Phó Trưởng Ban Nội chính T.Ư: Sẽ có chế tài thu hồi tài sản tham nhũng
VOV.VN - Sắp tới tổng kết 10 năm và sửa đổi Luật chống tham nhũng sẽ có một số quy định về chế tài thu hồi tài sản tham nhũng trong Luật để nâng cao hiệu quả pháp lý
Tại Kỳ họp cuối năm của Hội đồng Nhân dân các tỉnh, thành phố, cử tri gửi đến nhiều kiến nghị bày tỏ bức xúc về nạn tham nhũng ngày càng diễn biến phức tạp, tinh vi. Ban Nội chính có vai trò như thế nào trong công tác phòng chống tham nhũng?
Phóng viên VOV đã phỏng vấn ông Phan Đình Trạc, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Nội chính Trung ương, Ủy viên Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng về vấn đề này.
Ông Phan Đình Trạc - Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Nội chính Trung ương |
PV: Ông đánh giá thế nào về kết quả thực hiện nhiệm vụ tham mưu cấp ủy đôn đốc, chỉ đạo xử lý các vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng giao?
Ông Phan Đình Trạc: Các vụ án, vụ việc nghiêm trọng, phức tạp về nội chính thì đây là vấn đề bức xúc. Từ khi thành lập Ban Nội chính Trung ương cũng như Ban Nội chính các tỉnh, lựa chọn đầu tiên để chúng tôi tham mưu cho Ban Chỉ đạo theo dõi chỉ đạo là các vụ án, vụ việc nghiêm trọng về tham nhũng kéo dài, phức tạp, dư luận rất quan tâm mà chưa được xử lý dứt điểm. Từ đấy chúng tôi tham mưu cho Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng. Đợt đầu tiên đã đưa vào 15 vụ án.
Từ đó đến nay, hàng năm đều bổ sung vào các vụ án, vụ việc. Trong tổng số các vụ án, vụ việc mà Ban Nội chính Trung ương tham mưu cho Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống tham nhũng theo báo cáo của Tòa án đến nay đã xét xử 9 vụ với 90 bị cáo. Trong đó, có án 9 án tử hình. 1 đối tượng bị xử trong 3 vụ án, thì 2 vụ án bị tuyên tử hình.
PV: Việc tham mưu đề xuất, xử lý các vụ án, vụ việc nghiêm trọng, phức tạp do Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống tham nhũng giao còn hạn chế, chủ yếu là theo dõi báo cáo tiến độ là chính. Ông nhận xét như thế nào hiệu quả hoạt động của các Ban Nội chính Tỉnh ủy, Thành ủy?
Ông Phan Đình Trạc: Đương nhiên còn hạn chế bởi nó phụ thuộc vào kinh nghiệm, kiến thức của Ban Nội chính cấp tỉnh, thành phố. Nhưng nhìn chung, anh em đã vào cuộc với tính chủ động cao hơn, bằng kiến thức và kinh nghiệm của mình để chủ động phối hợp, tháo gỡ các vướng mắc, chứ không chỉ dừng lại ở việc đôn đốc.
PV: Sắp tới Ban Nội chính Trung ương sẽ tiếp tục củng cố và hướng dẫn nghiệp vụ như thế nào cho các Ban Nội chính Tỉnh ủy, Thành ủy để nâng cao hiệu quả hoạt động?
Ông Phan Đình Trạc: Chúng tôi đã có quy định về các chuyên đề cần phải bồi dưỡng tập huấn cho các đối tượng khác nhau và chúng tôi đã giao cho Vụ Địa phương phối hợp với các cơ quan Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Ban Tổ chức Trung ương biên soạn các tài liệu để tập huấn chuyên sâu cho Ban Nội chính cấp tỉnh theo từng loại đối tượng cụ thể.
PV: Ban Nội chính Trung ương đã khảo sát, nghiên cứu chuyên đề “Thu hồi tài sản tham nhũng” để báo cáo, kiến nghị với Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống tham nhũng. Sắp tới, Ban Nội chính Trung ương sẽ thực hiện như thế nào, thưa ông?
Ông Phan Đình Trạc: Chúng tôi đã kiến nghị với Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống tham nhũng về chủ trương này. Sắp tới, chúng ta tổng kết 10 năm và sửa đổi Luật chống tham nhũng thì sẽ có một số quy định về chế tài thu hồi tài sản tham nhũng trong Luật để nâng cao hiệu quả pháp lý
PV: Trong Kỳ họp cuối năm Hội đồng Nhân dân các tỉnh, thành phố vừa qua, các đại biểu đều có ý kiến việc phát hiện tham nhũng rất ít, hầu như là không thấy. Ông nghĩ như thế nào về ý kiến này?
Ông Phan Đình Trạc: Chúng tôi cho rằng số lượng các vụ không ít, hoặc chỉ một số nơi ít. Còn những vụ chúng ta phản ánh được đều có tính chất quy mô rất phức tạp và lớn. Tội phạm tham nhũng là tội phạm ẩn.
Chỉ khi các cơ quan chức năng hoạt động hiệu quả thì mới phát hiện được nhiều. Vừa rồi chúng ta xử lý rất nghiêm những vụ tham nhũng, tạo tính răn đe cảnh báo rất lớn, qua đó cũng làm chùn bước các loại đối tượng đang có ý định tham nhũng.
PV: Xin cảm ơn ông./.