Những chính sách vượt trội vì dân nghèo Đà Nẵng: Vượt trội ở tính nhân văn
VOV.VN - Chưa có địa phương nào như Đà Nẵng từ rất lâu đã dùng ngân sách địa phương xây dựng nhà ở xã hội, bố trí căn hộ chung cư và miễn, giảm tiền thuê nhà đối với gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, giúp người dân nghèo được “an cư lạc nghiệp”.
Đà Nẵng cũng là địa phương đi đầu trong cả nước khi ban hành và thực hiện có hiệu quả nhiều chính sách vượt trội như trợ cấp thường xuyên cho người mắc bệnh ung thư, suy thận, người cao tuổi từ 75 tuổi đến 80 tuổi không có lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng, miễn tiền học phí cho học sinh các cấp học. Tiếp tục loạt bài này “Những chính sách vượt trội vì dân nghèo ở Đà Nẵng” VOV.VN giới thiệu :
Bài 2 : Những chính sách vượt trội giàu tính nhân văn ở Đà Nẵng.
>>Bài 1: Những chính sách vượt trội vì dân nghèo Đà Nẵng: Cấp nhà cho người nghèo
“Tôi bị bệnh hiểm nghèo. Nếu không có bảo hiểm chi trả 100 % thì tôi không có khả năng để chạy thận vì chạy thận chi phí rất nhiều. Cũng may, chính quyền địa phương thương xót cấp cho tôi thẻ bảo hiểm hộ nghèo. Hàng tháng, tôi được trợ cấp 600 ngàn đồng, mặc dù số tiền không nhiều nhưng đối với tối rất trân quý”.
Mới ngoài 40 tuổi mà dáng vẻ của chị Lê Thị Xuyến, ở phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng trông rất xanh xao, gầy yếu do căn bệnh hiểm nghèo. Chị có 2 đời chồng nhưng hiện nay vẫn là người mẹ đơn thân, một mình nuôi 2 con đang tuổi ăn học. Người chồng đầu qua đời vì tai nạn giao thông khi chị đang mang thai. 7 năm sau, chị đi bước nữa, sinh một đứa con trai và ở với nhau được 1 năm thì vợ chồng ly hôn. 10 năm nay, chị Xuyến mắc bệnh suy thận mạn. Khi bệnh trở nặng, người kiệt sức, chị mới đi khám và phát hiện bệnh đã chuyển sang gian đoạn 4. 3 năm nay, chị Xuyến không còn làm được gì. Hàng tuần, chị phải đến bệnh viện 3 buổi để chạy thận, 1 buổi chạy từ 3 đến 5 tiếng đồng hồ. Nếu không có bảo hiểm chi trả thì một lần chạy thận dịch vụ mất 1,3 triệu đồng, mỗi tháng tốn khoảng 15 triệu đến 17 triệu đồng trả viện phí.
Chị Lê Thị Xuyến tâm sự, chị sống được ngày hôm nay là có tình thương của mọi người, nhờ nguồn trợ cấp xã hội và các chính sách nhân văn vì dân nghèo của thành phố: “Tôi chạy thận được 3 năm, sức khỏe rất là kém, người rất mệt, không có khả năng di chuyển nhiều, chân tay nó bủn rủn, không làm được gì hết. Tôi là lao động chính trong gia đình, con còn nhỏ đang đi học nhưng mà tiền thì tôi không có. Tôi sống nhờ tình thương của mọi người".
Hoàn cảnh của gia đình bà Đỗ Thị Loan, ở phường Thọ Quang, quận Sơn Trà còn bi đát hơn. Cả 2 vợ chồng đều mắc bệnh ung thư. Vợ bị ung thư vú, còn chồng thì ung thư phổi. Căn hộ chung cư gia đình bà Loan đang ở được thành phố cấp và giảm tiền thuê nhà, giảm tiền điện. Gia đình bà còn được cấp thẻ bảo hiểm hộ nghèo, khám chữa bệnh miễn phí, 2 đứa con đi học cũng được miễn học phí. Hàng tháng, vợ chồng bà còn được hỗ trợ 1,2 triệu đồng đối với người mắc bệnh hiểm nghèo. Đứa con út đang học lớp 9 cũng được Vùng 3 Hải quân nhận đỡ đầu. Bà Đỗ Thị Loan tâm sự, nếu không có các chính sách nhân văn của thành phố, gia đình bà khó được như ngày hôm nay: “Hai vợ chồng cũng khó, hiện chỉ 2 bàn tay trắng không có tiền để nộp cho bệnh viện. Nhờ có bảo hiểm y tế để chữa bệnh, không tốn tiền, bác sĩ cấp thuốc về uống thôi. Nhờ có bảo hiểm chứ không là chết rồi”.
Vào cuối năm 2023, HĐND thành phố Đà Nẵng ban hành Nghị quyết về mức trợ giúp xã hội và mở rộng đối tượng bảo trợ xã hội. Lần đầu tiên, người mắc bệnh ung thư, suy thận mãn chạy nhân tạo không có lương hưu, tiền lương, không có trợ cấp bảo hiểm xã hội hoặc trợ cấp xã hội hằng tháng được hỗ trợ 1,5 lần mức chuẩn trợ giúp xã hội theo quy định hiện hành (tương đương 600 ngàn đồng/tháng).
