Triển khai thực hiện các Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn
VOV.VN-Các Nghị quyết của Quốc hội về chất vấn và trả lời chất vấn, tập trung vào một số lĩnh vực: Nông nghiệp-nông thôn, tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước.
Báo Điện tử VOV trân trọng giới thiệu toàn văn Báo cáo việc triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về chất vấn và trả lời chất vấn do Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trình bày tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIII, ngày 17/11/2014.
Thưa các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam,
Thưa các vị đại biểu Quốc hội,
Thưa đồng bào, cử tri cả nước,
Thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về chất vấn và trả lời chất vấn, Thủ tướng Chính phủ và từng thành viên Chính phủ đã nghiêm túc chấp hành, khẩn trương cụ thể hóa thành các cơ chế, chính sách và tổ chức thực hiện gắn với việc triển khai đồng bộ các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội và đến nay đã đạt được những kết quả tích cực.
Tại kỳ họp thứ 6, Chính phủ đã báo cáo việc thực hiện các Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn của các kỳ họp thứ 3, 4, 5. Tại kỳ họp này, Chính phủ đã gửi các vị đại biểu Quốc hội các báo cáo liên quan; các Bộ, ngành cũng đã gửi báo cáo kết quả cụ thể việc thực hiện các nội dung chất vấn và trả lời chất vấn tại các kỳ họp của Quốc hội.
Hôm nay, theo sự phân công của đồng chí Thủ tướng, thay mặt Chính phủ tôi xin báo cáo việc thực hiện Nghị quyết số 69/2013/QH13 và Nghị quyết số 75/2014/QH13 của Quốc hội về chất vấn và trả lời chất vấn, tập trung vào một số lĩnh vực sau:
I. LĨNH VỰC NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
1. Về huy động nguồn lực phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân
Thực hiện các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, trong những năm qua Chính phủ luôn quan tâm bố trí ngân sách nhà nước và thực hiện nhiều giải pháp tăng cường huy động nguồn lực cho phát triển nông nghiệp, nông thôn. Tập trung đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, nhất là các công trình trọng yếu về giao thông, thủy lợi, đê sông, đê biển, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất, nâng cao năng lực phòng chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu. Ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ nông dân và khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, phát triển công nghiệp chế biến, thu hút nhiều lao động, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động nông thôn.
Các chương trình xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn nông thôn tiếp tục được ưu tiên bố trí, huy động nguồn lực và tích cực triển khai thực hiện. Năm 2014, tổng vốn đầu tư của Nhà nước cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn tăng khoảng 4,2%; tín dụng tính đến hết tháng 10 tăng 8,2%[2]. Giá trị sản xuất nông nghiệp tăng 3,5%. Bộ mặt nông thôn có nhiều đổi mới; đời sống vật chất và tinh thần của người dân được cải thiện. Dự kiến đến cuối năm sẽ có khoảng 790 xã đạt chuẩn nông thôn mới (19 tiêu chí), chiếm 8,8%[3]. Tỷ lệ hộ nghèo nông thôn giảm từ 17,4% năm 2010 xuống còn 14,4% năm 2012 và 12,7% năm 2013. Tỷ lệ dân số nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh năm 2014 ước đạt 84%, tăng 2% so với năm 2013.
2. Về tái cơ cấu, nâng cao chất lượng sản phẩm, hiệu quả sản xuất nông nghiệp và bảo vệ, phát triển rừng
Tiếp tục thực hiện Đề án tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới; đã ban hành và tích cực triển khai các đề án tái cơ cấu đối với 6 lĩnh vực chủ yếu, gồm: Trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp, thủy sản, thủy lợi, chế biến nông lâm thủy sản. Đồng thời, ban hành 6 kế hoạch chuyên đề hỗ trợ tái cơ cấu, gồm: Đổi mới cơ chế, chính sách và pháp luật; đổi mới, phát triển các hình thức hợp tác; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; đổi mới cơ cấu, cơ chế, nâng cao hiệu quả đầu tư công; thúc đẩy nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ; kiện toàn tổ chức bộ máy hành chính và tổ chức sự nghiệp công lập. Đã rà soát quy hoạch và xây dựng phương án chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi cho phù hợp với lợi thế của địa phương và nhu cầu thị trường. Phát triển sản xuất lúa dưới hình thức hợp tác liên kết, cánh đồng lớn ở 43 địa phương với trên 120 nghìn ha; chuyển đổi gần 90 nghìn ha đất trồng lúa sang trồng mầu hiệu quả cao hơn; phát triển đàn bò sữa hơn 200 nghìn con. Ban hành các chính sách hỗ trợ chăn nuôi nông hộ theo hướng an toàn, bền vững. Chủ động phòng chống dịch bệnh, kiểm soát dịch cúm gia cầm, lở mồm long móng, tai xanh, bảo đảm an toàn thực phẩm.
