Tinh giản biên chế: Có giảm lượng công chức "cắp ô đi về"?
VOV.VN - Chủ trương giảm 100.000 biên chế chính là lời tuyên chiến với một bộ phận không nhỏ những công chức “sáng cắp ô đi, tối cắp ô về”
1. Anh họ tôi là một công chức trong một cơ quan Nhà nước. Trong mắt họ hàng ở quê, anh luôn là tiêu chí để cho các thế hệ tiếp sau phấn đấu. Mười mấy năm xa quê, Tết vừa rồi mấy anh em mới có dịp gặp gỡ, hàn huyên.
Sau ngần ấy năm công tác, hiện anh cũng đã được giữ một chức vụ nho nhỏ trong cơ quan. Và với công việc hiện tại, anh họ tôi tương đối an nhàn. Sáng anh đến cơ quan, tùy từng hôm, có việc thì bận hơn một chút, còn lại thì vừa làm vừa tán gẫu, thỉnh thoảng thư giãn bằng game, hoặc cuối giờ có bạn rủ thì ngồi trà đá, hoặc thỉnh thoảng tụ tập nhậu nhẹt… Cuộc sống, công việc của anh cứ thế trôi đi. Đến hẹn lại lên, cứ sau 3 năm, anh lại được tăng lương thêm một bậc.
Dự kiến sau 6 năm (từ 2014-2020) thực hiện tinh giản biên chế khoảng 100.000 người. Trong đó khoảng 80% giải quyết nghỉ hưu trước tuổi và 20% giải quyết thôi việc (ảnh minh họa- KT) |
Với thâm niên công tác và phụ cấp lãnh đạo, mỗi tháng anh lĩnh không dưới chục triệu đồng. Năm nào anh cũng đạt hết danh hiệu này đến danh hiệu khác, nào là lao động giỏi, chiến sĩ thi đua… Anh khá hài lòng với công việc và cuộc sống hiện tại của một viên chức. Anh còn khuyên mấy đứa em họ đang “ngấp nghé” ra trường, cố để được vào làm việc trong cơ quan Nhà nước, vừa ổn định, lại không bị áp lực.
2. Khác với sự an phận của anh họ tôi, một người bạn học của tôi cũng đã làm việc ở một vài cơ quan Nhà nước, nhưng chỉ sau đó không lâu bạn tôi “tự đào thải” khỏi cái nơi mà bao nhiêu người mơ ước được vào.
Thời cấp 3, bạn tôi đạt giải Olympic Tin học và đi du học ở nước ngoài. Học xong, người bạn này ở lại làm việc trong một hãng máy tính lớn của Mỹ. Gia đình giục giã, anh phải trở về nước làm việc để gần gia đình và ổn định cuộc sống...
Và đúng theo ý nguyện của bố mẹ, bạn tôi đã về nước làm việc trong một cơ quan Nhà nước với mức lương khá cao, được hưởng khá nhiều ưu đãi vì năng lực nổi trội. Nhưng chỉ sau đó 1 năm, anh đùng đùng bỏ việc vì lý do lãng xẹt: không thể thích nghi với môi trường “hành chính hóa”.
Được sự động viên của gia đình, của bạn bè, bạn tôi tiếp tục đầu quân vào một vài nơi khác, nhưng cuối cùng cũng không trụ được lâu, bởi không chỉ có công việc, mà còn cả tỉ thứ khác “ngoài công việc” mà bạn tôi không thể thích ứng được.
3. Lâu nay, trong tâm thức của nhiều người, làm việc ở trong một cơ quan Nhà nước là phương án hợp lý an toàn nhất. Làm ở đây, công việc vừa nhàn hạ, có thu nhập ổn định, đặc biệt ít bị áp lực về năng lực chuyên môn, lại hiếm khi bị “thải loại”…
Vì thế, nhiều gia đình tìm mọi cách, tận dụng mọi mối quan hệ để “chạy” cho con em mình được làm việc trong một môi trường an toàn như vậy. Nhiều cơ quan tuyển dụng còn theo kiểu quen biết, “con ông cháu cha” mà chưa thực sự chú trọng đến người có năng lực của người được tuyển dụng… Và hệ lụy tất yếu là ở nhiều cơ quan, đơn vị đã sản sinh ra một đội ngũ cán bộ, công chức không biết làm gì và không thích làm gì, sáng cắp ô đi, tối cắp ô về.
