'Phải tránh là 'cái túi' đựng cán bộ yếu ở nơi khác đưa về“
VOV.VN - “Phải tránh cho được việc như 'cái túi' đựng cán bộ thừa, cán bộ yếu hoặc cán bộ sắp nghỉ hưu từ nơi khác đưa về”
Góp ý Dự thảo Luật MTTQ Việt Nam (sửa đổi), trong trả lời phỏng vấn phóng viên VOV.VN, ông Nguyễn Túc, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Văn hóa- Xã hội của MTTQ Việt Nam cho biết, trong dự thảo luật lần này có nhiều vấn đề đáng chú ý so với Luật MTTQ Việt Nam thông qua năm 1999.
Thêm nhiều “quyền” cho Mặt trận
Theo ông Nguyễn Túc, vấn đề lớn nhất là bổ sung quyền, lợi ích của các tầng lớp nhân dân. Thứ hai, Mặt trận là đại diện cho quyền lợi cho các tầng lớp nhân dân và các tổ chức thành viên.
Vấn đề thứ 3 đáng chú ý mà trước đây không có, là trách nhiệm của Mặt trận đối với công tác giám sát và phản biện xã hội. Giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận chưa được đề cập trong Luật MTTQ Việt Nam thông qua năm 1999.
“Còn nhiều điểm mới khác cũng được bổ sung và đổi mới, nhưng theo tôi 3 điểm đó là điểm quan trọng nhất trong dự thảo. Tại sao dự thảo luật được các tầng lớp nhân dân kiến nghị những vấn đề này, vì nó phù hợp với cương lĩnh của Đảng được sửa đổi bổ sung năm 2011. Thứ 2, những nội dung này được thể hiện trong Hiến pháp 2013, trong đó quyền con người, quyền làm chủ được bổ sung đậm nét hơn trong Hiến pháp trước đây”- ông Túc nói.
“Mặt trận cũng đã có ít nhiều kinh nghiệm, đặc biệt là sự mong mỏi của các tầng lớp nhân dân. Các tầng lớp nhân dân muốn thông qua Mặt trận, các tổ chức chính trị-xã hội để góp phần vào xây dựng đường lối chính sách của Đảng, cũng như xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên của Đảng ngày càng trong sạch, vững mạng, đáp ứng với yêu cầu xây dựng đất nước, đổi mới đất nước mà Đại hội XI kế tiếp những Đại hội trước đây đã đề ra. Tôi tin rằng với sự cố gắng của Mặt trận, sức mạnh của toàn dân, trước hết là sức mạnh của các tổ chức thành viên, chúng ta sẽ làm công việc này có kết quả”- ông Nguyễn Túc nhấn mạnh.
Tuy nhiên, ông Túc cũng cho rằng, không thể đặt ra yêu cầu cao ngay bây giờ, vì cái gì cũng cần phải có một quá trình. Nhưng với bước phát triển hiện nay, cũng như những kết quả ít nhiều đã đạt được trong công tác giám sát, xây dựng Đảng trong 7-8 năm vừa qua, Mặt trận sẽ làm được và làm tốt hơn nữa.
Tránh là “cái túi” đựng cán bộ thừa, cán bộ sắp nghỉ hưu
Ông Nguyễn Túc cũng trăn trở, hiện nay tuy Mặt trận có bước phát triển khá cả về năng lực và đội ngũ nhưng so với yêu cầu cũng chưa đạt. Trong đó có vấn đề nhận thức, năng lực của cán bộ Mặt trận. Thực sự nhiều cán bộ Mặt trận vẫn chưa làm đúng vị trí, vai trò, chức năng của mình, của nhiệm vụ mà cách mạng đặt ra cho Mặt trận.
Theo ông Túc, những hạn chế trên có lý do là nhiều cấp ủy chưa coi trọng công tác Mặt trận, như nêu trong văn kiện của Đại hội nhiều năm qua. Do vậy đội ngũ cán bộ Mặt trận hiện nay so với trước tuy có tiến bộ nhiều, nhưng có thể nói là yếu. Vì vậy, để có thể thực hiện tốt những yêu cầu đặt ra, trước hết phải đổi mới nhận thức trong một số cấp ủy Đảng về công tác Đại đoàn kết dân tộc, công tác dân vận trong tình hình hiện nay. Cùng với đó, đổi mới nhận thức của cấp ủy Đảng đối với công tác dân vận của Mặt trận thì mới có thể làm lay chuyển được sự chỉ đạo của các cấp ủy đó đối với việc xây dựng đội ngũ cán bộ Mặt trận.
“Phải tránh cho được việc coi Mặt trận như cái túi để đựng cán bộ thừa, những cán bộ yếu kém hoặc cán bộ sắp nghỉ hưu đưa về. Bản thân cán bộ Mặt trận phải vươn lên. Hiện nay, cán bộ Mặt trận hàng năm đều được tập huấn nhưng không được đào tạo một cách bài bản. Vì thế, muốn Mặt trận tốt thì trong thời gian tới, vấn đề đào tạo đội ngũ cán bộ Mặt trận phải là công việc thường xuyên của cấp ủy các cấp, của Mặt trận. Thực tiễn cuộc sống của những người làm công tác Mặt trận phải được nâng cao”- ông Túc chia sẻ.
Tránh là “cái túi” để đựng cán bộ thừa, cán bộ yếu chuyển về (ảnh minh họa internet)
Ông Nguyễn Túc cho rằng, để Mặt trận vừa thể hiện được ý chí, nguyện vọng của nhân dân, vừa thể hiện được sự chủ động của Mặt trận, khi thảo luận Quyết định 217, 218 của Bộ Chính trị vấn đề này đã được đặt ra. Nghĩa là muốn tiếng nói của các tầng lớp nhân dân tham gia giám sát, phản biện xã hội được tôn trọng, trong triển khai Quyết định 217, 218 phải có quy chế rõ, khi Mặt trận tham gia vào vấn đề nào đó, vấn đề gì Nhà nước tiếp thu, vấn đề gì không tiếp thu thì Nhà nước cần phản hồi lại với Mặt trận.
Thứ hai, không chỉ những gì Nhà nước cần thì mới xin ý kiến mặt trận tham gia phản biện. “Trong Hội nghị Trung ương cũng như trong Hội nghị Đoàn Chủ tịch của Mặt trận cũng đặt ra vấn đề gì Nhà nước làm mà nhân dân thấy bức xúc thì Mặt trận cũng có quyền đặt vấn đề đó với Đảng, Nhà nước để tham gia và phản biện, chứ không chỉ làm theo yêu cầu của Đảng, Nhà nước. Có như vậy mới góp phần làm phong phú thêm, mạnh thêm, đầy đủ, chất lượng thêm những vấn đề về đường lối, chính sách mà Đảng đang triển khai. Tất nhiên trong cơ chế phải nói rõ rằng, trong điều kiện có sự lãnh đạo của Đảng”- Ông Túc nói./.