Phải đảm bảo tự do tranh luận tại phiên tòa
VOV.VN -Nguyên tắc tranh tụng trong xét xử bảo đảm cho các bên đương sự được tự do đưa ra các chứng cứ, lập luận, lý lẽ...
Tự do tranh luận tại phiên tòa
Dự thảo Bộ luật tố tụng dân sự (BLTTDS) (sửa đổi) vừa trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến có tổng số 447 điều, trong đó giữ nguyên 233 điều, sửa đổi 177 điều, bổ sung 37 điều và bãi bỏ 10 điều so với BLTTDS hiện hành.
Về quy định bảo đảm nguyên tắc tranh tụng trong tố tụng dân sự, Báo cáo Thẩm tra do Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện trình bày cho rằng cần phải cụ thể hóa quy định của Hiến pháp năm 2013 và quy định của Luật tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014: “Nguyên tắc tranh tụng trong xét xử được bảo đảm”. Đồng thời, cần đổi mới việc tổ chức phiên tòa xét xử..., nâng cao chất lượng tranh tụng tại các phiên tòa xét xử, coi đây là khâu đột phá của hoạt động tố tụng dân sự.
Theo ông Hiện, nguyên tắc tranh tụng trong xét xử bảo đảm cho các bên đương sự được tự do đưa ra các chứng cứ, lập luận, lý lẽ nhằm chứng minh cho các yêu cầu của họ hoặc để bào chữa. Nguyên tắc này đòi hỏi mỗi bên đương sự phải được biết về tài liệu, chứng cứ của bên kia và được tự do tranh luận tại phiên tòa. Tất cả quyết định của Tòa án đều phải chủ yếu dựa trên những chứng cứ đã được đưa ra tranh luận công khai tại phiên tòa.
Vì vậy, dự thảo BLTTDS (sửa đổi) cần thể hiện rõ các điều kiện bảo đảm tranh tụng, tranh tụng cụ thể về việc gì, trình tự, thủ tục tranh tụng... trong giai đoạn xét xử sơ thẩm, phúc thẩm.
Công nhận kết quả hòa giải ngoài Tòa án
Đa số ý kiến trong cơ quan thẩm tra dự án luật tán thành với ý kiến của Cơ quan chủ trì soạn thảo luật hóa định hướng Nghị quyết số 49 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 về “Khuyến khích việc giải quyết một số tranh chấp thông qua thương lượng, hòa giải, trọng tài; Tòa án hỗ trợ bằng quyết định công nhận việc giải quyết đó”.
Việc thể chế hóa nội dung nêu trên của Nghị quyết nhằm bảo đảm làm tăng giá trị của việc hòa giải, khuyến khích việc tham gia hòa giải, giảm bớt vụ việc khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Hiện nhấn mạnh, dự thảo BLTTDS (sửa đổi) cần phải có quy định cụ thể làm rõ những loại kết quả hòa giải ngoài Tòa án nào được yêu cầu Tòa án công nhận; quy định chi tiết về trình tự, thủ tục công nhận kết quả hòa giải ngoài Tòa án.
Cũng có ý kiến trong Ủy ban Tư pháp cho rằng, việc hòa giải ngoài Tòa án được quy định tại các luật hiện hành như: Luật hòa giải ở cơ sở, Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Bộ luật lao động... Theo quy định của các luật này thì khi hòa giải thành các bên có trách nhiệm thực hiện thỏa thuận hòa giải thành. Trường hợp một bên không tự nguyện thực hiện thì bên kia có quyền khởi kiện ra Tòa án để yêu cầu giải quyết theo quy định của pháp luật.
Đồng tình với quy định công nhận kết quả hòa giải ngoài tòa án, Chủ nhiệm Ủy ban về Các vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai nêu ý kiến: “Quy định như vậy là công nhận hòa giải của UBND cấp xã. Nếu giải quyết được để giảm phiền hà cho người dân thì Tòa án nhân dân tối cao nên xem xét”.
Đề nghị bỏ quy định về nộp lệ phí giám đốc thẩm
Báo cáo Thẩm tra không đồng ý quy định đương sự có đơn đề nghị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật phải nộp lệ phí.
Theo ông Nguyễn Văn Hiện, dự thảo BLTTDS (sửa đổi) đã quy định khi tham gia tố tụng đương sự có quyền đề nghị người có thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật. Đơn đề nghị giám đốc thẩm của đương sự là nguồn quan trọng giúp người có thẩm quyền kháng nghị giám đốc thẩm xem xét, kiểm tra lại các bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật. Việc quy định đương sự có đơn đề nghị giám đốc thẩm phải nộp lệ phí sẽ hạn chế quyền của đương sự.
Bên cạnh đó, dự thảo luật quy định phân biệt trình tự giải quyết đơn có nộp lệ phí và đơn không nộp lệ phí là khác nhau dẫn đến sự phân biệt đối xử giữa các đương sự khi có nộp lệ phí và khi không nộp lệ phí. Vì vậy, đề nghị bỏ quy định về nộp lệ phí giám đốc thẩm.
Tuy nhiên, để khắc phục cơ bản tình trạng đơn đề nghị giám đốc thẩm tràn lan và quá tải trong giải quyết dẫn đến tồn đọng quá nhiều đơn như hiện nay, UBTP đề nghị trong dự thảo cần xác định rõ bản chất của đơn đề nghị giám đốc thẩm không phải đơn khiếu nại và có cơ chế giải quyết phù hợp. Đồng thời, đề nghị nghiên cứu có thể quy định án phí giám đốc thẩm, tái thẩm đối với trường hợp Tòa án có tổ chức xét xử giám đốc thẩm hoặc xét xử tái thẩm./.