Chạy trường hết cả nghìn USD nhưng chưa ai tố cáo
(VOV) -“Hiệu trưởng hoàn toàn có thể biết chuyện chạy lớp, chạy trường nếu họ quản lý cán bộ tốt”.
Năm học 2012-2013 vừa kết thúc, nhiều phụ huynh có con em năm học tới vào lớp 1 lại bắt đầu một cuộc đua mới để chọn trường, chọn lớp. Từ cuối tháng 4, đầu tháng 5 nhiều người đã đôn đáo chạy nước rút.
Bên lề kỳ họp Quốc hội đang diễn ra, bà Bùi Thị An, Viện trưởng Viện tài nguyên, môi trường và phát triển cộng đồng trao đổi với báo chí về chuyện chạy lớp, chạy trường.
PV: Thưa, bà có nhận được thông tin về chuyện chạy trường, chạy lớp với giá hàng nghìn USD không?
Bà Bùi Thị An: Tôi có nghe chuyện này nhưng thực hư thế nào thì tôi chưa biết và cũng chưa nhận được đơn thư nào phản ánh chuyện này. Đại biểu Quốc hội muốn phát biểu về vấn đề này phải cần những thông tin chính xác.
PV: Nhưng thưa bà, phụ huynh khi thông tin, họ rất sợ ảnh hưởng đến chính con mình. Chúng ta làm thế nào để bảo vệ người tố cáo tiêu cực?
Bà Bùi Thị An: Việc này đúng là rất khó, phụ thuộc vào cái tâm và cái tầm của lãnh đạo từng trường, từng đơn vị. Hiệu trưởng hoàn toàn có thể biết chuyện chạy lớp, chạy trường nếu họ quản lý cán bộ tốt. Tôi rất muốn trong ngành giáo dục có giám sát, kiểm tra và các tổ chức chính trị xã hội cũng nên cùng tham gia giám sát, đặc biệt là phụ huynh cũng cần có sự phối hợp thông tin.
PV: Theo những thông tin mà bà biết được, các phụ huynh muốn cho con học trường tốt, họ phải dùng đến những biện pháp nào?
Bà Bùi Thị An: Muốn cho con học trường tốt, các phụ huynh thường phải chuẩn bị từ năm trước, đặc biệt với trường hợp trái tuyến. Tôi cũng nhận được những lời nhờ vả từ người quen. Nhưng nếu tôi nhờ, trong trường hợp các cơ sở có thể giúp được và thấy hợp lý, họ giúp đỡ rất nhiệt tình và không có điều kiện gì kèm theo.
PV: Theo quy định là dùng hộ khẩu để phân tuyến các cấp học sinh, nhưng thực tế là phụ huynh học sinh đang chạy trường, chạy lớp, vậy thì liệu việc sử dụng hộ khẩu có hiệu quả?
Bà Bùi Thị An: Quản lý bằng hộ khẩu có cái tốt về mặt đô thị. Còn với chuyện phân tuyến học sinh, do mật độ dân số tập trung rất cao ở các quận nội thành thì chưa thật sự hiệu quả. Phải công nhận rằng các trường ở các quận nội thành có truyền thống lâu đời, chất lượng giáo dục tương đối cao và đồng đều nên việc phụ huynh muốn cho con vào các trường này là nhu cầu chính đáng. Ngành giáo dục nên có nghiên cứu để giải quyết mối quan hệ giữa hộ khẩu và trường thì hay hơn.
PV: Nhưng thưa bà, nếu không dùng hộ khẩu để phân tuyến và cứ khuyến khích cha mẹ học sinh cho con vào các trường tốt thì lại xảy ra hiện tượng quá tải?
Bà Bùi Thị An: Đúng là như vậy, thế nên tôi mới cho rằng, ngành giáo dục nên nghiên cứu lại, có hướng phân bổ đội ngũ giáo viên tốt ở tất cả các trường. Đây là vấn đề cơ chế. Nếu tạo mọi điều kiện cho giáo viên giỏi thì họ không nhất thiết cứ phải tập trung ở các trường nội thành. Nên có những chế độ đặc thù cho các giáo viên, không nhất thiết phải dựa vào các chính sách của nhà nước, mà ngành giáo dục Thành phố hoàn toàn có những cơ chế riêng về điều kiện ăn ở, đi lại, mức lương… nếu họ chấp nhận dạy học ở xa.
PV: Theo bà, có nên thay đổi trong tuyển sinh lớp 1 hay không khi mà theo quy định, đến ngày 1/7 mới nhận hồ sơ tuyển sinh nhưng trên thực tế có những trường đã hoàn thành việc tuyển sinh từ trước đó. Như vậy là đã có sự không công bằng với một số đối tượng?
Bà Bùi Thị An: Tôi nhất trí là trong chuyện tuyển sinh phải công khai, minh bạch cho các phụ huynh học sinh biết để trẻ em cũng có quyền bình đẳng trong lựa chọn trường, chứ không chỉ riêng phụ huynh. Nhưng muốn vậy phải có sự kết nối và dự báo giữa cơ quan dân số và giáo dục để có sự chủ động ứng phó.
PV: Chúng ta đã đặt ra những tiêu chuẩn giáo dục cho các trường, nhất là về số học sinh trong một lớp. Nhưng thực tế, các trường công vẫn quá tải, mỗi lớp đều có trên 60 học sinh. Vậy chúng ta đặt ra các tiêu chuẩn này chẳng lẽ chỉ là danh nghĩa?
Bà Bùi Thị An: Các chuẩn này là để các trường phấn đấu. Thực sự là nếu số lượng học sinh ít thì chất lượng giáo dục sẽ được quan tâm hơn, đảm bảo hơn. Nhưng thực tiễn vì số lượng học sinh quá đông nên trước mắt có thể ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục, nhưng đó là nguyện vọng của nhân dân, cử tri nên cũng khó khắc phục. Theo tôi, chúng ta phải phân bổ lại đội ngũ giáo viên và cải thiện cơ sở vật chất của tất cả các trường thì mới có thể khắc phục được hiện tượng quá tải ở những trường “hot”.
PV: Năm nay, số lượng học sinh lớp 1 dư thừa tăng mạnh so với năm ngoái. Vậy phải giải quyết áp lực chạy trường như thế nào, tại sao chúng ta không có sự dự báo và tính toán trước, thưa bà?
Bà Bùi Thị An: Cái này rất khó cho ngành giáo dục. Những năm đẹp, tỷ lệ sinh nhiều nên hiện tượng tăng đột biến là khó tránh, chúng ta có dự trù mấy cũng khó mà khắc phục được ngay, cần có quá trình. Chúng ta phải chia sẻ với ngành giáo dục.
PV: Xin cảm ơn bà!