Nhiều kiến nghị để Nghị quyết 98 phát huy hiệu quả hơn nữa
VOV.VN - Phát biểu tại hội thảo khoa học cấp bộ "TP.HCM sau một năm thực thi Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội", do Học viện cán bộ TP.HCM và Cơ quan thường trực Tạp chí Cộng sản tại miền Nam tổ chức (14/5), các đại biểu đánh giá Nghị quyết 98 đã được triển khai một cách hiệu quả, có những kết quả bước đầu khá toàn diện trên nhiều lĩnh vực.
Phó Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Tấn Phát, Giám đốc Học viện Cán bộ TP. HCM cho biết, triển khai Nghị quyết 98, thành phố đã ban hành quy định về thu nhập tăng thêm với mức chi tối đa là 1,8 lần mức lương ngạch, bậc, chức vụ và chi không vượt quá 0,8 lần quỹ lương cơ bản của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuộc phạm vi quản lý của Thành phố.
Thành phố đã có những văn bản hướng dẫn cụ thể, sát hợp, bước đầu có tín hiệu khởi sắc trong từng vấn đề cụ thể như quy định tiêu chí, điều kiện, mức, nội dung, hình thức và thời gian để hỗ trợ giảm nghèo, giải quyết việc làm. Kế đến là các văn bản hướng dẫn về quy mô tổng mức đầu tư tối thiểu của dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư trong lĩnh vực y tế, giáo dục - đào tạo, thể thao và văn hóa; về tiêu chí, tiêu chuẩn, định mức quy định đối với số lượng cán bộ, công chức tại xã, phường, thị trấn; về thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao và thành lập, tổ chức lại, giải thể các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc UBND thành phố.
Thành phố cũng có Quyết định ban hành mẫu công bố thông tin danh mục dự án thu hút nhà đầu tư chiến lược; xây dựng Danh mục dự án thu hút đầu tư giai đoạn 2023 - 2025 theo cơ chế đặc thù quy định tại Nghị quyết số 98/2023/QH15 và các quy định hiện hành; tổ chức Hội nghị lấy ý kiến Đề án nghiên cứu xây dựng Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ…
PGS.TS Nguyễn Tấn Phát, Giám đốc Học viện Cán bộ TP.HCM cho biết thêm: "Sau gần 1 năm được ban hành, nhờ sự chỉ đạo sát sao, quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ - Trưởng ban chỉ đạo, cùng với sự vào cuộc khẩn trương và toàn diện của các cấp ủy đảng chính quyền, sở ngành TP. Sự phối hợp chặt chẽ thông suốt giữa các bộ ngành, cơ quan Trung ương, kết quả triển khai Nghị quyết số 98/2023/QH15 đã đạt được kết quả khá toàn diện trên nhiều lĩnh vực của Thành phố.
Vẫn còn chồng chéo
Tại hội thảo, nhiều ý kiến thẳng thắn chỉ ra các bất cập, khó khăn như việc ban hành khung pháp lý hướng dẫn một số nội dung tại Nghị quyết 98 chưa kịp tiến độ. Một số chính sách chưa có quy định của pháp luật trong Nghị định của Chính phủ hoặc hướng dẫn của bộ, ngành về trình tự thủ tục, cơ chế, nguồn vốn để Thành phố có cơ sở triển khai thực hiện, như chính sách về sử dụng điện mái nhà các trụ sở cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công để lắp đặt hệ thống điện mặt trời; cơ chế tài chính thực hiện biện pháp giảm phát thải nhà kính theo các cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon…
Ngoài ra, hiện vẫn chưa có cơ chế phối hợp giữa TP.HCM và bộ, ngành Trung ương, nhất là phối hợp giải quyết khó khăn, vướng mắc trong triển khai Nghị quyết số 98/2023/QH15; tiến độ xây dựng, trình các cơ chế, chính sách thuộc thẩm quyền của Thành phố còn chậm so với yêu cầu…
Nghị quyết 98 cũng có một phần riêng dành cho TP. Thủ Đức, bước đầu giúp cho mô hình "thành phố trong thành phố" đầu tiên của cả nước khơi thông điểm nghẽn, mang lại các cơ hội có tính lịch sử với các cơ chế như chủ động trong xây dựng, bố trí sắp xếp cơ cấu tổ chức các phòng ban, đơn vị trực thuộc UBND TP Thủ Đức; được trao các thẩm quyền của TP và sở ngành; được phép phân cấp phân quyền cho các phòng ban, đơn vị…
Các cơ chế, chính sách đã được Quốc hội ban hành là nền tảng vững chắc ban đầu để TP Thủ Đức từng bước phát huy tối đa các tiềm năng, lợi thế sẵn có. Qua 11 tháng triển khai, Thủ Đức đã hoàn thiện bộ máy tổ chức, sắp xếp bố trí nhân sự đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới; cơ bản vận hành hiệu quả các cơ chế, chính sách về quyết định chấp thuận chủ trương và điều chỉnh chủ trương đầu tư cho các dự án của nhà đầu tư trong nước sử dụng vốn ngoài ngân sách trên địa bàn…
Tuy nhiên, ông Nguyễn Bạch Hoàng Phụng, Phó Chủ tịch UBND TP Thủ Đức nhìn nhận, Thủ Đức đang gặp thách thức lớn khi phải thực hiện tinh giảm biên chế trong khi khối lượng công việc ngày càng tăng cao. TP Thủ Đức cần nhu cầu vốn rất lớn nhưng khả năng cân đối của TP.HCM còn khó khăn nên rất cần được hỗ trợ cơ chế huy động nguồn vốn.
