Góp ý vào Dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi)
VOV.VN - Một trong những điểm mới của Dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) là quy định hợp đồng có thể bị thay đổi hoặc hủy bỏ khi hoàn cảnh thay đổi.
Nhiều chuyên gia đánh giá, đây là một điểm mới rất tiến bộ, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, góp phần đẩy mạnh giao lưu dân sự.
Điều 443 dự thảo Bộ luật quy định: trường hợp hoàn cảnh thay đổi dẫn đến quyền, lợi ích của một trong các bên ảnh hưởng nghiêm trọng thì cho phép các bên điều chỉnh hợp đồng. Trường hợp các bên không đạt được thoả thuận trong một khoảng thời gian hợp lý thì Toà án có thể: Chấm dứt hợp đồng vào ngày và theo những điều khoản do Toà án quyết định; Điều chỉnh hợp đồng để phân chia cho các bên các thiệt hại và lợi ích phát sinh từ việc thay đổi hoàn cảnh một cách công bằng và bình đẳng. Tuỳ theo từng trường hợp, Toà án có thể buộc bên từ chối đàm phán hoặc phá vỡ đàm phán một cách không thiện chí, trung thực phải bồi thường thiệt hại.
Bà Nguyễn Minh Hằng, Trưởng Khoa Luật, Đại học Ngoại thương ủng hộ quy định trên vì cho rằng, đây là điểm mới rất tiến bộ, góp phần giải quyết tranh chấp trong hợp đồng có yếu tố nước ngoài ở nước ta hiện nay. Thực tế có rất nhiều trường hợp muốn thay đổi hợp đồng nhưng lại không thể quy về bất khả kháng, gây thiệt hại cho các bên. Vì vậy, việc cho phép một bên gặp khó khăn có quyền yêu cầu thiết lập lại, sửa đổi hay hủy bỏ hợp đồng sẽ thuận lợi hơn cho người dân.
Bộ luật Dân sự cũng cần ghi nhận nguyên tắc thiện chí để nếu một bên giao dịch không có thiện chí nghĩa là đã vi phạm nguyên tắc này của Bộ luật dân sự.
Bà Nguyễn Minh Hằng phân tích: Trên thực tế trong điều 5 Dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) cũng nêu 1 trong những nguyên tắc của dân sự là thiện chí, trung thực. Trong điều 431 của dự thảo Bộ luật cũng quy định nguyên tắc thực hiện hợp đồng là thiện chí trung thực. Nguyên tắc này cũng được nhấn mạnh trong tất cả các văn bản luật quốc tế về hợp đồng nói chung. Và nếu không thiện chí tức là một bên gặp hoàn cảnh thay đổi một cách thiện chí nên đàm phán lại với họ để cùng nhau hợp tác tháo gỡ khó khăn. Còn nếu không thể hiện thiện chí đó thì tức là đã vi phạm nguyên tắc chung và trong trường hợp đó tòa án yêu cầu bồi thường là vì đã vi phạm nguyên tắc chung đó.
Để bảo đảm cân bằng lợi ích của các bên trong hợp đồng, sự ổn định của các quan hệ dân sự, thương mại có liên quan, nhiều ý kiến đồng tình với việc cho phép Tòa án có thể điều chỉnh hợp đồng theo các điều kiện chặt chẽ được quy định trong Bộ luật Dân sự. Việc cho phép Tòa án điều chỉnh hợp đồng sẽ thúc đẩy các hợp đồng được thực hiện trong thực tiễn, đẩy mạnh giao lưu dân sự.
Cũng liên quan đến quy định về hợp đồng, PGS.TS Trần Thị Huệ, Đại học Luật Hà Nội băn khoăn về quy định thời điểm có hiệu lực của hợp đồng. Theo bà Trần Thị Huệ, hợp đồng tặng cho tài sản khác với các loại hợp đồng khác là không có tính đền bù nên thời điểm có hiệu lực của loại hợp đồng này cũng khác. Không nên quy định hợp đồng có hiệu lực từ thời điểm đăng kí.
Bà Trần Thị Huệ nêu ý kiến: Hợp đồng tặng cho mà đối tượng của nó là bất động sản thì phải đăng kí quyền sở hữu. Theo dõi điều 481 thì có hiệu lực từ thời điểm đăng kí. Đọc điều này sẽ có 2 hướng hiểu là đăng kí tài sản hay đăng kí hợp đồng. Đây là một thủ tục mang tính chất hành chính và xác lập quyền sở hữu, còn thời điểm có hiệu lực của hợp đồng thì mình phải thể hiện làm sao đó để khi người đọc người ta biết đây là hợp đồng thực tế. Vì vậy, hành vi chuyển giao tài sản khi hợp đồng chưa có hiệu lực thì không phải là hành vi bắt buộc phải thực hiện./.