Đại biểu đề nghị chuyên môn hóa các Ủy ban của Quốc hội

VOV.VN -Đại biểu QH cho rằng với phạm vi hoạt động rộng, số đại biểu chuyên trách ít, dù có cố gắng kết quả không thể như mong muốn


Được đưa ra lấy ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIII, Dự thảo Luật Tổ chức Quốc hội (sửa đổi) được nhiều đại biểu Quốc hội đánh giá đã đạt được 3 mục tiêu: Thứ nhất, đã thể chế hóa được những tư tưởng đổi mới về bộ máy Nhà nước nói chung, về Quốc hội nói riêng đề cập trong các Nghị quyết của Đảng, đặc biệt là Nghị quyết lần thứ 11. Thứ hai, cụ thể hóa được một bước các quy định của Hiến pháp năm 2013. Thứ ba, trên cơ sở pháp điển hóa một số văn bản mà Quốc hội khóa XIII đã ban hành cũng như thực tiễn hoạt động Quốc hội đã được cập nhật. Tuy nhiên, các đại biểu cho rằng đi vào từng nội dung cụ thể vẫn cần phải nghiên cứu thêm để hoàn thiện.

Các đại biểu thảo luận tại tổ sáng 3/6 (Ảnh: Ngân Anh)

Một số ý kiến đại biểu cho rằng việc xem xét sửa đổi luật cần đặt trong mối quan hệ hiệu quả, hiệu lực làm việc của Quốc hội nhiệm kỳ vừa rồi cũng như các nhiệm kỳ gần đây, hoạt động của Quốc hội đã đạt được những kết quả gì, hạn chế ở đâu, nguyên nhân vì sao, xét từ góc độ tổ chức.

Nhiều đại biểu thẳng thắn đặt câu hỏi, phải chăng công tác làm luật của Quốc hội chưa đạt chất lượng là do những nguyên nhân chủ quan từ tổ chức, do chất lượng đại biểu hay do sự phân công công việc trong nội bộ Quốc hội cũng như việc tổ chức các Ủy ban không hợp lý không? Việc phối hợp giữa các ủy ban, quyền hạn của các ủy ban, quyền hạn của đại biểu… Những vấn đề đó cần được tổng kết để coi đó là những nguyên nhân sâu xa và trực tiếp khiến cho năng lực làm luật của Quốc hội không đạt được mục đích đã đề ra.

Về nội dung tổ chức các cơ quan của Quốc hội, nhiều ý kiến đại biểu cho rằng việc xây dựng một cơ chế hoạt động hay phân công nội bộ trong Quốc hội, tức là việc xác lập các cơ quan của Quốc hội là rất quan trọng, bảo đảm cho Quốc hội hoạt động đúng mục tiêu, định hướng và hiệu quả.

Đại biểu Võ Kim Cự (đoàn Hà Tĩnh) nêu thực tế, phạm vi hoạt động của các Ủy ban của Quốc hội rất rộng, trong khi số đại biểu chuyên trách ít thì khó có thể hoạt động chuyên trách, giám sát hiệu quả các ban ngành. Đại biểu cho rằng, với phạm vi hoạt động rộng, nhân sự thiếu dù có cố gắng thì kết quả không thể như mong muốn.

Đặt vấn đề trên thế giới Quốc hội các nước có rất nhiều ủy ban, thậm chí nhiều hơn cả số bộ trong Chính phủ để có đủ năng lực giám sát hoạt động của Chính phủ thông qua việc chuyên môn hóa thành nhiều ủy ban, đại biểu Lê Thanh Vân (đoàn Hải Dương) kiến nghị trong lúc chưa tách các Ủy ban, nên quy định các chế độ pháp lý cho các tiểu ban. Các Ủy ban hiện nay đang hoạt động ở các lĩnh vực đa ngành thì cần phải thành lập nhiều tiểu ban, ví như Ủy ban Kinh tế có thể thành lập tới 7, 8 tiểu ban như tiểu ban về nông nghiệp, nông dân và nông thôn; tiểu ban về hạ tầng; tiểu ban về công, thương nghiệp… Tương tự các ủy ban khác cũng thế. Làm được như vậy giúp cho Quốc hội có thể đi sâu vào từng lĩnh vực cụ thể thông qua hoạt động của các tiểu ban để làm tốt công tác thẩm định, phản biện các chính sách, các dự án luật trình ra Quốc hội; tham vấn ý kiến; hiến kế cho Quốc hội. Làm được như thế thì Quốc hội mới mạnh lên, Chính phủ mới mạnh lên, bộ máy Nhà nước hiệu quả hơn.

Đại biểu Ngô Đức Mạnh (đoàn Bình Thuận) cũng đề nghị phải có quy định các ủy ban có thể thành lập các tiểu ban, các tiểu ban này do Chủ nhiệm hay Chủ tịch Hội đồng Dân tộc quyết định; các tiểu ban cũng phải có cơ chế hoạt động để họ có thể huy động được chuyên gia chứ không phải là phân công một Phó Chủ nhiệm phụ trách./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên