Luật Tổ chức Chính phủ:Thủ tướng phải có trách nhiệm báo cáo trước dân

VOV.VN - Việc Thủ tướng báo cáo trước dân làm cho người dân yên tâm, tránh để kẻ xấu lợi dụng, gây bất ổn trong xã hội

Trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội về quy định Thủ tướng phải có trách nhiệm báo cáo trước nhân dân thông qua các phương tiện thông tin đại chúng về những vấn đề thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Đại biểu Quốc hội Trần Dương Tuấn, Phó trưởng đoàn ĐBQH Bến Tre nhấn mạnh “Thủ tướng báo cáo trước nhân dân có ý nghĩa quan trọng để ổn định tình hình”.

Đại biểu Trần Dương Tuấn, Phó trưởng đoàn ĐBQH Bến Tre
** Dự thảo Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi) quy định Thủ tướng phải có trách nhiệm báo cáo trước nhân dân thông qua các phương tiện thong tin đại chúng về các vấn đề thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Quan điểm của ông về vấn đề này ra sao?

Đại biểu Trần Dương Tuấn: Tôi cho rằng, việc thực hiện trách nhiệm báo cáo trước nhân dân của Thủ tướng và các Bộ trưởng có ý nghĩa quan trọng để ổn định tình hình, nhất là khi xảy ra những vụ việc tác động xấu đến đời sống của nhân dân và tình hình chung của kinh tế - xã hội. Bên cạnh đó, việc Thủ tướng hoặc Bộ trưởng trực tiếp báo cáo trước nhân dân một cách kịp thời ngay khi vụ việc xảy ra còn thể hiện trách nhiệm của người lãnh đạo đối với nhân dân, làm cho nhân dân yên tâm hơn, tránh để kẻ xấu lợi dụng, gây bất ổn trong dư luận và an toàn xã hội.

** Điều 47 Dự thảo Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi) quy định: Thủ tướng Chính phủ báo cáo hoặc ủy nhiệm cho “Bộ trưởng,Văn phòng Chính phủ” là người phát ngôn của Chính phủ thường xuyên thông báo trước nhân dân, thông qua các phương tiện thông tin đại chúng về những vấn đề quan trọng thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Vậy qui định về trách nhiệm báo cáo trước nhân dân của Thủ tướng có bị chồng chéo?

Đại biểu Trần Dương Tuấn: Không hề chồng chéo, vì theo quy định tại khoản 6 Điều 98 Hiến pháp thì trách nhiệm báo cáo trước nhân dân là trách nhiệm cá nhân của Thủ tướng Chính phủ đã được Hiến định. Do đó, theo tôi dự thảo Luật cần quy định rõ những trường hợp Thủ tướng Chính phủ có thể ủy quyền cho người phát ngôn của Chính phủ. Còn lại, Thủ tướng Chính phủ vẫn có nghĩa vụ thường xuyên thông báo trước nhân dân, thông qua các phương tiện thông tin đại chúng về những vấn đề quan trọng thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

** Nếu đề cập đến trách nhiệm báo cáo trước nhân dân của cả Thủ tướng và Bộ trưởng thì khi nào cần Thủ tướng báo cáo, khi nào Bộ trưởng báo cáo vì Bộ trưởng là quản lý ngành, lĩnh vực cũng có tầm quốc gia?

Đại biểu Trần Dương Tuấn: Phụ thuộc mức độ của sự việc. Nếu thuộc thẩm quyền của Bộ thì Bộ trưởng báo cáo, còn nếu là tầm quốc gia, thuộc thẩm quyền của Thủ tướng thì Thủ tướng báo cáo để công khai việc Chính phủ đã nắm bắt, xử lý tình huống như thế nào. Qua đó, nhân dân yên tâm hơn và góp ý thêm để vấn đề đó được giải quyết tốt hơn, nhanh hơn.

Thực ra, trong những thời khắc có nhiều áp lực, bản thân Thủ tướng và các thành viên Chính phủ đều muốn nghe thêm ý kiến của nhân dân.

