Tổ chức cơ quan điều tra hình sự: Tránh phình to bộ máy
VOV.VN- Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng: “Cần quán triệt quan điểm của Đảng không mở rộng tổ chức, sắp xếp gọn hơn, tinh nhuệ hơn, tránh lộng quyền”.
Dự án Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự vừa được trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến được đánh giá là rất quan trọng, thể chế hóa quan điểm chủ trương trong Nghị quyết của Đảng, cụ thể hóa nguyên tắc tư pháp trong Hiến pháp 2013, trên cơ sở tổng kết các pháp lệnh trước đây nhằm khắc phục hạn chế của pháp luật hiện hành.
Các ý kiến trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhìn chung đánh giá cao sự chuẩn bị công phu của cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra. Tuy vậy, nhiều quy định trong dự thảo luật còn khiến các đại biểu băn khoăn, nhất là việc bổ sung nhiệm vụ, hình thành tổ chức, chức danh dễ làm bộ máy cồng kềnh.
Băn khoăn về mô hình tổ chức cơ quan điều tra
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện, mô hình tổ chức Cơ quan điều tra quy định trong dự thảo Luật về cơ bản được giữ như mô hình tổ chức Cơ quan điều tra hiện hành, có bổ sung một số cơ quan điều tra ở các cấp và cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra.
Nhiều ý kiến của Thường trực Ủy ban Tư pháp cho rằng, mô hình tổ chức tổ chức Cơ quan điều tra hiện nay theo Pháp lệnh tổ chức điều tra hình sự năm 2004 có một số điểm hạn chế. Đó là không tách bạch được chức năng điều tra theo tố tụng với chức năng điều tra trinh sát, giữa điều tra theo tố tụng với chức năng phòng ngừa xử lý vi phạm hành chính, dễ dẫn đến việc thực hiện trùng lắp các chức năng trong quá trình thực thi nhiệm vụ; ngoài ra, còn có thể dẫn đến việc điều tra, xử lý vụ việc một cách khép kín, thiếu khách quan.
Có kiến cho rằng, mô hình tổ chức Cơ quan điều tra hiện nay còn có sự phân công không hợp lý giữa các cơ quan điều tra các cấp. Theo định hướng cải cách tư pháp của Đảng thì Tòa án nhân dân cấp huyện được tăng thẩm quyền xét xử các tội có mức hình phạt đến 15 năm tù thì đáng lẽ thẩm quyền của Cơ quan điều tra cấp huyện phải được tăng cường. Tuy nhiên, dự thảo Luật chưa thể hiện được yêu cầu nêu trên mà vẫn quy định theo hướng Cơ quan điều tra của Bộ và Cơ quan điều tra cấp tỉnh vẫn điều tra một số tội phạm thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án cấp huyện, điều này là chưa thật hợp lý.
Cũng có ý kiến băn khoăn với mô hình kết hợp trinh sát và điều tra hiện nay thì dự thảo Luật cần làm rõ bộ phận trinh sát có thuộc cơ quan điều tra hay không; nếu có thì quy định ở đâu và vai trò của bộ phận này như thế nào trong hoạt động điều tra hình sự.
Phó Trưởng ban Nội chính Trung ương Nguyễn Doãn Khánh cho rằng dự án luật có sự chuẩn bị công phu, nhưng chiếu theo mục tiêu lớn về cải cách tư pháp thì chưa đạt yêu cầu cao. Điều đó thể hiện ở các hạn chế về sắp xếp nội bộ để tinh giảm, đổi mới tổ chức cơ quan điều tra với cơ cấu yêu cầu công việc...
Chủ tịch Hội đồng dân tộc Ksor Phước đề nghị cân nhắc để tránh chồng chéo giữa các cơ quan: “Quá nhiều lực lượng có khi lại buông lỏng, nên chăng quy định sự phối hợp. Cần nghe ý kiến đại biểu Quốc hội, tràn lan cơ quan điều tra rồi biên chế phình ra”.
Phải đảm bảo không phình tổ chức
Ông Nguyễn Văn Hiện cho biết, theo quy định tại dự thảo Luật thì ở cấp Bộ đã bổ sung Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về buôn lậu; đổi tên Văn phòng cơ quan cảnh sát điều tra thành Cục Cảnh sát quản lý, kiểm tra, hướng dẫn điều tra; ở cấp tỉnh đã bổ sung Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về buôn lậu; đổi tên Văn phòng Cơ quan cảnh sát điều tra thành Phòng Cảnh sát quản lý, kiểm tra, hướng dẫn điều tra; ở cấp huyện đã bổ sung Đội điều tra tổng hợp và không rõ có còn duy trì bộ máy giúp việc Cơ quan Cảnh sát điều tra hay không.
Bên cạnh đó, tội buôn lậu thuộc nhóm tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, thuộc thẩm quyền điều tra của Cục cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ và Phòng cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ. Do đó, Thường trực Ủy ban Tư pháp thấy không cần thiết thành lập thêm Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về buôn lậu (ở cấp bộ) và Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về buôn lậu (ở cấp tỉnh).
Khoản 4 Điều 13 của dự thảo Luật quy định về thẩm quyền của Bộ trưởng Bộ Công an trong việc quyết định thành lập các cục trong Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an, các phòng trong Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an cấp tỉnh, các đội trong Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an cấp huyện.
“Điều này không phù hợp với nguyên tắc tổ chức điều tra hình sự, đó là “chỉ cơ quan, người có thẩm quyền quy định trong Luật này mới được tiến hành điều tra các vụ án hình sự”, ông Hiện nói.
Về bổ sung quy định Trợ lý điều tra trong dự thảo Luật, các ý kiến trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội không đồng tình.
Theo một số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Tư pháp, các thẩm quyền tố tụng trong giai đoạn điều tra phải được giao cho Điều tra viên và Điều tra viên phải chịu trách nhiệm về quyết định của mình, còn Trợ lý điều tra không phải là chức danh tố tụng nên không có thẩm quyền trong hoạt động điều tra. Hơn nữa, bổ sung chức danh Trợ lý điều tra làm tăng biên chế và gây tốn kém cho ngân sách nhà nước.
Khoản 1 Điều 35 của dự thảo Luật bổ sung quy định Cục cảnh sát phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Phòng cảnh sát, phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao là cơ quan khác của lực lượng cảnh sát trong Công an nhân dân được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra. Theo Chủ nhiệm Nguyễn Văn Hiện, đây là vấn đề mới nhưng trong Tờ trình, Bản thuyết minh không lý giải tại sao lại bổ sung các cơ quan này.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp Luật Phan Trung Lý lưu ý việc xây dựng dự án Luật này phải thực hiện được các yêu cầu trong Kết luận 92 của Bộ Chính trị, trong đó có giữ nguyên hệ thống tổ chức lực lượng điều tra chuyên trách, đồng thời sắp xếp tinh gọn đầu mối trong từng cơ quan, bảo đảm hiệu quả, không chồng chéo nhiệm vụ.
Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng cũng nhấn mạnh: “Cần quán triệt quan điểm của Đảng là không mở rộng tổ chức mà phải sắp xếp gọn hơn, tinh nhuệ hơn; đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân; không lợi dụng, lộng quyền. Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự phải bảo đảm theo tinh thần Hiến pháp 2013”./.