Phát hiện cán bộ giàu nhanh bất thường: Liệu có làm được không?
VOV.VN - “Nếu chúng ta quyết tâm thì sẽ làm được, miễn là các cấp ủy, các tổ chức Đảng phải sâu sát, tôn trọng ý kiến nhân dân…”, ông Lê Quang Thưởng nói.
Phóng viên VOV.VN phỏng vấn ông Lê Quang Thưởng - Nguyên Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tổ chức Trung ương về những tiêu chuẩn nhân sự Ban Chấp hành Trung ương khóa XII mà Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã đưa ra tại Hội nghị Trung ương lần thứ 11, khóa XI vừa qua.
PV: Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói “Cán bộ là gốc của mọi công việc”;“Đi làm cách mạng là để phục vụ nhân dân, làm đầy tớ cho dân chứ không phải là để thăng quan phát tài”. Nhưng thực tế hiện nay, một bộ phận cán bộ, đảng viên có biểu hiện tham nhũng, cửa quyền, lợi ích nhóm…? Ông nghĩ sao về vấn đề này?
Ông Lê Quang Thưởng: Bác Hồ đã phát biểu tại nhiều cuộc nói chuyện và trên các tác phẩm hiện nay còn lưu lại cho thấy Người rất quan tâm tới công tác cán bộ. Bác đã nói: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, cán bộ không phải làm quan để trị dân mà cán bộ là người phục vụ nhân dân, là đầy tớ của nhân dân.
Từ ngày Bác Hồ còn sống cho đến khi ra đi, sự nghiệp cách mạng của Việt Nam đã đi đến thắng lợi lớn là giải phóng được miền Nam, thống nhất đất nước và trên con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội, đất nước ta đã đạt được những thành tựu rất quan trọng, mà gần đây nhất là sự nghiệp đổi mới đã đem lại thành tựu lớn. Nhiều người nước ngoài đến Việt Nam, đặc biệt là Việt kiều nhận thấy đất nước ta thay đổi rất nhiều so với thời họ sống ở Việt Nam trước đây và người dân cũng nhận thấy rõ thành quả của cách mạng đem lại.
Tuy nhiên, vấn đề tiêu cực trong đời sống xã hội cũng như trong đội ngũ cán bộ lúc nào cũng có. Đặc biệt là thời kỳ chúng ta thực hiện cơ chế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, mặt trái của cơ chế thị trường đã tác động tới mọi mặt của đời sống xã hội cũng như con người. Cho nên những mặt tiêu cực trong cán bộ, mặt yếu kém của công tác cán bộ vẫn còn đó. Vấn đề là chúng ta phải biết rõ để đấu tranh, hạn chế thấp nhất những tiêu cực và các mặt yếu kém.
Hiện nay, những mặt tiêu cực đó vẫn còn ảnh hưởng trong đời sống của chúng ta. Những người làm việc không tốt nhưng có mối quan hệ thân quen, thậm chí, đem tiền để đi đút lót, chạy chọt thì họ vẫn lên được chức. Tuy nhiên, bộ phận này như Đảng ta đã nhận định trong Nghị quyết Trung ương 4 là “nhỏ”. Nhưng đó là một thực tế chúng ta phải đấu tranh và khắc phục.
PV: Hội nghị Trung ương 11 vừa rồi, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nêu rất rõ tiêu chuẩn của nhân sự BCH Trung ương. Cá nhân ông đánh giá như thế nào về những vấn đề đặt ra về công tác nhân sự ở hội nghị lần này?
Ông Lê Quang Thưởng: Tôi rất quan tâm tới bài bài phát biểu kết luận Hội nghị Trung ương lần thứ 11 khóa XI của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và thấy rằng vấn đề cán bộ kỳ này đưa ra Trung ương rất tốt, đầy đủ, có phần cụ thể hơn so với trước.
Theo đó, phải lựa chọn cho được những người vào cấp ủy, vào Trung ương là những người có ý chí cách mạng, có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt, dám làm, dám chịu trách nhiệm và làm việc có hiệu quả được nhân dân, tổ chức đồng tình.
Để làm được điều đó chúng ta phải thảo luận đầy đủ trong các cấp Ủy, trong Hội nghị cán bộ, thậm chí, phải đưa ra nhân dân hiểu điều đó, phát động nhân dân tham gia ý kiến. Nếu chỉ căn cứ vào nhận xét của cấp ủy các cấp thì chưa đủ.
Đặc biệt ở những tập thể mà yếu tố tiêu cực ảnh hưởng lớn thì rất khó để đánh giá đúng người cán bộ. Cho nên phải lấy ý kiến nhân dân vì nhân dân là nơi cư trú của cán bộ, họ tiếp xúc với cán bộ nên họ hiểu rất rõ ai là người tốt, là không tốt.
Tôi kỳ vọng Đại hội lần này Trung ương nên có diễn đàn để nhân dân được tham gia ý kiến.
PV: Tiêu chuẩn của nhân sự BCH Trung ương được đưa ra trong bài phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng rất cụ thể, đúng đắn và nghiêm túc nhưng có một băn khoăn là việc thực hiện sẽ như thế nào? Xác định như thế nào là cơ hội, là bè cánh, là có biểu hiện giàu nhanh, nhiều nhà, nhiều đất, nhiều tài sản khác mà không giải trình rõ được nguồn gốc; bản thân và vợ, chồng, con có lối sống thiếu gương mẫu, lợi dụng chức quyền để thu lợi bất chính…? Theo ông, liệu chúng ta có làm rõ được không?
