận định.
Hình minh họa. |
Sự kích động bằng cách nói xấu, bôi nhọ, tung tin đồn thất thiệt có chủ ý trên không gian ảo là thực sự nguy hiểm. Bởi nó có thể dễ dàng dẫn dụ người dân tới những suy nghĩ lầm lạc, kích thích tâm lý đám đông tin vào những điều chưa được kiểm chứng, rồi lại tiếp tục dựng chuyện và vu cáo.
Đi sâu phân tích nguyên nhân dẫn đến khuyết điểm, yếu kém khiến cho một bộ phận Đảng viên tha hóa, khiến kẻ địch lợi dụng, chỉ trích, nói xấu chế độ, nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan đã nhận định: “Chính việc xây dựng, cùng cố lòng tin với người dân sẽ là sức mạnh để cản bước những âm mưu, thủ đoạn xuyên tạc, tung tin nói xấu của các thế lực thù địch”.
Còn đối với Nhà báo Hà Đăng thì niềm tin phụ thuộc vào nhiều nhân tố: “Chúng ta phải củng cố niềm tin bằng những việc làm cụ thể. Đối với người dân, trước hết người ta thường nhìn vào những việc lãnh đạo làm, nhìn vào những người đảng viên. Nếu đảng viên đi trước làm gương thì cả nước sẽ lội nước đi theo. Đầu tiên niềm tin có được là ở tấm gương những người đảng viên trung thành và làm gương cho tất cả dân tộc”.
Bên cạnh đó, một hạn chế mà chúng ta cần nhìn thẳng và rút kinh nghiệm đó là việc “thiếu và yếu” trong cơ chế cung cấp, xử lý thông tin khi có vụ việc được cho là “nhạy cảm” xảy ra. Sự lúng túng trong việc xử lý, cung cấp thông tin se tạo kẽ hở để các thế lực thù địch lợi dụng. Từ đó, chúng thổi phồng, bóp méo thông tin theo ý đồ xấu.
Trong bối cảnh toàn cầu hóa, thông tin là yếu tố sống còn của sự phát triển. Việc đối mặt với các tin xấu, tin độc, tin giả và bôi nhọ, xuyên tạc là chuyện bình thường. Chúng ta sống chung với nó nhưng không để những thông tin xấu, độc lan tràn trên mạng xã hội, dẫn dắt và tác động. Phát triển mạng xã hội ở Việt Nam như thế nào để có thể vừa đáp ứng nhu cầu sử dụng của người dân, vừa quản lý được thông tin chính là chìa khoá để đảm bảo sự ổn định, thịnh vượng và phát triển của xã hội./.