Bộ trưởng GD-ĐT làm học sinh yên tâm hơn về kỳ thi chung?
VOV.VN - Đại biểu Quốc hội cho rằng dù Bộ trưởng khẳng định kỳ thi không thách đố nhưng việc chuyển đổi cách thi vẫn sẽ khiến người dân băn khoăn.
Đại biểu Nguyễn Thị Hương Thảo (Hải Dương) là người đặt câu hỏi chất vấn với Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận về việc huy động nhà nghiên cứu khoa học, xã hội học, chuyên gia cùng biên soạn bộ SGK trên nền tảng văn hóa Việt Nam; Giải pháp nâng cao hiệu quả học ngoại ngữ tại các cấp học.
Chia sẻ với phóng viên VOV.VN bên hành lang Quốc hội chiều 12/6, đại biểu Nguyễn Thị Hương Thảo tỏ ra hài lòng với phần trả lời của Bộ trưởng.
Theo đại biểu, Bộ trưởng đã làm rõ việc biên soạn bộ SGK mới đang được tiến hành và đúng hướng. Việc Bộ mời các nhà khoa học trong và ngoài nước, trao đổi kinh nghiệm với cơ quan giáo dục của nhiều nước sẽ giúp cho chúng ta có cái nhìn tổng quát hơn. Để từ đó, trên nền tảng văn hóa Việt Nam, chúng ta sẽ biết ứng dụng điều gì để làm ra bộ SGK tốt hơn.
Đại biểu Nguyễn Thị Hương Thảo (Hải Dương) |
Liên quan đến việc dạy và học ngoại ngữ trong nhà trường, đại biểu cho rằng, xã hội ngày càng thay đổi cùng tiến trình hội nhập, nên khi Bộ thay đổi phương pháp có thể tạo động lực thúc đẩy các em tự tìm hiểu để có kiến thức đa văn hóa, tự học và thị trường lao động rộng mở hơn hơn khi giỏi ngoại ngữ.
“Bộ lắng nghe tiếng nói của các nhà giáo, nhà khoa học, nhà văn hóa, chuyên gia trong nước và quốc tế… sẽ tìm ra được điểm chung nhất và cách làm tốt nhất để phục vụ sự nghiệp giáo dục”, đại biểu nhấn mạnh.
Chia sẻ về phần trả lời của Bộ trưởng Phạm Vũ Luận, đại biểu Lê Như Tiến cho biết Bộ trưởng khẳng định chỉ có một chương trình chuẩn nhưng có nhiều SGK để học sinh tham khảo. Việc xây dựng chương trình và SGK đang được triển khai và tiến hành theo đúng Nghị quyết Quốc hội.
Bộ trưởng bộ GD-Đ cũng đã giải đáp về những vấn đề mà học sinh và phụ huynh cả nước đặt ra liên quan kỳ thi quốc gia THPT. Qua kỳ thi này vừa đánh giá học sinh tốt nghiệp, vừa là căn cứ lựa chọn học sinh vào học ở các trường ĐH.
“Tôi cho phần trả lời của Bộ trưởng rất rõ ràng. Đặc biệt Bộ trưởng nói đây không phải là kỳ thi để thách đố, tạo sự căng thẳng mà để đánh giá thực chất chất lượng của các em, nắm được kiến thức cơ bản đều qua được kỳ thi này. Đó là điều làm cho dư luận yên tâm vì vấn đề này “nóng” lên trong thời gian qua”, đại biểu Tiến đánh giá.
Liên quan vấn đề tự chủ tài chính của các cơ sở giáo dục- đào tạo, theo đại biểu, Bộ trưởng cũng có câu trả lời thiết thực. Lần này những trường ĐH, cơ sở giáo dục- đào tạo nào hội đủ các điều kiện thì Bộ sẽ đề nghị Thủ tướng phê duyệt để tự chủ tài chính. Các cơ sở đào tạo khi tự chủ tài chính rồi sẽ không còn bị động như trước kia, dần tiến đến tự chủ về nhân lực, cơ sở vật chất và công tác đào tạo. Đó chính là yếu tố quan trọng để nâng cao chất lượng đào tạo.
Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương, Phó Đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh Quảng Bình cũng đánh giá phần trả lời cả Bộ trưởng Phạm Vũ Luận là tương đối thỏa đáng.
“Lý giải của Bộ trưởng mọi người có thể yên tâm, nhưng thực tế chờ đợi kết quả vì còn nhiều băn khoăn. Nhiều lần cải cách giáo dục đã diễn ra, việc thay SGK cũng là vấn đề rất phức tạp. Điều đó đòi hỏi tập trung trí tuệ cao và sự đồng thuận của nhân dân”.
Theo đại biểu, người dân còn lo lắng về chất lượng đào tạo, chất lượng thay sách. Một chương trình nhưng nhiều bộ SGK khác nhau thì ai là người quản lý, kiểm duyệt, nghiệm thu? Chọn như thế nào cho hiệu quả?
“Ví dụ như cách thi, theo Bộ trưởng rất hay, rất khoa học nhưng người dân cứ băn khoăn đây là những điểm rất mới nên từ nhận thức đến thực tiễn phải có quá trình. Trong thời gian tới, hy vọng sẽ được như lời Bộ trưởng nói”, đại biểu bày tỏ./.