“Phải kiên quyết với những kẻ quá khích gây rối, đập phá tài sản Nhà nước“
VOV.VN - TS Phạm Huy Thông: Thái độ ôn hòa nhưng phải kiên quyết đối với một số trường hợp quá khích để tránh bạo lực lan rộng, kéo dài.
Trong 2 ngày 10 và 11/6, lợi dụng việc biểu tình phản đối Quốc hội thông qua Dự thảo Luật Đặc khu, tại hai điểm nóng Phan Rí và Phan Thiết (Bình Thuận) đã xảy ra các vụ tụ tập đông người, gây rối trật tự công cộng, thậm chí nhiều người còn tràn vào công sở, tấn công cảnh sát cơ động, đốt phá nhiều ô tô, xe máy...
Đập phá tài sản Nhà nước cũng là đập phá tài sản của chính mình
Tiến sỹ Phạm Huy Thông, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Đoàn kết Công giáo thành phố Hà Nội cho rằng, những hành động đập phá trụ sở, đốt xe của cơ quan công quyền, tấn công người thi hành công vụ là những hành đồng khó ai có thể chấp nhận và ủng hộ. “Những hành động kích động gây rối, phá hoại tài sản Nhà nước, kể cả về phía Nhà nước hoặc các tổ chức tôn giáo, trong đó có Công giáo, đều không thể nào chấp nhận và lên án các hành vi bạo lực này”.
TS Phạm Huy Thông |
“Người dân hãy bình tĩnh, có nhiều kênh, nhiều cách để phản ánh, có thể thông qua các văn bản kiến nghị hay thông qua các đại biểu Quốc hội, các tổ chức đoàn thể để phản ánh những băn khoăn, lo lắng. Làm như vậy sẽ hiệu quả và không vi phạm pháp luật như việc tụ tập đám đông, kích động gây rối, đập phá tài sản như vừa qua”- TS Phạm Huy Thông nói.
Việt Nam vẫn được coi là là một đất nước thanh bình, ổn định về chính trị- xã hội nên nhiều nhà đầu tư đã đầu tư vào Việt Nam. TS Phạm Huy Thông cho rằng, những hình ảnh đáng tiếc xảy ra hôm 11/6, dù không muốn nhưng cũng làm cho nhiều công ty nước ngoài lo lắng. Một số công ty lo rằng sẽ xảy ra như vụ ở Bình Dương năm 2014, nên họ cũng đã phải dùng nhiều giải pháp, có công ty đã phải giăng khẩu hiệu “Chúng tôi là công ty Hàn Quốc, chúng tôi ủng hộ nhân dân Việt Nam” để mong rằng đám đông quá khích đừng vào công ty của họ phá phách như trước đây.
Đến thời điểm hiện nay, cơ quan công an đã bắt giữ nhiều đối tượng, khởi tố vụ án gây rối trật tự công cộng, hủy hoại tài sản và chống người thi hành công vụ trên địa bàn tỉnh Bình Thuận và một số địa phương để điều tra, làm rõ và xử lý những đối tượng liên quan, nhưng ít nhiều, hành động quá khích, gây rối như vừa qua đã làm xấu đi hình ảnh Việt Nam vốn thanh bình và ổn định.
Hay hình ảnh công nhân ở một số công ty ở TP HCM tuần hành để yêu cầu tăng lương, giảm giờ làm thêm cộng với một số nhóm đối tượng phản đối 2 dự thảo luật ở thời điểm đó đã hòa vào với nhau thành một dòng người lớn, gây ách tắc giao thông, mất ổn định an ninh, cũng làm xấu xí hình ảnh của đất nước.
“Công nhân có quyền yêu cầu chủ phải tăng lương, giảm giờ làm thêm, nhưng theo tôi, họ có tổ chức công đoàn, các nghiệp đoàn, họ có thể phản ánh ý kiến của mình đến những tổ chức này. Chắc chắn với số lượng ý kiến nhiều như vậy, chủ công ty sẽ phải lắng nghe và giải quyết. Sẽ có nhiều cách biểu thị ý kiến của mình, nhưng việc tập trung đám đông, kích động gây rối, mất trật tự an ninh là không nên”- ông Thông nói.
Ôn hòa nhưng phải kiên quyết đối với các trường hợp quá khích
TS Phạm Huy Thông cho biết, ông theo dõi khá sát việc xử lý của các lực lượng chức năng trong việc giải quyết các điểm nóng trong những ngày vừa qua. “Nói một cách khách quan, các cơ quan chức năng hôm 11/6 xử lý khá ôn hòa, không có bạo lực và căng thẳng. Ngay cả khi đám đông quá khích lao vào trụ sở cơ quan, đốt xe, tấn công người thi hành công vụ nhưng các lực lượng chức năng như công an, cảnh sát khá ôn hòa. Hành động này cũng làm cho bạo lực đỡ gia tăng. Đó cũng là một cách giải quyết”.
Đám đông gây rối đốt xe tại PCCC Phan Rí gây thiệt hại nhiều tỷ đồng
“Nếu không kiên quyết thì các hành động cực đoan sẽ gia tăng, đẩy vấn đề kéo dài và hậu quả nặng hơn. Cơ sở vật chất cũng thiệt hại nặng hơn, nếu có bắt và xử lý những người vi phạm cũng gây nhiều mệt mỏi và mất thời gian vào việc xử lý vi phạm”- ông Thông nói.
Phải xử lý bức xúc của dân từ cơ sở, không thể bức xúc tích tụ
Theo TS Phạm Huy Thông, việc dừng thông qua dự án Luật đặc khu là một quyết định sáng suốt, được người dân cả nước, trong đó có đồng bào Công giáo hoan nghênh. Bởi trên cả là sự lắng nghe dân, tôn trọng ý kiến người dân của Chính phủ, Quốc hội.
“Tôi cho rằng đây cũng là kinh nghiệm để các địa phương từ cấp cơ sở đến Trung ương học hỏi về bài học lắng nghe dân. Nếu những bức xúc của dân được giải quyết từ cơ sở, không để họ khiếu kiện kéo dài, không để bức xúc tích tụ thì khi gặp một vấn đề lớn hơn, nó khó có khả năng bùng phát”- TS Phạm Huy Thông nói.
Vì thế, theo TS Phạm Huy Thông, để tránh xảy ra các vụ việc đáng tiếc tương tự vụ việc ở Bình Thuận ngày 11/6, thì trước hết, tất cả các địa phương có những vụ việc dân khiếu kiện lâu nay phải giải quyết triệt để, để khi có sự vụ nó giảm bức xúc tích tụ.
Thứ hai, nếu có những dự thảo luật liên quan đến toàn xã hội thì các cơ quan soạn thảo, kể cả Chính phủ, Quốc hội nên lấy ý kiến chuyên gia, các nhà lập pháp, các nhà khoa học và các tầng lớp nhân dân để họ đóng góp, luật sẽ hoàn thiện hơn và sẽ không gây ra căng thẳng. Khi đó, những đối tượng phản động lợi dụng có muốn kích động, xúi giục cũng không được, vì luật đã được nhiều người bàn thảo, góp ý, có gì thắc mắc đã được nắm bắt và giải quyết kịp thời.
Một vấn đề nữa là phải tuyên truyền vận động. Bởi thực tế nhiều người không biết luật thế nào, quy định gì mà chỉ nghe một chiều trên nhiều kênh thông tin không chính thống nên họ không hiểu, hoặc hiểu sai gây ra những bức xúc đáng tiếc./.