Đề nghị giảm đối tượng được tạm hoãn gọi nhập ngũ
VOV.VN -Đa số Thành viên Ủy ban Quốc phòng An ninh của Quốc hội tán thành với thời gian phục vụ tại ngũ là 24 tháng
Tiếp tục kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa 13, chiều nay (03/11), Quốc hội tiếp tục họp phiên toàn thể tại hội trường, nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về Dự án Luật tổ chức Chính phủ (sửa đổi), Dự án Luật tổ chức chính quyền địa phương, Dự án Luật nghĩa vụ quân sự (sửa đổi) và Dự án Luật thú y.
Với Tờ trình của Chính phủ về Dự án Luật nghĩa vụ quân sự (sửa đổi), đa số Thành viên Ủy ban Quốc phòng An ninh của Quốc hội tán thành với thời gian phục vụ tại ngũ là 24 tháng như Tờ trình của Chính phủ. Tuy nhiên, một số ý kiến lại đề nghị giữ như quy định của Luật hiện hành hoặc quy định một thời hạn chung là 18 tháng đối với các quân nhân phục vụ tại ngũ để bảo đảm sự công bằng trong thực hiện nghĩa vụ quân sự hoặc đề nghị giảm đều thời hạn phục vụ tại ngũ xuống 12 tháng (đặc biệt là đối với công dân đã tốt nghiệp bậc đại học).
Về độ tuổi gọi nhập ngũ, nhiều ý kiến thành viên Ủy ban Quốc phòng An ninh tán thành với dự thảo Luật, để có thể tuyển chọn được nhiều công dân đã học xong chương trình đào tạo bậc đại học vào phục vụ tại ngũ. Tuy nhiên, một số ý kiến đề nghị giữ nguyên quy định về độ tuổi gọi nhập ngũ từ đủ 18 tuổi đến hết 25 tuổi như Luật nghĩa vụ quân sự hiện hành vì cơ bản đã thực hiện ổn định. Bên cạnh đó, đa số ý kiến Ủy ban Quốc phòng An ninh nhất trí với quan điểm chung là cần giảm đối tượng được tạm hoãn gọi nhập ngũ trong thời bình.
Đối với Tờ trình của Chính phủ về Dự án Luật tổ chức Chính phủ, Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đề nghị, Ban soạn thảo cần bổ sung quan điểm xây dựng một Chính phủ sáng tạo, năng động, tinh gọn về tổ chức, hiệu lực, hiệu quả về hoạt động, đủ tầm quản lý, giải quyết các nhiệm vụ xây dựng nhà nước pháp quyền, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, hội nhập và hợp tác quốc tế.
Đồng thời đề nghị, Dự thảo Luật cần tập trung: cụ thể hóa mối quan hệ giữa Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ; phân định thẩm quyền của Bộ trưởng với tư cách là thành viên của Chính phủ và Bộ trưởng với tư cách là người đứng đầu ngành, lĩnh vực được phân công quản lý; xác định, phân định rõ lĩnh vực quản lý của các bộ, ngành nhằm khắc phục tình trạng chồng chéo hoặc bỏ sót lĩnh vực không có cơ quan quản lý; khắc phục tình trạng đùn đẩy trách nhiệm lên Chính phủ, lên Thủ tướng Chính phủ; xây dựng cơ chế khắc phục những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện quy định của Hiến pháp về việc người đứng đầu Chính phủ có nghĩa vụ báo cáo trước nhân dân về những vấn đề quan trọng mà Chính phủ phải giải quyết.
Về Tờ trình Dự án Luật tổ chức chính quyền địa phương, của Chính phủ đưa ra 2 phương án về mô hình tổ chức chính quyền địa phương ở các đơn vị hành chính. Phương án 1 là không tổ chức HĐND ở quận, phường; phương án 2 là HĐND được tổ chức ở tất cả các đơn vị hành chính, nhưng có đổi mới về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của HĐND, UBND các cấp (đặc biệt ở quận và phường).
Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội tán thành việc đưa ra 2 phương án vừa nêu và cho rằng, mô hình tổ chức chính quyền địa phương là vấn đề hệ trọng của quốc gia, nên phải được Quốc hội thảo luận, cân nhắc thận trọng trên cơ sở tổng kết việc thực hiện chủ trương của Đảng thí điểm một số nội dung về tổ chức chính quyền đô thị và kết quả tổng kết thực hiện Nghị quyết 26 của Quốc hội, đáp ứng yêu cầu tổ chức chính quyền địa phương phù hợp với đặc điểm nông thôn, đô thị, hải đảo, đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt và nguyên tắc phân định thẩm quyền giữa trung ương và địa phương và giữa các cấp chính quyền địa phương. Tuy nhiên, Ủy ban Pháp luật đề nghị cần nêu rõ ưu, nhược điểm của từng phương án mà Chính phủ đưa ra để có thêm cơ sở cho Quốc hội thảo luận và quyết định.
Đối với Tờ trình của Chính phủ về Dự án Luật thú y, Ủy ban Khoa học công nghệ và môi trường đề nghị giữ như quy định của Pháp lệnh Thú y hiện hành là thẩm quyền công bố thuộc Chủ tịch UBND cấp tỉnh. Về Chương trình khống chế, thanh toán một số bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường cho rằng, nội dung này nên được quy định thành Kế hoạch quốc gia khống chế, thanh toán một số bệnh truyền nhiễm nguy hiểm động vật và có lộ trình để bảo đảm việc thực hiện được ổn định, liên tục và hiệu quả. Đề nghị bổ sung quy định về trách nhiệm của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong việc xây dựng Kế hoạch; quy định Danh mục bệnh truyền nhiễm nguy hiểm của động vật, Danh mục bệnh nguy hiểm của động vật có khả năng lây sang người.
Theo Chương trình kỳ họp, ngày mai 4/11, Quốc hội dành cả ngày thảo luận ở tổ về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế tiêu thụ đặc biệt, Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật thuế, thảo luận về Chủ trương đầu tư xây dựng dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành, Việc phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người và việc phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về quyền của người khuyết tật./.