Người khuyết tật nhẹ là thế hệ thứ ba của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học và người từ 75 tuổi đến 80 tuổi không có lương hưu, không có trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp xã hội hàng tháng cũng được hỗ trợ 1 lần mức chuẩn trợ giúp xã hội theo quy định hiện hành (tương đương 400 ngàn đồng/tháng).
Ngoài ra, các đối tượng này còn được cấp thẻ bảo hiểm y tế, hỗ trợ chi phí mai táng khi qua đời bằng 20 lần mức hiện hành (khoảng 8 triệu đồng/người).
Đây là một trong chính sách rất nhân văn, riêng có, vượt trội của thành phố Đà Nẵng so với khung chính sách của Trung ương. Riêng đối với người cao tuổi, theo Nghị định số 20 năm 2021 của Chính phủ, người cao tuổi đủ 80 tuổi trở lên mới được trợ cấp mỗi tháng 360 ngàn đồng, nhưng thành phố Đà Nẵng mở rộng đối tượng đến người đủ 75 tuổi đến 80 tuổi là được trợ cấp hàng tháng và tăng mức hỗ trợ lên 400 ngàn đồng/tháng.
Nghị quyết này khi ban hành được nhân dân đồng tình, ủng hộ:
-“Tôi cho rằng chính sách hỗ trợ của thành phố Đà Nẵng rất là nhân văn so với Trung ương”.
-“Chính sách người có tuổi từ 75 tuổi đến 80 tuổi được hưởng 400 ngàn đồng/ tháng có giá trị rất nhân văn. Vì người cao tuổi đa số bị bệnh tật, tuổi thọ cũng đến 80 tuổi là quá rồi, lúc đó cũng kiệt quệ rồi, đa số nằm một chỗ ít có người khỏe đi lại được”.
-“Nhà bị sập lên sập xuống, trong nhà không có đồng nào. Chồng em bị gãy chân, nếu không có bảo hiểm y tế là phải mất 60 triệu đồng, nhờ bảo hiểm y tế hộ nghèo nếu không gia đình em không biết bấu víu vào đâu”.
Đó là suy nghĩ của dân nghèo Đà Nẵng.
Chính sách hỗ trợ hàng tháng dành cho người mắc bệnh ung thư, suy thận mãn, chạy thận nhân tạo, người cao tuổi từ 75 tuổi đến 80 tuổi đã được thành phố Đà Nẵng áp dụng từ nhiều năm trước. Trước đây, thành phố chỉ áp dụng đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo, sau khi thoát nghèo sẽ không còn được hưởng chính sách này. Qua đánh giá tuổi thọ trung bình của người dân tại thành phố Đà Nẵng là 76,1 tuổi, nếu để đủ 80 tuổi mới được hưởng chính sách trợ cấp xã hội theo quy định của Nghị định số 20 năm 2021 của Chính phủ thì nhiều người cao tuổi không có thu nhập, hoàn cảnh khó khăn, chưa được hưởng chính sách sẽ không có cơ hội để thụ hưởng chính sách này.
Tại thành phố Đà Nẵng, hơn 4.000 người không có lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng và 1.250 người mắc bệnh hiểm nghèo không có lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp xã hội. Hơn 500 người dân của thành phố mắc bệnh ung thư, suy thận mãn phải chạy thận nhân tạo, chi phí điều trị cao và kéo dài.
Bà Nguyễn Thị Thu Hương, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội thành phố Đà Nẵng cho biết, để thực hiện chính sách nay, mỗi năm, thành phố phải trích ngân sách 36 tỷ đồng hỗ trợ các đối tượng này: “Chính sách đặc thù của thành phố thực hiện trong thời gian qua, các mức hỗ trợ đều cao hơn so với quy định của Trung ương từ 1,2 đến 1,5 lần. Đối tượng ngày càng được mở rộng. Cơ bản bao phủ đến các nhóm đối tượng yếu thế không có thu nhập thì đều được trợ giúp. Điều kiện được hưởng thì cũng mở rộng tới các hộ cận nghèo, hộ có mức sống trung bình. Các chính sách xã hội của thành phố góp phần nâng cao đời sống cho một số nhóm đối tượng yếu thế”.
Kiên trì mục tiêu phát triển bền vững, không bỏ ai ở lại phía sau, đặt lợi ích của người dân và thành phố lên hàng đầu đã được xác định rõ trong Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố Đà Nẵng từ nhiều nhiệm kỳ trước. Hiện thực hóa mục tiêu này, Đà Nẵng đã ban hành và thực hiện những chính sách vượt trội dành cho người nghèo. Thành phố tự cân đối ngân sách, duy trì các chính sách đặc thù, mở rộng đối tượng và nâng mức trợ cấp hướng đến mục tiêu đảm bảo an sinh xã hội. Chúng tôi sẽ tiếp tục vấn đề này trong bài cuối của loạt bài “Những chính sách vượt trội vì dân nghèo ở Đà Nẵng”.