Nếu chọn ĐBQH yếu, việc đại diện cho dân sẽ rất hình thức!
VOV.VN - Ông Vũ Trọng Kim: Tìm đúng người để chọn mặt gửi vàng là rất quan trọng. Nếu chọn không đúng thì sau này việc đại diện cho dân sẽ rất hình thức.
Theo dự kiến, thời gian tổ chức các hội nghị tiếp xúc cử tri để người ứng cử vận động bầu cử được tiến hành từ ngày công bố danh sách chính thức những người ứng cử, ngày 27/4 và kết thúc trước thời điểm bắt đầu bỏ phiếu 24 giờ (trước 7h ngày 21/5).
Cử tri là người quyết định việc ứng cử viên ĐBQH có trở thành ĐBQH hay không. Vì thế sự lựa chọn, quyết định của cử tri có ý nghĩa rất lớn trong việc lựa chọn người đại diện cho mình. Ông Vũ Trọng Kim, nguyên Phó Chủ tịch-Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho rằng, cử tri gửi gắm, tin tưởng, trao trọng trách cho ĐBQH đại diện cho nhân dân để bàn các vấn đề pháp luật cũng như những quyết sách về kinh tế xã hội, các vấn đề quan trọng của đất nước. Vì thế, trong các cuộc tiếp xúc cử tri, vận động bầu cử, cử tri sẽ có rất nhiều câu hỏi và có nhiều trình bày nguyện vọng đối với người ứng cử ĐBQH. Nếu ứng cử viên ĐBQH không không trao đổi, trả lời, giải trình một cách trực tiếp, đầy đủ và thỏa đáng thì chắc chắn sẽ gặp khó khăn trong việc nhận được sự ủng hộ của cử tri.
Ông Vũ Trọng Kim, nguyên Phó Chủ tịch-Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam |
Ông Vũ Trọng Kim: Theo nguyên tắc chung thì giai đoạn này được vận động trực tiếp với cử tri bằng hình thức tiếp xúc ở những địa điểm mà MTTQ sẽ tổ chức Hội nghị tiếp xúc cử tri. Còn những hình thức khác phải thực hiện trên truyền hình và trên báo chí đúng theo quy định.
PV: Làm thế nào để mỗi ứng cử viên ĐBQH có điều kiện vận động bầu cử bình đẳng như nhau, thưa ông?
Ông Vũ Trọng Kim: Hiện nay về thời lượng rất công bằng, mỗi người đều được phát biểu trên truyền hình và báo chí như nhau. Thời gian ứng cử viên được tiếp xúc trực tiếp với cử tri, trao đổi cũng như nhau.
Tuy nhiên, cử tri quan tâm ứng cử viên ĐBQH nào nhiều hơn thì ứng viên đó sẽ trả lời nhiều hơn. Điều đó rất công bằng, công bằng với cử tri và công bằng với ứng cử viên, vì cử tri quan tâm nhiều đến ai thì người đó phải trả lời để thỏa mãn cử tri, còn ai cử tri thấy đủ rồi thì không hỏi nữa. Điều này không thể coi là không công bằng giữa câu hỏi và trả lời của cử tri và ứng cử viên.
Tìm hiểu đúng người để chọn mặt gửi vàng là rất quan trọng
PV: Thưa ông trong thực tế, nhiều cử tri chưa hiểu đúng và đủ quyền và nghĩa vụ của mình trong bầu cử. Theo ông MTTQ Việt Nam nên có sự quan tâm, hướng dẫn như thế nào để mỗi người dân thực hiện đúng quyền bầu cử của mình?
Ông Vũ Trọng Kim: Thực ra trong đợt bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND lần này được thực hiện từ cấp xã, huyện, tỉnh đến Trung ương. Chính vì thế cử tri tham gia gia bầu cử lần này phải có tìm hiểu lý lịch của ứng cử viên, khả năng hoạt động, phong cách ứng cử viên đó để tìm được người gần dân, sát dân, nhiệt tình và thể hiện đúng tinh thần là người đại diện cho tiếng nói của dân.
Tìm đúng người để chọn mặt gửi vàng là rất quan trọng. Nếu chọn không đúng thì sau này việc đại diện cho dân sẽ rất hình thức.
PV: Thưa ông, ông đã từng có các cuộc tiếp xúc với cử tri. Ông nhận xét gì về tính dân chủ, khách quan trong các cuộc tiếp xúc này?
Ông Vũ Trọng Kim: Khi tiếp xúc với bà con cử tri ở những khu dân cư vừa qua, người ta phát biểu rất thoải mái, nói rất thật về những ứng cử viên ở nơi cư trú. Họ nói về ứng cử viên một cách rất thẳng thắn, rất thật. Điều đó cũng cho thấy cử tri đang theo dõi các ứng cử viên đang sinh hoạt ở khu dân cư rất sát. Có nơi bảo đảm rồi thì cử tri biểu quyết không bỏ phiếu kín, chỉ dần giơ tay biểu quyết. Có nơi thì cử tri thấy cần thiết phải bỏ phiếu kín, vì họ thấy còn nhiều ý kiến khác nhau về ứng cử viên. Đó là không khí dân chủ.
PV: Ông có chia sẻ gì với truyền thông về sự khách quan, công tâm trong việc tuyên truyền về bầu cử lần này?
Ông Vũ Trọng Kim: Tôi nghĩ báo chí phản ánh rất trung thực, khách quan các vấn đề liên quan đến bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND lần này. Phải phản ánh sự thật và chỉ có phản ánh sự thật khách quan thì thương hiệu báo chí mới nhận được sự tin cậy của nhân dân. Và chỉ như vậy nhân dân mới gửi gắm niềm tin vào báo chí.
PV: Chúng ta cần có sự ứng xử như thế nào với luồng dư luận chưa thật công tâm, khách quan và có xu hướng phá hoại khi thông tin về bầu cử lần này, thưa ông?
Ông Vũ Trọng Kim: Những người đưa lên những tờ báo, blog hay những phương tiện thông tin những thông tin không khách quan vì người ta có những động cơ, mục đích nhất định, người ta không có sự đồng lòng, nhất trí với người dân để chung xây đất nước. Họ lợi dụng các cuộc bầu cử để phá hoại, thì ta nên coi đó cũng là chuyện bình thường. Vì trong đời sống xã hội có những chuyện này xảy ra.
Chúng ta cũng không nên quá bận tâm vì chuyện này, vì đây không phải tiếng nói chung của dân tộc, không phải là tiếng nói của những người đồng hành với chúng ta trong xây dựng Tổ quốc.
PV: Xin cảm ơn ông./.