Luật sư phải được ngồi ngang hàng kiểm sát viên tại toà?
VOV.VN -Nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, quy định người ngồi trên, người ngồi dưới là chưa đảm bảo nguyên tắc tranh tụng công bằng.
Khoản 1, Điều 13 dự thảo Bộ luật Tố tụng hình sự (sửa đổi) trình Quốc hội thảo luận tại kỳ họp thứ 9 quy định về sự bình đẳng trong tranh tụng khi xét xử: "Kiểm sát viên, bị cáo, người bào chữa, người bị hại... có quyền bình đẳng trong việc đưa ra chứng cứ và bình đẳng trong tranh luận trước Tòa án".
Theo đại biểu Nguyễn Thái Học (Phú Yên), quy định này khẳng định tính dân chủ trong tranh tụng, bảo đảm xét xử công khai, minh bạch và công bằng.
Nhưng tại Điều 247 quy định mới về phòng xử án lại xác định phía trên của phòng xử án gồm vị trí ngồi của Hội đồng xét xử, Kiểm sát viên, Thư ký tòa án. Còn phía dưới của Phòng xử án gồm vị trí ngồi của những người tham gia tố tụng như người bào chữa, bị cáo, bị hại...
Đại biểu Nguyễn Thái Học (Phú Yên) |
“Tôi cho rằng quy định như thế không phù hợp. Đã có nhiều người đặt câu hỏi vì sao luật quy định kiểm sát viên, luật sư bình đẳng nhưng lại có người ngồi ở phía trên, có người ngồi ở phía dưới. Ngay cả vị trí ngồi không công bằng thì trong tranh tụng có công bằng hay không?”, đại biểu Nguyễn Thái Học đặt vấn đề.
Đại biểu đề nghị phải xác định vị trí ngồi cho công bằng. Về mặt nội dung tranh tụng công bằng thì hình thức phải làm sao khi vào phòng xử án, người ta thấy công bằng.
Chung quan điểm, đại biểu Nguyễn Thành Bộ (Thanh Hoá) cho rằng vị trí ngồi bên buộc tội và bên gỡ tội như hiện hành và quy định tại Điều 247 dự thảo thể hiện sự bất bình đẳng và không đảm bảo nguyên tắc tranh tụng giữa các bên tham gia phiên tòa.
Mặt khác, theo quy định của Luật tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014, thời gian tới sẽ có tòa về gia đình và người chưa thành niên. Để bảo vệ được quyền và lợi ích tốt nhất cho người chưa thành niên thì cách bố trí phòng xử án để xét xử phải đảm bảo thân thiện, phù hợp với lứa tuổi của các em.
Để thống nhất với dự thảo của Bộ luật tố tụng dân sự, Bộ luật tố tụng hành chính và đảm bảo nguyên tắc tranh tụng bình đẳng giữa các bên khi tham gia tố tụng, đại biểu Nguyễn Thành Bộ đề nghị sửa đổi, bổ sung quy định về phòng xử án một điều mới.
Theo đó, phòng xử án phải được bố trí trang nghiêm, có khu vực dành riêng cho Hội đồng xét xử, Thư ký tòa án, kiểm sát viên, người bào chữa, người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự, người giám định, người phiên dịch bị cáo, những người tham gia tố tụng khác và người tham dự phiên tòa. TANDTC hướng dẫn thi hành quy định khoản này.
Đại biểu Phạm Huy Hùng (Hà Nội) cũng cho rằng vị trí chỗ ngồi của luật sư tại các phiên tòa hình sự hiện nay đều không ngang bằng với chỗ ngồi của kiểm sát viên, không thể hiện sự bình đẳng trong tranh tụng.
Do đó, đại biểu đề nghị dự thảo luật quy định vị trí chỗ ngồi của kiểm sát viên và người bào chữa đối diện và ngang bằng nhau.
Không chung quan điểm, theo đại biểu Lương Văn Thành (Hải Phòng), quy định như hiện hành là phù hợp, thể hiện sự trang của phiên tòa nhân danh Nhà nước.
Trong đó tòa án là cơ quan xét xử, kiểm sát viên là người thực hành quyền công tố đại diện cho Nhà nước đưa người phạm tội ra trước tòa.
Trước ý kiến đề nghị chỗ ngồi của luật sư phải ngang bằng với kiểm sát viên, đại biểu Thành cho biết, thực tế có nhiều vụ án không có luật sư tham gia. Đặc biệt có vụ án luật sư chỉ gửi bài bào chữa mà không có mặt tại phiên tòa.