Triển khai thực hiện 4 nhiệm vụ trọng tâm của lĩnh vực lâm nghiệp là: Nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị rừng trồng sản xuất; Nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm gỗ qua chế biến; Phát triển thị trường gỗ và sản phẩm gỗ; Phát triển kinh tế hợp tác và liên kết theo chuỗi giá trị sản phẩm lâm nghiệp. Rà soát quy hoạch rừng, duy trì hợp lý diện tích rừng phòng hộ đầu nguồn, rừng đặc dụng, phát triển và khai thác có hiệu quả, bền vững rừng nguyên liệu tập trung. Tăng cường bảo vệ rừng, vùng sinh quyển gắn với phát triển du lịch. Tập trung thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng rừng kinh tế, trồng rừng gỗ lớn. Phấn đấu đến năm 2017 có 235.000 ha rừng sản xuất có thể khai thác sản phẩm.
Thực hiện quy hoạch tổng thể phát triển thủy sản; tăng nhanh tỷ trọng sản phẩm chủ lực, sản phẩm chế biến có giá trị gia tăng cao. Tập trung chuyển dịch cơ cấu khai thác, nuôi trồng và bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Đẩy mạnh khai thác xa bờ gắn với bảo đảm quốc phòng an ninh. Tổ chức lại hệ thống dịch vụ hậu cần nghề cá, xây dựng và phát triển các mô hình liên kết, liên doanh, từng bước hình thành các trung tâm nghề cá lớn gắn với các ngư trường trọng điểm. Tiếp tục rà soát việc thực hiện quy hoạch hệ thống cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão. Triển khai thí điểm tổ chức khai thác, thu mua, chế biến, tiêu thụ cá ngừ theo chuỗi. Củng cố tổ chức, nâng cao hiệu quả hoạt động của lực lượng Kiểm ngư. Đã ban hành và triển khai thực hiện các Nghị định về nuôi, chế biến, xuất khẩu sản phẩm cá tra và về một số chính sách phát triển thủy sản. Tăng cường phòng chống dịch bệnh trong nuôi trồng thủy sản.
Tiếp tục thực hiện tái cơ cấu lĩnh vực thủy lợi; rà soát quy hoạch, điều chỉnh các chương trình an toàn hồ chứa, đê sông, đê biển. Nghiên cứu, xây dựng các mô hình áp dụng tiến bộ kỹ thuật, nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác hệ thống công trình thủy lợi. Phát triển thủy lợi phục vụ nuôi trồng thủy sản, tưới cho cây trồng cạn. Hoàn thiện cơ chế chính sách và nâng cao năng lực phòng chống thiên tai.
3. Về hoàn thiện chính sách ưu đãi đối với doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn và hỗ trợ nông dân, ngư dân, di dân tái định cư
Đã ban hành và triển khai các cơ chế, chính sách, quy định mới về khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn. Thực hiện các chính sách hỗ trợ: Lãi suất vay vốn trong thu mua lúa gạo tạm trữ; giảm tổn thất trong nông nghiệp; khai thác, nuôi trồng hải sản và dịch vụ hậu cần trên các vùng biển xa; tín dụng đối với người nuôi tôm và cá tra gặp khó khăn; giống cây trồng để chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng mầu tại vùng đồng bằng sông Cửu Long và nâng cao hiệu quả chăn nuôi nông hộ giai đoạn 2015 – 2020.