Chẳng thế, trong một cuộc họp, Phó Thủ tướng đã chỉ rõ, hiện có tới 30% số công chức không có cũng được, bởi họ làm việc theo kiểu “sáng cắp ô đi, tối cắp về”, không mang lại bất cứ hiệu quả công việc nào. Tuy nhiên, theo nhận định của nhiều chuyên gia, tỷ lệ này còn lớn hơn rất nhiều.
Thử tính, chi phí để “nuôi” một công chức Nhà nước tốn kém như thế nào? Như anh họ tôi, với mức lương hơn 10 triệu đồng/tháng, có thể thuê được 3-4 người làm hợp đồng với mức lương 2,5-3 triệu đồng/tháng. Với kiểu làm việc “sáng cắp ô đi, tối cắp về” thì số tiền để chi lương hàng tháng quả là lãng phí. Cũng với số tiền ấy, để chi cho 3-4 lao động hợp đồng, năng suất công việc có khi đã tăng lên gấp nhiều lần, mà lại không phải ràng buộc. Nếu họ không làm được việc, có thể thuê người khác, chứ không phải nuôi “báo cô” như nhiều cán bộ, công chức “sáng cắp ô đi, tối cắp ô về” một cách vô điều kiện như vậy.
4. Dự thảo Nghị định Chính phủ mới đưa ra về chính sách tinh giản biên chế với mục tiêu dự kiến giảm 100.000 người trong 6 năm tới lại một lần nữa cảnh báo, đội ngũ công chức “sáng cắp ô đi, chiều cắp ô về” đã nhiều đến mức báo động, cần phải tinh giản. Dự thảo đang tạo phản ứng trái chiều từ dư luận. Đây cũng là phản ứng tự nhiên đối với một chủ trương mới, ảnh hưởng đến nhiều người, đặc biệt với lực lượng được gọi là trí thức trong xã hội.
Nhưng cũng không ít ý kiến tỏ rõ sự hoài nghi về tính khả thi của việc giảm một lượng công chức lớn như vậy trong vòng chỉ có 6 năm. Bởi lẽ, nếu không có sự thay đổi mạnh mẽ, quyết liệt, nhất là từ người đứng đầu, chắc chắn bộ máy vẫn hoạt động theo phương thức bấy lâu nay nó từng vận hành. Nhiều người cũng không khỏi băn khoăn, vậy ai sẽ là người đứng ra “mạnh tay” với đội ngũ “con ông, cháu cha” không làm được việc, và khi đó, liệu có xảy ra tình trạng tiêu cực, trù úm?.
Việc thực hiện chủ trương tinh giản biên chế khoảng 100.000 người trong vòng 6 năm, nếu có thực hiện được, cũng còn rất nhiều việc phải làm ở phía trước. Nhưng rõ ràng, đây là một tín hiệu tốt đẹp trong dịp đầu năm nhằm siết lại kỷ cương làm việc của cán bộ, công chức. Đây cũng là lời tuyên chiến với một bộ phận không nhỏ những công chức “sáng cắp ô đi, tối cắp ô về”, để hạn chế việc “cắp ô” một cách vô thức của họ.
Tôi cũng như nhiều người, đặt niềm tin vào một chủ trương sáng suốt và đúng đắn. Hy vọng rằng, đi kèm với chủ trương đúng đắn là phương thức hành động, sự quyết tâm thực hiện của cả hệ thống chính trị, các cơ quan Nhà nước và của cả xã hội./.