Ông Nguyễn Thiện Nhân chia sẻ 5 bài học về chính sách dân số
VOV.VN - Ông Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, Việt Nam cần thay đổi chính sách dân số ngay từ bây giờ khi chúng ta vừa tụt khỏi ngưỡng tỷ suất sinh thay thế 9 năm qua.
Tại chương trình Hội nghị đối thoại chính sách MTTQ Việt Nam với dân số và phát triển bền vững do Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam phối hợp với Quỹ Dân số Liên Hợp quốc (UNFPA) vừa tổ chức, GS-TS Nguyễn Thiện Nhân đã đưa ra 5 bài học kinh nghiệm từ các nước trong chính sách phát triển dân số.
Thứ nhất, tất cả các nước tôn trọng quyền tự do lựa chọn kết hôn hay không kết hôn, có con hay không có con đều trải qua tình trạng tỷ suất sinh thấp kéo dài trên 22 năm như: Đức, Nhật Bản, Singapore, Hàn Quốc và Thái Lan và phải gánh chịu 3 hậu quả: Lực lượng lao động liên tục giảm làm giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế, tiềm năng sáng tạo của quốc gia và tầm ảnh hưởng trên trường quốc tế và sớm hay muộn việc dân số cũng sẽ giảm, Quỹ Hưu trí quốc gia trở nên mỏng manh hơn và đối mặt với nguy cơ vỡ quỹ, tỷ suất sinh có khả năng không quay lại được tỷ suất sinh thay thế trong vòng 40 - 80 năm tới.
Ông Nguyễn Thiện Nhân đề xuất 5 bài học về chính sách dân số |
Thứ hai, nếu Chính phủ nhận diện được các tác động bất lợi của tình trạng kéo dài tỷ suất sinh thấp hơn tỷ suất sinh thay thế đối với phát triển kinh tế xã hội nhưng phản ứng chậm thì sẽ đạt kết quả thấp hoặc thậm chí không có kết quả. Việt Nam cần thay đổi chính sách dân số ngay từ bây giờ khi chúng ta vừa tụt khỏi ngưỡng tỷ suất sinh thay thế 9 năm qua.
Khi đó, Việt Nam có thể ngăn chặn tình trạng kéo dài tỷ suất sinh thấp hơn tỷ suất sinh thay thế và duy trì tỷ suất sinh thay thế trong vòng 50 năm tới hoặc lâu hơn, đảm bảo khả năng cạnh tranh của lực lượng lao động nước ta cũng như sự pháp triển KTXH bền vững trong dài hạn.
Thứ ba, ở hầu hết các nước phát triển phương Tây và Đông Á, việc kết hôn và có con được xem như quyết định cá nhân của mỗi người, mỗi gia đình. Trong ngắn hạn, chẳng hạn như 10 năm, quyết định đó có thể đúng vì nó chưa có các tác động bất lợi về mặt xã hội.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, trong dài hạn, việc tôn trọng quyền tự quyết của các gia đình đã gây ra tác động bất lợi lớn đến sự phát triển của quốc gia, hạnh phúc của mỗi người và an ninh quốc gia. Nếu nguồn nhân lực của một quốc gia giảm liên tục trong 30 năm hoặc lâu hơn thì năng suất lao động tăng thêm cũng không đủ khả năng bù đắp sự sụt giảm lực lượng lao động để đảm bảo duy trì mức tăng trưởng kinh tế hợp lý, an toàn cho Quỹ Hưu trí và tham gia vào các hoạt động trên bình diện quốc tế.
Một quốc gia ngày càng nhỏ đi về quy mô dân số thì cuối cùng cũng giảm dần sức mạnh văn hóa, kinh tế và chính trị. Do đó, các công dân có ý thức và trách nhiệm dân tộc cần cân nhắc các tác động chính trị và xã hội của quyết định của riêng mình về việc có nên kết hôn hay không? Nên có bao nhiêu con?. Nếu công dân yêu nước mình thì phải lo lắng cho vận mệnh của dân tộc trong 50 hay 100 năm nữa.
Quyền tự do cá nhân đối với hạnh phúc của riêng mình và cuộc sống gia đình phải song hành với việc gia tăng nhận thức về các tác động về mặt xã hội đối với quốc gia. Các suy nghĩ ngắn hạn và lối hành xử tự do như gây ô nhiễm và tàn phá môi trường trong 50 năm qua đã gây ra những thảm họa kinh hoàng về biến đổi khí hậu ở khắp thế giới. Bài học đó sẽ giúp chúng ta thay đổi quan điểm nếu chúng ta quan tâm đến hạnh phúc của nhân dân và sự thịnh vượng của nước nhà.
Thứ tư, lý do vì sao ở các nước phát triển và một số nước khác khi mức sống càng tăng lên thì tỷ suất sinh lại rất thấp, thực chất do các bất lợi đè nặng lên những người kết hôn và có con như nguy cơ mất việc sau khi sinh, chi phí tại nhà trường cao và bất tiện, các khó khăn về nhà ở, lo ngại về việc có con sẽ làm giảm thu nhập...
Thứ năm, các biện pháp nhằm giữ tỷ suất sinh ở mức tỷ suất sinh thay thế thực ra khác hoàn toàn với các biện pháp làm giảm tỷ suất sinh, áp dụng các biện pháp tránh thai. Hiện nay, nhiệm vụ làm giảm tỷ suất sinh là trách nhiệm của Bộ Y tế nhằm áp dụng các biện pháp y tế trong kế hoạch hóa gia đình, nhưng các biện pháp xã hội như đảm bảo giữ được công việc sau sinh, các cơ hội nghề nghiệp, nhà ở giá thấp, nhà trẻ, trường học tốt, các biện pháp khuyến khích về thuế thu nhập là trách nhiệm của các Bộ, ngành khác./.