Thực hiện có hiệu quả Chương trình bố trí dân cư các vùng bị thiên tai, vùng đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo, di cư tự do, khu rừng đặc dụng. Điều chỉnh bổ sung Quy hoạch tổng thể di dân, tái định cư các dự án thủy điện Sơn La, Huội Quảng, Bản Chát. Rà soát quy hoạch chi tiết các khu, điểm tái định cư; hoàn thiện chính sách và đẩy nhanh tiến độ bồi thường, hỗ trợ tái định cư. Xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu và di dân ra khỏi vùng lòng hồ các dự án thủy điện, trong đó có Thủy điện Lai Châu.
4. Về quản lý vật tư nông nghiệp và an toàn thực phẩm
Tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách, pháp luật, đẩy mạnh thông tin truyền thông, phối hợp chặt chẽ trong quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp và an toàn thực phẩm. Quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ và kiểm dịch thực vật; tăng cường kiểm tra, thanh tra. Đã ban hành 123 Quy chuẩn kỹ thuật, 200 tiêu chuẩn Việt Nam và đang xây dựng 117 quy chuẩn kỹ thuật, 194 tiêu chuẩn Việt Nam liên quan đến vật tư nông nghiệp.
Đổi mới phương thức quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp. Chỉ đạo thực hiện xây dựng mô hình điểm chuỗi thực phẩm nông lâm thủy sản an toàn tại các địa phương. Đến nay, 61/63 tỉnh, thành phố đã thành lập Chi cục quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản; một số Chi cục đã thành lập đơn vị cung ứng dịch vụ kiểm nghiệm và tư vấn về chất lượng vật tư nông nghiệp, an toàn thực phẩm. Hệ thống thanh tra chuyên ngành được thành lập và đi vào hoạt động ở hầu hết các địa phương.
5. Về bảo đảm an toàn hồ, đập thủy lợi
Chỉ đạo rà soát, đánh giá hiện trạng các hồ chứa nước; trong số 6.648 hồ chứa nước thủy lợi dung tích từ 50 nghìn m3 trở lên, có tới 1.150 hồ bị hư hỏng, xuống cấp, trong đó có 320 hồ cần đặc biệt quan tâm trong mùa mưa lũ. Năm 2013 - 2014 tập trung sửa chữa, nâng cấp 93 hồ xuống cấp nặng nhất; đồng thời đã lập danh mục, xác định kinh phí đối với 163 hồ cần sửa chữa, nâng cấp cấp bách và có kế hoạch sửa chữa, nâng cấp đối với các hồ còn lại. Đã phê duyệt quy trình vận hành liên hồ chứa đối với 11/11 lưu vực sông.
II. LĨNH VỰC NỘI VỤ
1. Về rà soát, đánh giá và chấn chỉnh tổ chức bộ máy, biên chế
Đã tổng kết thực hiện và soạn thảo, trình Quốc hội các dự án Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Xây dựng Đề án mô hình chính quyền địa phương, báo cáo Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng.
Cơ bản hoàn thành việc rà soát, điều chỉnh, ban hành quy định chức năng, nhiệm vụ của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Tổng cục và cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện[6].
Thực hiện các Kết luận Trung ương và Nghị quyết của Quốc hội về đổi mới, hoàn thiện hệ thống chính trị, cải cách tiền lương. Đã phê duyệt tổng biên chế trong các cơ quan hành chính nhà nước, cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài năm 2014 trên nguyên tắc giữ ổn định biên chế công chức đến năm 2016. Xây dựng, trình Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đề án tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.
2. Về quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức; cải cách chế độ công vụ, công chức và xử lý tiêu cực
Đã ban hành 18 Nghị định, 13 Thông tư quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức.
Việc cải cách chế độ công vụ, công chức được tích cực triển khai; đã thành lập Ban Chỉ đạo ở các Bộ, ngành, địa phương; phấn đấu đến năm 2015 phê duyệt đề án vị trí việc làm của 70% các cơ quan, đơn vị. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và tiếp tục thực hiện việc thi tuyển, thi nâng ngạch công chức theo nguyên tắc cạnh tranh. Thí điểm thi tuyển công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý.
