“Trung ương giới thiệu mà không trúng cử nên coi là bình thường”
VOV.VN - “Trong xu thế bầu cử dân chủ hiện nay, khi các địa phương giới thiệu là ngang nhau chứ không chọn theo kiểu quân xanh - quân đỏ”.
Cơ cấu ở từng đơn vị không nên quá chênh lệch
Sáng 3/6, thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật bầu cử đại biểu QH và đại biểu HĐND, đại biểu Nguyễn Hữu Đức (Đồng Tháp) cho rằng ngoài việc cơ quan, tổ chức giới thiệu người ra ứng cử cần đề cao trách nhiệm và giới thiệu những ứng cử viên tiêu biểu có độ tuổi thích hợp, có đủ tài, đủ đức để cử tri có điều kiện chọn lựa người thực sự xứng đáng làm đại biểu cho mình thì việc cơ cấu những đại biểu ứng cử ở từng đơn vị bầu cử không nên quá chênh lệch với nhau về tuổi đời, trình độ, chức vụ, nhân thân.
“Thường cử tri nói là trong một đơn vị ứng cử, bầu cử, trên một địa bàn bầu cử mà đưa ra những ứng cử viên chênh lệch, như “quân đỏ, quân xanh” thì khó cho việc cử tri chọn lựa”, đại biểu nêu ý kiến.
Đại biểu Phạm Đức Châu (Quảng Trị) |
Đại biểu Phạm Đức Châu (Quảng Trị) cho biết, lâu nay sau hiệp thương vòng 3, Trung ương giới thiệu địa phương con số cứng, ví dụ Quảng Trị được bầu 6 thì Trung ương giới thiệu 2, Quảng Trị 4.
Trong xu thế bầu cử dân chủ hiện nay, địa phương nào cũng lựa chọn không phải quân xanh, quân đỏ nữa. Cho nên khi Trung ương đưa về 2 đại biểu mà cử tri chưa biết rõ thì chưa chắc trúng đại biểu theo dự kiến vì họ sẽ so với các ứng cử viên ở tỉnh đưa ra.
“Điều này tôi đề nghị Ủy ban thường vụ Quốc hội phải dự kiến trước, quy định số dư nào đó trong đại biểu Trung ương khi giới thiệu địa phương. Giả dụ có trường hợp không trúng thì cũng coi đó là chuyện bình thường vì trong xu thế bầu cử dân chủ hiện nay, khi các địa phương giới thiệu là ngang nhau chứ không chọn theo kiểu “quân xanh, quân đỏ”.
Cấp nào lập danh sách người bị tạm giữ hình sự?
Đại biểu Nguyễn Văn Minh (Bắc Kạn) cho rằng dự thảo Luật quy định chưa đầy đủ, chưa cụ thể về việc những người bị tạm giữ hình sự thì cấp nào lập danh sách, giao nhận thẻ cử tri.
Theo quy định cấp tỉnh mới có nhà tạm giam, cấp huyện chỉ có nhà tạm giữ. Nhưng thực tế cấp quận, huyện luôn có những bị can bị tạm giam. Vì vậy, đại biểu đề nghị sửa Khoản 5, Điều 29 theo hướng: Cử tri là người đang bị tạm giam thì được ghi tên vào danh sách cử tri để bầu đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND cấp tỉnh ở nơi cử tri đó đang bị tạm giam.
Đối với cử tri đang bị tạm giữ hình sự thì nơi thường trú hoặc tạm trú, hoặc nơi tạm giữ người bị tạm giữ được ghi tên vào danh sách cử tri để bầu cử Hội đồng nhân dân cấp huyện, cấp tỉnh và bầu đại biểu Quốc hội.
Đại biểu Phạm Trường Dân – Phó Giám đốc Công an tỉnh Quảng Nam đề cập dự thảo có quy định cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở chữa bệnh bắt buộc, trại tạm giam có thể thành lập khu vực bỏ phiếu riêng là chưa đầy đủ.
Đại biểu đề nghị bổ sung thêm khu vực bỏ phiếu riêng đối với nhà tạm giữ. Vì mỗi địa phương ở cấp huyện đều có nhà tạm giữ, trong nhà tạm giữ có nhiều người bị tạm giam với tội có mức án từ 15 năm trở xuống nhưng trong dự thảo không có quy định đó.
Đại biểu Phạm Trường Dân cũng lưu ý việc lập danh sách hoặc bổ sung danh sách cử tri đối với người cử tri là người bắt buộc chữa bệnh, bắt buộc giáo dục, bị tạm giam, bị tạm giữ sao cho phù hợp với quy định về mặt thời gian lập danh sách cử tri theo đúng quy định của luật này./.