Đại biểu Quốc hội phải có tinh thần chống tham nhũng quyết liệt
VOV.VN -Cử tri cho rằng đại biểu phải là tấm gương sáng, đặc biệt phải có tinh thần chống tham nhũng, tiêu cực quyết liệt hơn.
Đến hết ngày 12/4, mặt trận Tổ quốc cơ sở ở các địa phương đã hoàn thành việc lấy ý kiến cử tri nơi cư trú đối với những người được giới thiệu ứng cử Đại biểu Quốc hội khóa 14.
Tại các hội nghị, cử tri một mặt đóng góp ý kiến với các ứng viên về phẩm chất, năng lực, đạo đức, quan hệ ở khu dân cư... mặt khác cũng gửi gắm những trăn trở, kỳ vọng để khi trúng cử, các đại biểu Quốc hội và HĐND phải thật sự là đại biểu của dân, có tâm, có tầm và có dũng khí.
Chuẩn bị cho công tác bầu cử (Ảnh minh họa) |
Có mặt tại một số hội nghị cử tri nơi cư trú, phóng viên Đài TNVN ghi nhận hoạt động này diễn ra dân chủ.
Hầu hết ý kiến đánh giá những người ứng cử Quốc hội lần này đủ tiêu chuẩn, có phẩm chất chính trị và đạo đức tốt, gắn bó với nhân dân ở khu dân cư, bản thân và gia đình chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cử tri mong muốn, người ứng cử đại biểu Quốc hội phải tăng cường mối quan hệ với nhân dân, gần gũi, lắng nghe ý kiến, kiến nghị của nhân dân nơi cư trú để phản ánh được những nguyện vọng chính đáng của nhân dân với Quốc hội...
Cử tri mong muốn người ứng cử đại biểu Quốc hội phải gương mẫu hơn nữa trong việc thực hiện chính sách, pháp luật, thực hiện tốt quy ước, hương ước của khu dân cư. Đại biểu phải là tấm gương sáng để nhân dân và cử tri noi theo, đặc biệt phải có tinh thần chống tham nhũng, tiêu cực quyết liệt hơn.
Cử tri Nguyễn Văn Quyết (quận Cầu Giấy, Hà Nội) mong muốn, khi trúng cử, đại biểu Quốc hội phải tiên phong đấu tranh, tiêu diệt tham nhũng.
Ông Nguyễn Văn Quyết nói: “Người dân chỉ mong người ứng cử kỳ tới là những người phải có nhiệt huyết với nhân dân, phải trong sạch, không tham nhũng và phải quyết tâm chống tham nhũng”.
Tại các hội nghị cử tri quận Ba Đình, Hà Nội, cử tri cũng cho rằng: Quốc hội ngày càng thực hiện quyền đại biểu của dân.
Nếu như trước đây vẫn còn tư tưởng “Nghị gật”, gần như nhất trí 100%, thì những kỳ họp gần đây, tranh luận giữa đại biểu Quốc hội với những "tư lệnh" ngành ngày càng sâu, rộng, đi đến tận bản chất của vấn đề, nhất là những vấn đề thời sự nóng bỏng của cuộc sống.
Cử tri Vũ Mạnh Kha (quận Ba Đình, Hà Nội) cho rằng, đó là những bước tiến rất dài trong dân chủ nghị trường. Thực tế đòi hỏi đại biểu Quốc hội phải thực sự có trình độ và sâu sát với nhân dân.
Tuy nhiên, ông Vũ Mạnh Kha cho rằng: “Bên cạnh đa số đại biểu hoạt động thực chất, có năng lực thì lại có nhiều đại biểu hoạt động chưa thực sự thực quyền của mình, chưa nói được ý kiến của dân, chưa đạt trình độ chất vấn, xem xét các vấn đề quyết định của đất nước. Mong muốn các đại biểu được dân cử ra trong khóa 14 này sẽ có năng lực cao hơn”.
Phó Tổng Thư ký Quốc hội, ông Lê Minh Thông cho biết, đến thời điểm này, các địa phương trong cả nước đã hoàn thành việc lấy ý kiến cử tri tại nơi cư trú và chuẩn bị thực hiện hiệp thương lần thứ 3.
Việc lấy ý kiến nhận xét đối với người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND tại địa phương là một nội dung quan trọng và rất cần thiết để đảm bảo cử tri lựa chọn được những người có đủ phẩm chất và năng lực vào Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp.
Đồng thời, đây cũng là cơ sở để Hội nghị hiệp thương lần thứ 3 thận trọng, cân nhắc đưa ra khỏi danh sách những người không đủ phẩm chất, năng lực.
Ông Lê Minh Thông nói: “Kết quả hiệp thương lần thứ 3 phản ánh kết quả Hội nghị cử tri nơi cư trú đối với các ứng viên để mặt trận Tổ quốc và các cơ quan hữu quan tiến hành hiệp thương, chọn ra người đủ tiêu chuẩn theo quy định của Luật và chuyển sang Hội đồng bầu cử Quốc gia cũng như Ủy ban Bầu cử cấp tỉnh, cấp huyện từng cấp để lập danh sách. Chắc chắn qua lấy ý kiến cử tri, một số ứng viên không đáp ứng yêu cầu vì tín nhiệm nơi cử tri là rất quan trọng”.
Được xem là thử thách đầu tiên đối với ứng cử viên đại biểu Quốc hội, Hội nghị cử tri nơi cư trú là nguồn dữ liệu quan trọng để quyết định danh sách ứng cử viên tham gia vào vòng hiệp thương lần thứ 3. Qua đây, cử tri đặt niềm tin, kỳ vọng để mỗi đại biểu khi trúng cử luôn nhớ những gửi gắm của cử tri, sống gần dân, cống hiến hết mình, đại diện cho nhân dân quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước./.