Tinh giản biên chế, bảo đảm tuyển dụng mới không quá 50% số công chức ra khỏi biên chế; 50% số biên chế còn lại bổ sung cho lĩnh vực cần tăng. Sớm ban hành Nghị định về chính sách tinh giản biên chế.
Triển khai thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh phòng, chống tiêu cực trong quản lý công chức, viên chức và thi đua khen thưởng. Tiếp tục hoàn thiện quy định về tiêu chuẩn chức danh lãnh đạo, quản lý; đánh giá, quy hoạch, luân chuyển, bổ nhiệm cán bộ, công chức và người quản lý trong doanh nghiệp nhà nước; đề cao trách nhiệm người đứng đầu.
3. Về tiền lương, phụ cấp công vụ và chính sách đối với cán bộ, công chức là người dân tộc thiểu số
Từ năm 2011 đến nay đã 3 lần điều chỉnh tăng mức lương cơ sở và 2 lần tăng phụ cấp công vụ với mức điều chỉnh cao hơn tốc độ tăng giá. Tại kỳ họp này, Chính phủ đã trình Quốc hội thông qua việc điều chỉnh tăng 8% đối với lương hưu, trợ cấp ưu đãi người có công và tiền lương đối với cán bộ công chức, viên chức, lực lượng vũ trang có thu nhập thấp (hệ số lương từ 2,34 trở xuống) từ ngày 01 tháng 01 năm 2015.
Đã thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội và ưu đãi người có công. Chỉ đạo xây dựng Đề án cải cách chính sách tiền lương đến năm 2020. Tuy nhiên, do khó khăn trong việc bố trí nguồn để thực hiện nên Chính phủ sẽ tiếp tục hoàn thiện và trình Đề án vào thời điểm thích hợp.
Xây dựng Đề án phát triển đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số thực hiện Chiến lược công tác dân tộc đến năm 2020. Quan tâm thực hiện chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức là người dân tộc thiểu số. Ưu tiên tuyển dụng và phân công công tác phù hợp đối với người dân tộc thiểu số.
4. Về cải cách thủ tục hành chính và thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông
Ban hành các quy định, cơ chế chính sách tháo gỡ vướng mắc, khó khăn, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nhất là đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong các lĩnh vực thuế, hải quan, bảo hiểm xã hội, đất đai, xây dựng, thành lập, giải thể, phá sản doanh nghiệp, thủ tục đầu tư, tiếp cận điện năng...
Đã đơn giản hóa gần 4.100/4.700 thủ tục hành chính; cập nhập trên 112 nghìn hồ sơ thủ tục hành chính và gần 11 nghìn hồ sơ văn bản liên quan vào Cơ sở dữ liệu quốc gia. Triển khai thực hiện Đề án liên thông các thủ tục hành chính đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú, cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 6 tuổi.
Thực hiện Nghị định số 37/2014/NĐ-CP, Văn phòng Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân cấp huyện đã trực tiếp quản lý và chỉ đạo hoạt động của Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông.
III. LĨNH VỰC THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG
1.Về phát huy vai trò của các cơ quan báo chí, tạo điều kiện để nhân dân theo dõi, giám sát hoạt động của các cơ quan nhà nước
Thực hiện nhiều giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động, phát huy vai trò của báo chí. Chỉ đạo thực hiện nghiêm quy định về phát ngôn, cung cấp thông tin chính xác, kịp thời. Tăng cường phổ biến chính sách pháp luật, thông tin truyền thông về Hiến pháp, hoạt động của Đảng, Nhà nước và những sự kiện quan trọng của đất nước, về gương người tốt việc tốt, điển hình tiên tiến. Đấu tranh với các luận điệu xuyên tạc, sai trái, tham nhũng, lãng phí và tệ nạn xã hội.
