Sau chất vấn, nhiều Bộ trưởng “loay hoay” chưa giải quyết được vấn đề
VOV.VN - Đó là trường hợp của ngành giáo dục, cứ loay hoay giữa việc thi đại học với thi phổ thông nhập vào hay tách ra...
Theo chương trình làm việc, hôm nay (24/6), Quốc hội khóa XIII tiến hành bế mạc kỳ họp thứ 7. Trước khi bế mạc, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn.
Về nội dung này, bên lề kỳ họp Quốc hội, VOV.VN phỏng vấn ông Nguyễn Đức Kiên – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội.
Theo ông Nguyễn Đức Kiên, giống như các kỳ họp trước, hoạt động chất vấn đã thể hiện được những nội dung nổi cộm, nhức nhối của đời sống, được cử tri quan tâm. “Trong hoạt động chất vấn, cá nhân tôi cho rằng, cần nhìn nhận ở cách tổ chức thực hiện lời hứa của bộ trưởng, trưởng ngành chứ không nên chỉ tập trung nhìn kỹ vào cách trả lời lưu loát hay không lưu loát, hùng biện hay không hùng biện trên diễn đàn. Tôi đánh giá ở cách thức các vị trưởng ngành thực hiện lời hứa như thế nào, cách thức tổ chức thực hiện nhiệm vụ ở ngành, lĩnh vực được phụ trách của các vị bộ trưởng, trưởng ngành như thế nào” – ông Nguyễn Đức Kiên nói.
Ông Nguyễn Đức Kiên dẫn chứng, đối với ngành Giao thông Vận tải, họ luôn cập nhật phản ánh của xã hội trong việc thực hiện quản lý nhà nước. Năm đầu tiên của Bộ trưởng, họ chọn về chất lượng công trình, trong quá trình triển khai. Bên cạnh vấn đề về bản thân nội bộ ngành giao thông, họ cũng phát hiện ra vấn đề là xe quá tải. Tiếp đó, họ phối hợp với Bộ Công an chấn chỉnh xe quá tải, đưa xe về đúng tải trọng cho phép lưu thông, kéo giá cước vận tải về đúng bản chất của nó. Khi đó, đưa về đúng với quy luật chung của thế giới là giá vận tải đường bộ cao nhất, giá vận tải đường sắt, đường biển rẻ nhất và hiệu quả nhất trên tuyến đường dài. Khi phát hiện như vậy thì ngành giao thông lại tập trung chấn chỉnh đường sắt vì đường sắt đang là khâu yếu nhất của giao thông nước ta hiện nay. Có thể thấy, khi họ bắt tay giải quyết một vấn đề, phát hiện ra vấn đề khác họ lại đứng ra xử lý chứ không buông xuôi.
Hay như ở ngành ngân hàng, theo ông Nguyễn Đức Kiên, chúng ta tranh luận nhau rất nhiều về chọn loại vàng nào. Nhưng cho đến nay cho thấy việc chọn vàng SJC làm vàng miếng là tương đối phù hợp.
Cùng với đó, ông Nguyễn Đức Kiên cũng thẳng thắn nêu ra những dẫn chứng làm nhưng không thành công như trường hợp của ngành giáo dục. Bộ trưởng Giáo dục-Đào tạo cứ loay hoay giữa việc thi đại học với thi phổ thông nhập vào hay tách ra. Thi tốt nghiệp lúc thì 6 môn, lúc thì 4 môn, lúc thì hai môn bắt buộc, 2 môn tự chọn... Ngành vẫn đang lúng túng trong việc chọn phương án tối ưu để giải quyết vấn đề. Rồi đưa ra các khái niệm khó hiểu như các trường đại học chuẩn quốc tế, vậy chuẩn quốc tế nào? “Có thể thấy ngành vẫn loay hoay giữa mong muốn giải quyết sự việc. Thực tế khẳng định, khả năng giải quyết sự việc của các bộ trưởng là khác nhau” – ông Nguyễn Đức Kiên nói.
Trong báo cáo giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự thảo Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 7, nhiều ý kiến đề nghị Nghị quyết cần nêu những tồn tại, hạn chế trong quá trình thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về chất vấn và trả lời chất vấn đối với Chính phủ, các Bộ, ngành. Uỷ ban thường vụ Quốc hội nhận thấy, Chính phủ, các Bộ, ngành đã có nhiều giải pháp tích cực, quyết liệt trong việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về chất vấn và trả lời chất vấn và đạt được những kết quả đáng ghi nhận, tạo được chuyển biến nhất định trong các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội đất nước. Còn ý kiến khác đề nghị, nên có một điểm nói về trách nhiệm của Chính phủ trong hoạt động chỉ đạo điều hành; cải cách hành chính, kỷ luật, kỷ cương; bảo vệ chủ quyền, đầu tư cho ngư dân…
Đối với ngành Giáo dục, một số ý kiến đề nghị cần có nội dung nhấn mạnh trách nhiệm, giải pháp của Bộ Giáo dục và Đào tạo trong việc khắc phục những bất cập về tình trạng thất nghiệp của sinh viên mới ra trường do đào tạo vượt xa so với nhu cầu, chất lượng chưa đảm bảo. Ủy ban thường vụ Quốc hội cho rằng, đây là vấn đề được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm, cần được Chính phủ, các Bộ, ngành liên quan có giải pháp tích cực hơn nữa để khắc phục trong thời gian tới. Bên cạnh giải pháp tổng thể về giáo dục, cần chú trọng để tạo sự chuyển biến về vấn đề này./.