Ông Lê Quang Thưởng: Nếu chúng ta quyết tâm thì sẽ làm được, miễn là các cấp ủy, các tổ chức Đảng phải sâu sát, tôn trọng ý kiến nhân dân, tìm mọi cách để đánh giá đúng con người.
Kỳ này, Trung ương đã nói rõ việc kê khai tài sản của cán bộ. Có người kê khai đúng, có người đưa những tài sản cho vợ, con, cháu, rể đứng tên, vậy thì chúng ta phải làm rõ khối tài sản ấy nằm ở đâu. Vì vợ, con, cháu của các cán bộ lãnh đạo không thể bỗng dưng giàu có được. Giàu chính là tiền của người cán bộ đó đưa cho vợ, con, cháu; hoặc người cán bộ đó tạo điều kiện cho con, cháu làm ăn phi pháp, buôn lậu, núp dưới những bóng “minh quân” nào đó để được mua cổ phiếu, tham gia cổ phần các doanh nghiệp, làm chủ hoặc tham gia lãnh đạo ngân hàng... Cái đó phải làm cho rõ.
Phải phát động dân chủ hóa, công khai vấn đề chi tiêu, lương bổng, phụ cấp và những quyền lợi của người cán bộ. Như tôi nghe thông tin có cán bộ có cổ phần ở ngân hàng nhiều tỷ đồng không rõ nguồn gốc phát sinh hợp pháp, hoặc lĩnh lương trên dưới cả trăm triệu đồng không xứng đáng với đóng góp cá nhân, thì điều đó là vô lý. Mặc dù họ lấy danh nghĩa là thủ trưởng một cơ quan hay Giám đốc một doanh nghiệp nhưng có tài sản và chế độ lương vậy là bất hợp lý.
Do đó, phải công khai việc đó, đưa ra để đấu tranh, để người dân góp ý kiến xem họ có xứng đáng được hưởng mức như thế không, hay phải ngăn chặn những trường hợp hưởng thụ bất minh, quan hệ, chạy chọt, dùng tiền để mua chức vụ...
Vì vậy, vấn đề mà Tổng Bí thư đã nêu là rất đúng. Phải căn cứ vào tiêu chuẩn, vào phẩm chất, kê khai tài sản cá nhân; căn cứ vào khảo sát để xem người cán bộ đó và gia đình họ làm ăn có nghiêm túc không, hay lợi dụng vị trí lãnh đạo để làm ăn phi pháp.
PV: Những ngày đầu thành lập nước, Bác Hồ chọn người trong chính phủ mới có nhiều người ở độ tuổi rất trẻ 30-40. Hiện nay, theo quy định, Ủy viên Trung ương có 3 độ tuổi là dưới 50, 50-60 và từ 60 tuổi trở lên. Theo ông, độ tuổi có ý nghĩa như thế nào với công tác nhân sự? Liệu chúng ta có thể trẻ hóa cán bộ hơn nữa được không?
Ông Lê Quang Thưởng: Ở thế hệ cán bộ sau năm 1945 thì phần lớn là trẻ vì Đảng ta mới ra đời. Từ đó đến nay trải qua mấy chục năm nên trong Đảng bao gồm nhiều độ tuổi và độ tuổi tham gia cách mạng 1945 hiện nay vẫn còn, đã 70-80 tuổi. Vì vậy, phải cần nhấn mạnh độ tuổi trẻ trong Đảng và lúc nào cũng cần một bộ phận trẻ tham gia lãnh đạo vì họ là những người sung sức, có tiềm năng về trí tuệ, sức khỏe dẻo dai để làm việc tốt.
Hơn 80 năm từ khi Đảng ra đời, tất yếu trong đội ngũ cán bộ có 3 độ tuổi và Đảng quy định dưới 50 tuổi là số đông trong cấp ủy là đúng. Nhưng không thể trẻ một cách cực đoan được như Bí thư Đảng ủy cơ sở có thể rất trẻ là 30 tuổi, Bí thư huyện ủy tương đối trẻ trên dưới 40 tuổi, Bí thư tỉnh ủy hiện nay người trẻ nhất là trên 40 tuổi.
Nhiều người cho rằng độ tuổi không thể thấp hơn được vì phải qua quá trình lựa chọn từ dưới lên. Chúng ta cần phải có những người trẻ nhưng cũng không nên quá máy móc là trẻ bao nhiêu.
PV: Để xây dựng đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong từng giai đoạn cách mạng, để kế thừa và phát huy tư tưởng Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác cán bộ, theo ông, Đảng và Nhà nước ta cần phải làm những gì?
Ông Lê Quang Thưởng: Từ trước đến nay Đảng ta luôn coi trọng công tác cán bộ và nay cần phải coi trọng hơn nữa. Coi công tác cán bộ là khâu quan trọng hàng đầu trong xây dựng Đảng và xây dựng đất nước.
Phải tiến hành đánh giá cán bộ theo định kỳ, làm quy hoạch cán bộ và phải bổ sung vào quy hoạch cán bộ những người tốt, người trẻ một cách định kỳ. Thông qua những cuộc vận động, hoạt động lớn bộc lộ những người tốt thì phải kịp thời bổ sung đội ngũ cán bộ.
Đồng thời, phải thực hiện dân chủ hóa để lấy được nhiều ý kiến góp ý về cán bộ, đặc biệt là lấy ý kiến của dân. Tóm lại, phải coi công tác cán bộ là khâu quan trọng của việc xây dựng Đảng và xây dựng đất nước.
PV: Xin cảm ơn ông./.