2. Về tăng cường quản lý nhà nước trong lĩnh vực báo chí
Tiếp tục hoàn thiện và triển khai thực hiện các quy định pháp luật về quản lý nhà nước trong lĩnh vực báo chí, tạo điều kiện cho báo chí phát triển lành mạnh. Đề cao vai trò, trách nhiệm của cơ quan chủ quản, cơ quan báo chí, nhất là người đứng đầu và phóng viên, biên tập viên. Chú trọng nâng cao nhận thức, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, giáo dục về đạo đức nghề nghiệp. Tăng cường kiểm tra, thanh tra; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật, lợi dụng quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Trong 10 tháng, đã xử phạt vi phạm hành chính đối với 34 cơ quan báo chí. Chấn chỉnh các hoạt động quảng cáo và cung cấp trò chơi điện tử trên mạng. Khẩn trương xây dựng Luật Báo chí (sửa đổi), Luật Tiếp cận thông tin. Xây dựng, trình Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đề án quy hoạch báo chí toàn quốc đến năm 2020.
3. Về tăng cường công tác bảo đảm an ninh, an toàn thông tinmạng
Kiện toàn cơ quan quản lý nhà nước, thành lập các Cục về bảo đảm an ninh, an toàn thông tin mạng tại một số Bộ, ngành chức năng. Triển khai hệ thống giám sát mạng Internet quốc gia để cảnh báo và điều phối ứng cứu sự cố mạng trong nước. Trong 9 tháng, đã kịp thời phát hiện, khắc phục gần 7.300 trường hợp các cổng, trang thông tin điện tử đặt tại Việt Nam bị tấn công. Triển khai Đề án đào tạo phát triển nguồn nhân lực an toàn, an ninh thông tin và chỉ đạo xây dựng Đề án nâng cao năng lực quản lý thông tin trên Internet. Tăng cường nâng cao nhận thức của xã hội, người dân về bảo đảm an toàn thông tin. Nghiên cứu, xây dựng dự án Luật An toàn thông tin.
4. Về rà soát quy hoạch tổng thể hạ tầng viễn thông
Tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý, ban hành các quy hoạch về hạ tầng, tài nguyên và quản lý, phát triển thị trường viễn thông. Thực hiện Quy hoạch phát triển hạ tầng viễn thông đến năm 2020. Xây dựng tiêu chuẩn kỹ thuật phát triển hệ thống viễn thông; chỉ đạo khẩn trương ban hành Chương trình cung cấp dịch vụ viễn thông công ích và Chương trình phát triển hạ tầng viễn thông băng rộng. Tập trung đầu tư xây dựng và mở rộng các tuyến cáp quang biển quốc tế, khai thác vệ tinh Vinasat 1 và Vinasat 2, mở rộng vùng phủ sóng và nâng cao chất lượng mạng 3G. Phê duyệt và triển khai các đề án tái cơ cấu tập đoàn, tổng công ty viễn thông. Nhiều doanh nghiệp viễn thông đã xúc tiến và mở rộng đầu tư ra nước ngoài, trong đó Viettel đã thiết lập mạng và phát triển thuê bao cung cấp dịch vụ tại nhiều quốc gia.
5. Về quản lý nội dung thông tin trên mạng và tăng cường kiểm tra, hạn chế SIM rác, tin nhắn rác
Chỉ đạo rà soát, hoàn thiện quy định pháp luật, tăng cường quản lý nhà nước đối với thông tin mạng. Thiết lập hệ thống quản lý, tăng cường kiểm tra, thanh tra, phối hợp giữa các cơ quan chức năng, ngăn chặn thông tin không lành mạnh, sai trái, độc hại ảnh hưởng xấu đến thuần phong, mỹ tục, đạo đức, lối sống và xử lý nghiêm các vi phạm. Trong 10 tháng, đã xử phạt 17 doanh nghiệp phát tán tin nhắn rác.
IV. LĨNH VỰC TÀI CHÍNH
1.Về bảo đảm an toàn nợ công, nợ Chính phủ
Thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ đã chỉ đạo thực hiện nhiều giải pháp tăng cường quản lý, nâng cao hiệu quả sử dụng, bảo đảm an toàn nợ công, nợ Chính phủ theo quy định của Luật Quản lý nợ công. Đến cuối năm 2013, nợ công bằng 54,2% GDP, nợ Chính phủ 42,3% GDP; dự kiến cuối năm 2014 nợ công khoảng 60,3% GDP, nợ Chính phủ 46,9% GDP, nằm trong giới hạn cho phép theo quy định[9].
