Giám sát tới cùng Bộ trưởng thực hiện lời hứa
VOV.VN - “Đại biểu có chất vấn tốt cỡ nào mà không giám sát đến cùng kết quả thực hiện lời hứa của Bộ trưởng thì chất vấn cũng chỉ là trao đổi, chia sẻ”.
Ông Đặng Thuần Phong – Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội nhấn mạnh điều này khi trả lời phóng viên VOV.VN, sau khi kết thúc phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XIV.
PV: Ông đánh giá như thế nào về phiên chất vấn vừa qua? Việc dành thời gian 3 ngày cho hoạt động giám sát quan trọng này liệu đã đáp ứng yêu cầu?
Ông Đặng Thuần Phong: Vấn đề không phải tăng hay giảm thời gian mà chất lượng chất vấn tuỳ thuộc nội dung lựa chọn và vấn đề đại biểu Quốc hội đặt ra.
Đại biểu nêu đúng vấn đề cử tri quan tâm, bức xúc của xã hội để nghe “tư lệnh ngành” cũng như Thủ tướng giải trình, đề ra giải pháp khắc phục khó khăn hoặc điều chỉnh những bất hợp lý mà người dân mong chờ thì tạo ra giá trị phản biện. Còn nội dung chất vấn đưa ra để hỏi cho biết, chia sẻ thông tin hay hỏi định hướng thì không mang lại giá trị cao trong phiên chất vấn.
Đại biểu Đặng Thuần Phong phát biểu trên Hội trường tại Kỳ họp thứ 4 |
Qua nhiều khoá Quốc hội, thôi thấy có 3 luồng ý kiến trong phiên chất vấn: Luồng ý kiến xuất phát từ tâm tư nguyện vọng của người dân nên giá trị phản biện cao, đôi lúc đại biểu đặt vấn đề với thái độ có phần gay gắt. Luồng ý kiến thứ hai có thể là theo “đơn đặt hàng”, gắn với đó nêu lên thành tích của ngành, rồi bảo vệ chuyện này chuyện kia mà thiếu đi giải pháp. Luồng thứ 3, vì truyền hình trực tiếp, cũng muốn lấy điểm với cử tri nên hỏi kiểu chia sẻ thông tin, hỏi để cho biết chứ thiếu giá trị phản biện.
PV: Sau các phiên chất vấn Quốc hội đều ra Nghị quyết ghi nhận lời hứa của các thành viên Chính phủ, cũng như yêu cầu khẩn trương triển khai các biện pháp để tạo chuyển biến tích cực. Thực tế việc thực hiện có được như yêu cầu trong các nghị quyết chưa, thưa ông?
Ông Đặng Thuần Phong: Phiên chất vấn là giám sát trực tiếp tại diễn đàn Quốc hội, song hậu giám sát mới là quyết định. Anh có chất vấn tốt cỡ nào mà không theo dõi đến cùng kết quả của giám sát, việc thực hiện lời hứa, giải pháp được áp dụng của Bộ trưởng, trưởng ngành thì đó chẳng qua cũng chỉ là trao đổi để dân biết, dân nghe, dân theo dõi, dân chia sẻ.
Giá trị là hậu giám sát phải đi kiểm tra tới cùng việc Bộ trưởng, trưởng ngành hứa có thực hiện không, tại sao không thực hiện, nếu không thực hiện thì trách nhiệm thế nào?
Luật giám sát đưa ra như thế nhưng trên thực tế khâu này còn yếu, do đó, việc báo cáo kết quả thực hiện nghị quyết chất vấn trước kỳ họp để đại biểu Quốc hội biết là điều quan trọng. Nơi nào làm không được cũng phải phân tích nguyên nhân, quy trách nhiệm.
PV: Và kết quả thực hiện Nghị quyết về chất vấn cũng là yếu tố cần thiết để lấy phiếu tín nhiệm đối với chức danh Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn vào năm sau?
Ông Đặng Thuần Phong: Đúng vậy, đây cũng là cơ sở để lấy phiếu tín nhiệm. Hiệu quả hoạt động của bộ ngành được theo dõi một cách đầy đủ, đặc biệt là Bộ trưởng, trưởng ngành được chất vấn trước Quốc hội mà thực thi nhiệm vụ không đạt như mong muốn thì sẽ làm mất lòng tin của đại biểu, còn mang lại hiệu quả cao thì ghi dấu ấn, đại biểu tín nhiệm. Đó là mong muốn của người dân và đại biểu Quốc hội đối với các Bộ trưởng, trưởng ngành.
Vấn đề này không được xem là một tiêu chuẩn để lấy phiếu tín nhiệm thì hạn chế đi tác dụng và chế tài giúp nâng cao chất lượng phiên chất vấn cũng như hoạt động của Quốc hội nói chung. Nếu buông bỏ việc thực hiện lời hứa, cam kết khi chất vấn thì chất lượng hoạt động sẽ kém.
PV: Ở góc độ cá nhân, qua 3 ngày chất vấn tại Kỳ họp thứ 4, ông ấn tượng với phần trả lời của “tư lệnh ngành” nào?
Ông Đặng Thuần Phong: Tôi thấy thoát ly văn bản, nắm vấn đề sâu, trả lời tốt là Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng. Mặc dù lần đầu đăng đàn trước Quốc hội nhưng cách trả lời của trưởng ngành rất thẳng vào vấn đề đại biểu hỏi. Điều đó thể hiện sự nhập cuộc và nắm khá chặt chẽ nội dung trong lĩnh vực của mình.
Tôi cũng để ý Bộ trưởng, trưởng ngành nào lệ thuộc văn bản thì thường trả lời lòng vòng, không đúng vấn đề, chưa đáp ứng được yêu cầu của đại biểu Quốc hội.
PV: Xin cảm ơn ông!./.
Tham nhũng chủ yếu do người có chức vụ, quyền hạn thực hiện, nếu có “vùng cấm” nữa thì cuộc chiến này sẽ không bao giờ đạt được kết quả. Vì vậy, khi Thủ tướng một lần nữa khẳng định cuộc chiến phòng, chống tham nhũng “không có vùng cấm”, “không chìm xuồng”, đã thể hiện quyết tâm mạnh mẽ, tiếp tục thực hiện các chủ trương của Đảng”. Chúng ta có quyền đợi chờ, tin tưởng những kết quả tốt đẹp từ cuộc chiến cam go này.
Đại biểu Lê Thanh Vân
“Trả lời chất vấn, Thủ tướng đã rất thẳng thắn khi nói rằng chưa hài lòng với công tác điều hành thời gian qua. Điều đó cho thấy, Thủ tướng rất cầu thị và mong muốn công tác chỉ đạo, điều hành việc thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế -xã hội phải đạt kết quả cao hơn nữa"
"Đảng, Nhà nước không cho phép “chìm xuồng” các vụ án tham nhũng“