Cấm dùng tiền, tình cảm để lôi kéo, mua chuộc cử tri
VOV.VN - Đại biểu Quốc hội đề nghị Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND cần quy định chế tài xử lý hành vi này.
Nêu quan điểm về nguyên tắc vận động bầu cử, Đại biểu Phạm Trường Dân (Quảng Nam) đề nghị thêm cụm từ “công khai” trước “dân chủ, bình đẳng, đúng pháp luật, đảm bảo về an ninh trật tự, an toàn xã hội”.
Về quy định cấm lợi dụng vận động bầu cử để vận động tài trợ, quyên góp ở trong nước và người nước ngoài cho tổ chức, cá nhân mình sử dụng hoặc hứa tặng, cho, ủng hộ tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất để lôi kéo, mua chuộc cử tri, theo đại biểu là không đầy đủ nên cần phải quy định cụ thể hơn.
Theo đó, trong thời gian vận động bầu cử, nghiêm cấm ứng cử viên, người thân là bố, mẹ, vợ, chồng, con cái của người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND sử dụng tiền, tài sản, vật chất khác, tình cảm để vận động bầu cử dưới bất cứ hình thức nào.
Đại biểu Phạm Trường Dân (Quảng Nam) |
“Nếu vi phạm thì phải có quy định chế tài xử lý ra sao? Đây là quy định bắt buộc để tránh mọi sơ hở, tiêu cực trong quá trình vận động bầu cử”, đại biểu Phạm Trường Dân nêu ý kiến.
Đồng quan điểm, đại biểu Nông Thị Lâm (Lạng Sơn) cho rằng trong thực tế vẫn có những trường hợp sử dụng tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất để lôi kéo, mua chuộc cử tri. Dự thảo luật quy định cấm nhưng chưa cụ thể xử lý như thế nào, cơ quan nào phải chịu trách nhiệm. Do đó, đại biểu đề nghị quy định cụ thể hơn.
Đại biểu Âu Thị Mai (Tuyên Quang) cũng nêu quan điểm cho rằng quy định các hành vi bị cấm khi thực hiện vận động bầu cử trong dự thảo luật là chưa chặt chẽ.
Để đảm bảo sự cạnh tranh lành mạnh trong vận động bầu cử, dự thảo luật cần bổ sung quy định: Từ khi được công bố làm ứng cử viên bầu vào đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND, các ứng cử viên không tham gia bất kỳ chương trình từ thiện nào”, đại biểu Mai nêu ý kiến.
Còn theo đại biểu Touneh Drong Minh Thắm (Lâm Đồng), trên thực tế đã xảy ra một số trường hợp người đứng đầu tổ chức, đơn vị hoặc một số lĩnh vực dùng việc làm của mình, của cơ quan, đơn vị mình để phục vụ cho việc hoạt động bầu cử trong giai đoạn tổ chức vận động bầu cử. Do đó, cần bổ sung nội dung này vào quy định hành vi bị cấm./.