Còn tình trạng lợi dụng để giảm nhẹ trong án tham nhũng
VOV.VN -Việc xem xét, xử lý các hành vi tham nhũng trong một số trường hợp chưa nghiêm, nặng về xử lý hành chính, án treo.
Năm 2013, có 4 người bị xử lý hình sự do tham nhũng
Các Bộ, ngành, địa phương đã tiến hành 5.466 cuộc kiểm tra việc thực hiện các chế độ, định mức, tiêu chuẩn, qua đó phát hiện 210 vụ việc vi phạm, xử lý kỷ luật 134 người. Tổng giá trị các vi phạm về chế độ, định mức, tiêu chuẩn được kiến nghị thu hồi và bồi thường hơn 78,5 tỷ đồng, đã thu hồi 37,3 tỷ đồng.
Các Bộ, ngành, địa phương, các cơ quan, tổ chức, các tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước đã báo cáo việc kê khai tài sản, thu nhập năm 2012, qua đó phát hiện 3 trường hợp qua xác minh đã kết luận về việc kê khai tài sản, thu nhập không trung thực; 58 trường hợp bị xử lý kỷ luật do chậm kê khai, chậm tổng hợp, báo cáo.
Việc chuyển đổi vị trí công tác đã được thực hiện trong nhiều lĩnh vực quản lý Nhà nước. Các cấp, các ngành đã tiến hành chuyển đổi vị trí công tác 16.542 cán bộ, công chức. Trong năm 2013, đã có 41 trường hợp người đứng đầu bị xử lý do thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng, trong đó, có 4 người đã bị xử lý hình sự, 33 người đã bị xử lý kỷ luật hành chính, 4 trường hợp khác đang được các cơ quan có thẩm quyền xem xét, xử lý (giảm 14% so với cùng kỳ năm trước).
Tòa án các cấp đã xét xử sơ thẩm 278 vụ, 584 bị cáo về các tội danh tham nhũng, trong đó tỷ lệ tội phạm nghiêm trọng, rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng chiếm 41,2 % (năm 2012 tỷ lệ này là 44,1%); số bị cáo được hưởng án treo, cải tạo không giam giữ chiếm 31,2 % (năm 2012 tỷ lệ này là 34,2%).
Các đơn vị có báo cáo người đứng đầu bị xử lý do thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng là An Giang, Bắc Ninh, Bắc Giang, Quảng Ngãi, Long An, Sơn La, Nam Định, TP Hà Nội, Tuyên Quang, Đồng Nai, Nghệ An, Ninh Thuận, Đắk Nông, Bộ Quốc phòng.
Đối tượng phạm tội là người có chức vụ, quyền hạn
Một số lĩnh vực, qua khảo sát, tình hình tham nhũng đã có xu hướng giảm so với kết quả khảo sát trước đó như thuế, hải quan, truyền thông, dịch vụ đăng ký và cấp phép. Tuy nhiên, tình hình tham nhũng chưa có dấu hiệu giảm, vẫn diễn ra ở nhiều ngành, nhiều cấp, nhiều lĩnh vực với những thủ đoạn ngày càng tinh vi, khó phát hiện. Tình trạng sách nhiễu, vòi vĩnh, gây phiền hà ở một bộ phận công chức, viên chức nhà nước vẫn còn diễn ra ở một số lĩnh vực.
Tham nhũng, lãng phí trong quản lý và sử dụng đất đai, tín dụng, ngân hàng, quản lý vốn và tài sản tại một số doanh nghiệp Nhà nước đã gây thiệt hại lớn về kinh tế, gây bất bình trong xã hội.
Báo cáo của Tổng Thanh tra Chính phủ khẳng định, đối tượng phạm tội là người có chức vụ, quyền hạn, thủ đoạn phạm tội tinh vi, có nhiều thủ đoạn đối phó, che giấu hành vi phạm tội của mình nên việc phát hiện, điều tra, truy tố, xét xử gặp nhiều khó khăn; quá trình điều tra các vụ án tham nhũng đều phải gia hạn thời hạn điều tra vụ án, nhiều vụ phải gia hạn thời hạn điều tra lần 2, lần 3.
Việc tự kiểm tra, phát hiện tham nhũng của một số cơ quan, tổ chức, đơn vị còn yếu; việc phát hiện tham nhũng chủ yếu qua dư luận xã hội, đơn thư tố táo, báo chí phản ánh hoặc khi có cơ quan chức năng vào làm việc kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra mới phát hiện sai phạm; việc xử lý hành vi tham nhũng trong một số trường hợp còn chưa nghiêm, chưa kịp thời, còn có biểu hiện nương nhẹ.
Vẫn còn tình trạng lợi dụng các quy định của pháp luật chưa chặt chẽ để xử lý hành vi tham nhũng bằng biện pháp kỷ luật hành chính, hoặc áp dụng nhiều tình tiết giảm nhẹ để xử phạt dưới khung hình phạt hoặc hưởng án treo, phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ./.