'Có tỉnh nghèo mà trụ sở làm việc lộng lẫy như cung điện'
VOV.VN - Ông Ksor Phước nhấn mạnh điều này khi thảo luận về báo cáo việc thi hành Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2013.
Báo cáo của Chính phủ do Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng trình bày cho biết, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các cấp, các ngành không bổ sung ngoài dự toán, kể cả nguồn tăng thu ngân sách để mua xe ô tô, phương tiện vận tải. Việc mua sắm tài sản từ NSNN năm 2013 phải bảo đảm nguyên tắc triệt để tiết kiệm, đúng tiêu chuẩn, định mức.
Trong 6 tháng đầu năm 2013, các bộ, ngành, địa phương trong cả nước mua mới 168 xe ô tô, với nguyên giá 219,3 tỷ đồng; mua mới các loại tài sản khác có nguyên giá từ 500 triệu đồng trở lên là 106 tài sản, với nguyên giá 982 tỷ đồng.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cũng cho biết, việc sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước theo Quyết định số 09/2007/QĐ-TTg ngày 19/01/2007 của Thủ tướng Chính phủ tiếp tục được đẩy mạnh và thu được những kết quả tích cực.
Tuy nhiên, Báo cáo cũng chỉ rõ tiến độ thực hiện sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước còn chậm, chưa được thực hiện tập trung, quyết liệt theo quy hoạch, kế hoạch được duyệt.
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước: Cần định lượng được lãng phí |
Thảo luận tại phiên làm việc, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước cho rằng báo cáo chưa tổng hợp, đánh giá được định lượng tổn thất, lãng phí bao nhiêu; chưa thể hiện được quyết tâm khắc phục, trách nhiệm của người đứng đầu. Báo cáo cần chỉ rõ nơi nào còn để lãng phí nhiều, trong đó có đất đai nhằm cảnh báo, nhắc nhở người đứng đầu, đại biểu Quốc hội có trách nhiệm tìm giải pháp khắc phục.
“Chỉ nói về xây dựng trụ sở, có tỉnh làm rất nghiêm túc, sử dụng hết công năng nhưng có tỉnh xây dựng lộng lẫy như cung điện. Đây là trụ sở phục vụ nhân dân, chứ không phải là nơi du lịch, thăm quan. Xây dựng lộng lẫy gây phản cảm vì dân còn nghèo, tỉnh còn khó khăn”, ông Ksor Phước bày tỏ. Ngoài ra, vẫn còn hiện tượng mua xe ô tô đắt tiền, nhiều công trình lãng phí, báo chí phản ánh, người dân bức xúc nhưng việc xử lý chưa nghiêm.
“Nếu các đồng chí không quyết liệt thì phải chịu trách nhiệm trước Quốc hội. Tôi tin rằng lãng phí còn lớn hơn rất nhiều. Do đó cần khắc phục về mặt quản lý và đặt vấn đề về vai trò người đứng đầu”, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc nêu ý kiến.
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng- An ninh Nguyễn Kim Khoa đề nghị báo cáo phải đánh giá rõ thực trạng, có địa chỉ cụ thể: “Ta nói rất nhiều về đầu tư dàn trải, dự án treo, quy hoạch treo..., vậy đến nay giải quyết đến đâu? Việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia cũng có vấn đề nên cần đánh giá giá trị của chương trình, dự án xuống người dân như thế nào. Đầu tư nhiều mà chưa hiệu quả là lãng phí”.
Giải ngân chậm tồn tại cả chục năm
Trong quản lý dự án đầu tư sử dụng tiền và tài sản của nhà nước, Báo cáo của Chính phủ cho biết, công tác phân bổ, giao kế hoạch vốn đầu tư năm 2013 đã được các bộ, ngành, địa phương thực hiện đúng quy định. Bố trí kế hoạch vốn đầu tư chủ yếu tập trung cho những dự án, công trình chuyển tiếp, hạn chế bố trí vốn cho các dự án khởi công mới. Tuy nhiên, vẫn có một số trường hợp thực hiện chậm.
Tiến độ giải ngân chung so với kế hoạch năm 2013 chưa cao, lượng vốn còn phải giải ngân trong những tháng cuối năm còn lớn, cần phải tập trung, quyết liệt hơn. Báo cáo cũng chỉ rõ, vướng mắc trong giải phóng mặt bằng vẫn là một trong những nguyên nhân cơ bản, ảnh hướng lớn đến tiến độ thực hiện dự án và giải ngân vốn đầu tư.
Trong thời gian qua, vẫn còn tình trạng phê duyệt nhiều dự án vượt quá khả năng cân đối vốn; bố trí vốn dàn trải, manh mún, dẫn đến kéo dài thời gian thực hiện dự án, gây lãng phí thời gian, vốn đầu tư. Nợ đọng xây dựng cơ bản chưa được xử lý triệt để.
Cho rằng việc giải ngân vẫn còn chậm mặc dù có tiến bộ hơn so với năm ngoái, theo Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước, điều này tồn tại cả chục năm nay, do đó Bộ trưởng Bộ Tài chính cần chấn chỉnh để có sự chuyển biến rõ nét.
Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn cho rằng nội dung báo cáo cần đặt trong bối cảnh tình hình chung để phản ánh sát với thực tế. Sự cố gắng, điều hành và chỉ đạo của Chính phủ là điều đáng ghi nhận, bước đầu có sự chuyển biến và đạt được kết quả quan trọng. Tuy nhiên, việc đánh giá mặt được và chưa được phải đúng mức để đạt sự đồng thuận cao của Quốc hội.
Tổng hợp các ý kiến, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, báo cáo cần thể hiện rõ tính định lượng và địa chỉ cụ thể để Quốc hội xem xét, đánh giá và đại biểu Quốc hội thấy được tình hình ở địa phương mình, ngành mình để tăng cường giám sát.
“Nếu có phụ lục lãng phí đất đai ở địa phương nào, ngành nào thì rất tốt và điều này có thể làm được. Hay việc tiêu chuẩn định mức mua sắm, xây trụ sở quá mức cần thiết cũng khó đánh giá nhưng cũng cần yêu cầu rà soát. Cần công khai để đảm bảo công bằng và nâng cao giám sát”, bà Nguyễn Thị Kim Ngân nói.