Ông Nguyễn Bạch Hoàng Phụng cho biết thêm, Nghị quyết 98/2023/QH15 đã ban hành các cơ chế, chính sách đặc thù trong nhiều lĩnh vực và hiệu lực thi hành, được quy định rất rõ tại khoản 5 Điều 12 "Trường hợp có quy định khác nhau về cùng một vấn đề giữa Nghị quyết này với luật, nghị quyết khác của Quốc hội thì áp dụng quy định của Nghị quyết này", tuy nhiên, thực tế rất khác: "Các vấn đề này cần phải giải quyết và thuộc sự điều chỉnh của rất nhiều quy định chuyên ngành dẫn đến chưa thống nhất, vận dụng hiệu quả Nghị quyết. Nói như vậy để thấy từ Nghị quyết đến triển khai còn vướng các luật khác, cần có sự hỗ trợ rất lớn của các bộ, ngành Trung ương".
Phát huy vai trò vùng
Các đại biểu đề xuất cần tiếp tục hoàn thiện thể chế chính sách theo Nghị quyết số 98/2023/QH15. Hiệu lực, hiệu quả của Nghị quyết còn phụ thuộc rất nhiều vào tính chủ động, sáng tạo trong quá trình thực hiện, trên cơ sở đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, nâng cao năng lực cán bộ thực thi, phân bổ nguồn lực phù hợp và tăng cường kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả thực thi chính sách.
PGS.TS Đỗ Phú Trần Tình, Viện trưởng Viện phát triển chính sách, Đại học Quốc gia TP.HCM đánh giá, Nghị quyết 98 mở ra nhiều cơ hội cho TP. HCM nhưng vẫn có một số tồn tại. Đó là mặc dù cơ chế đặc thù thông qua cho TP nhưng khi triển khai vẫn phải theo thủ tục, phải qua các bộ, ngành Trung ương dẫn đến kéo dài thời gian. Thứ hai là chưa có nhân sự chuyên trách ở cấp Trung ương và TP.HCM để thực hiện Nghị quyết 98; tốc độ xây dựng văn bản hướng dẫn Nghị quyết 98 còn chậm; cơ chế phối hợp giữa TP.HCM và các bộ ngành Trung ương chưa rõ ràng, còn tình trạng chờ đợi và đặc biệt là chưa phát huy được vai trò của cấp vùng trong triển khai.
PGS.TS Đỗ Phú Trần Tình đề xuất hai chính sách. Đầu tiên là cần phân cấp cho TP.HCM phù hợp với cơ chế đặc thù, ít phụ thuộc vào các bộ, ngành Trung ương mà vẫn đảm bảo đúng quy định pháp luật. Trong bối cảnh thể chế hiện nay, nếu chưa rõ ràng sẽ rất khó cho cán bộ làm.
Cần trao thêm cho TP.HCM cơ chế đặc biệt, phù hợp với thực tế của TP và luật định. Đó là với những vấn đề cũ đã có văn bản hướng dẫn thi hành nhưng còn vướng mắc thì Trung ương có thể cho phép TP.HCM xây dựng “cơ chế chính sách tạm thời” để thực hiện các vấn đề địa phương. Sau khi giải quyết xong sẽ dừng lại và chờ các văn bản hướng dẫn.
Đặc biệt, PGS.TS Đỗ Phú Trần Tình cho rằng, Nghị quyết 98 mở ra cơ hội cho TP phát huy vai trò đầu tàu, nòng cốt trong vùng Đông Nam bộ, nhất là về hạ tầng vùng. Vừa qua, có một sự cải tiến là Thủ tướng làm Chủ tịch Hội đồng điều phối vùng Đông Nam Bộ. Tuy nhiên, mọi thứ vẫn phải thực thi theo pháp luật. Do đó PGS.TS Đỗ Phú Trần Tình cho rằng, trong dài hạn sẽ điều chỉnh luật về liên kết vùng nhưng ngắn hạn Trung ương có thể mạnh dạn cho vùng Đông Nam bộ thí điểm về cơ chế liên kết vùng, thể chế liên kết vùng.
PGS.TS Đỗ Phú Trần Tình nói: "Nên thí điểm cho Hội đồng điều phối vùng là cơ quan trực thuộc Chính phủ. Và khi Hội đồng điều phối vùng Đông Nam Bộ này trở thành cơ quan hành chính trung gian, có pháp nhân, có con dấu, thì có quyền điều tiết ngân sách để xây dựng hạ tầng liên kết vùng, phối hợp với vốn "mồi" của TP.HCM thì sẽ làm tốt vấn đề này."
Phó Giáo sư - TS Đỗ Phú Trần Tình cũng đề xuất, các tỉnh Đông Nam bộ có thể giữ lại một phần ngân sách đưa vào quỹ phát triển hạ tầng liên vùng. Bên cạnh đó, có thể thí điểm cho Bí thư Thành ủy TP.HCM làm trưởng ban điều phối vùng để giám sát, truyền tải thông tin, kịp thời tham mưu các vấn đề của vùng.