** Theo ông, vấn đề thực hiện trách nhiệm báo cáo trước nhân dân của Thủ tướng và các Bộ trưởng nên được qui định luôn trong dự thảo luật này hay chờ văn bản hướng dẫn?

Đại biểu Trần Dương Tuấn: Quan điểm của tôi là những vấn đề nào có thể thì qui định luôn trong luật cho dễ thực hiện. Còn những gì chi tiết quá, cụ thể, có chiều sâu hơn thì mới cần văn bản hướng dẫn. Việc qui định ngay trong luật cũng giúp cho toàn dân và cả hệ thống chính trị biết việc Thủ tướng và Bộ trưởng thực hiện trách nhiệm báo cáo, có thể “đặt đầu đề” về những vấn đề xã hội quan tâm để Thủ tướng hoặc Bộ trưởng báo cáo, biến những vấn đề phức tạp thành đơn giản hơn.

** Việc Chính phủ báo cáo trước Quốc hội 2 lần/năm có được coi là thực hiện trách nhiệm báo cáo trước nhân dân?

Đại biểu Trần Dương Tuấn: Đó là báo cáo gián tiếp vì Quốc hội là gồm những đại biểu do nhân dân bầu ra. Trong một năm có những vấn đề có thể định sẵn để báo cáo trước Quốc hội nên Chính phủ có thể chọn những vấn đề cốt lõi của kinh tế - xã hội để báo cáo trước Quốc hội. Song cũng có thể phát sinh các vấn đề phức tạp, làm “nóng” dư luận thì lúc đó rất cần Thủ tướng Chính phủ hoặc Bộ trưởng xuất hiện, báo cáo trước nhân dân về việc năm bắt tình hình của Chính phủ cũng như quan điểm xử lý, giải pháp của Chính phủ để trấn an dư luận. Ví như đợt dịch sởi vừa qua, nếu thực hiện được trách nhiệm báo cáo này sẽ không có những tranh cãi về thẩm quyền công bố dịch, không để dịch lan rộng và không để lại những hậu quả khiến dư luận bất an như vừa qua.

** Xin cảm ơn ông!./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Duy trì Văn phòng Chính phủ hay thành lập Văn phòng Thủ tướng?
Duy trì Văn phòng Chính phủ hay thành lập Văn phòng Thủ tướng?

VOV.VN -  “Chẳng ai nói ra nhưng cứ lầm rầm rằng Văn phòng Chính phủ (VPCP) là cơ quan siêu quyền lực, các Bộ, ngành trình lên mà Vụ chuyên ngành chưa trình cũng chưa đến tay Thủ tướng”  

Duy trì Văn phòng Chính phủ hay thành lập Văn phòng Thủ tướng?

Duy trì Văn phòng Chính phủ hay thành lập Văn phòng Thủ tướng?

VOV.VN -  “Chẳng ai nói ra nhưng cứ lầm rầm rằng Văn phòng Chính phủ (VPCP) là cơ quan siêu quyền lực, các Bộ, ngành trình lên mà Vụ chuyên ngành chưa trình cũng chưa đến tay Thủ tướng”  

Luật Tổ chức Chính phủ: Đề nghị tăng tỷ lệ nữ trong Chính phủ
Luật Tổ chức Chính phủ: Đề nghị tăng tỷ lệ nữ trong Chính phủ

VOV.VN - Đại biểu Quốc hội Bùi Thị An đề nghị quy định tỷ lệ nữ trong thành phần Chính phủ ít nhất là 3%

Luật Tổ chức Chính phủ: Đề nghị tăng tỷ lệ nữ trong Chính phủ

Luật Tổ chức Chính phủ: Đề nghị tăng tỷ lệ nữ trong Chính phủ

VOV.VN - Đại biểu Quốc hội Bùi Thị An đề nghị quy định tỷ lệ nữ trong thành phần Chính phủ ít nhất là 3%