Thời gian tới, Chính phủ tiếp tục chỉ đạo quản lý chặt chẽ nợ công; tăng cường kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn vay. Cơ cấu lại nợ công theo hướng tăng tỷ lệ vay trong nước với thời hạn dài hơn, lãi suất thấp hơn[10]. Kiểm soát chặt chẽ việc trả nợ đối với các khoản vay được Chính phủ bảo lãnh và thu nợ đối với các khoản vay về cho vay lại. Bố trí nguồn từ ngân sách nhà nước trong giới hạn theo quy định và sử dụng Quỹ tích lũy trả nợ để bảo đảm trả nợ đúng hạn[11]. Tiếp tục hoàn thiện thể chế, tăng cường quản lý nợ công gắn với đổi mới cơ cấu ngân sách nhà nước theo hướng lành mạnh, tích cực. Phấn đấu đến năm 2020 nợ công khoảng 60,2% GDP, nợ Chính phủ khoảng 46,6% GDP, bảo đảm trong giới hạn an toàn cho phép theo quy định.
2. Về tăng cường quản lý thu, chi ngân sách nhà nước; đẩy mạnh cải cách hành chính trong lĩnh vực tài chính, nhất là thuế, hải quan
Chính phủ đã chỉ đạo tăng cường quản lý thu ngân sách, phát hiện, ngăn ngừa và xử lý gian lận thương mại, trốn thuế, nợ thuế, chiếm đoạt tiền hoàn thuế giá trị gia tăng, chuyển giá[12]. Đẩy mạnh cải cách, đơn giản hóa các thủ tục hành chính thuế, hải quan, tăng cường công tác kê khai thuế qua mạng Internet, nộp thuế qua hệ thống ngân hàng, đẩy mạnh tự động hóa quy trình tiếp nhận giải quyết hồ sơ, thủ tục hành chính thuế; triển khai cơ chế một cửa quốc gia tại cảng biển quốc tế và tham gia cơ chế một cửa ASEAN. Ngay trong năm 2014 giảm thời gian nộp thuế khoảng 290 giờ/năm; phấn đấu đến năm 2015 thời gian thông quan giảm xuống còn 14 ngày đối với hàng xuất khẩu, 13 ngày đối với hàng nhập khẩu. Nâng cao phẩm chất, năng lực; thực hiện nghiêm kỷ luật, kỷ cương đối với đội ngũ cán bộ, công chức trong các cơ quan thuế, hải quan.
Thực hiện đúng chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi ngân sách nhà nước; rà soát, quản lý chặt chẽ các khoản chi; cắt giảm tối đa các khoản chi tổ chức lễ hội, hội nghị, đi công tác trong và ngoài nước...Kiểm soát chặt chẽ chi thường xuyên và chi đầu tư, thanh toán vốn đối với các dự án đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước và trái phiếu Chính phủ. Bảo đảm tiến độ thực hiện các nhiệm vụ chi theo dự toán. Bố trí nguồn thực hiện các nhiệm vụ an sinh xã hội, phòng chống thiên tai, dịch bệnh, quốc phòng an ninh và trả nợ đầy đủ, đúng hạn. Sử dụng toàn bộ bội chi ngân sách nhà nước cho đầu tư phát triển.
3. Về triển khai Luật Giá và quản lý giá cả, thị trường
Đã ban hành các nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Giá. Tăng cường phổ biến và triển khai thực hiện pháp luật, xử lý nghiêm vi phạm. Thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp quản lý giá cả, thị trường, bảo đảm cân đối cung cầu và bình ổn giá các mặt hàng thiết yếu. Tiếp tục thực hiện giá thị trường đối với các mặt hàng xăng dầu, than, điện, nước, dịch vụ y tế, giáo dục...; có chính sách hỗ trợ phù hợp cho đối tượng chính sách, hộ nghèo. Quản lý chặt chẽ giá các mặt hàng sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi, đấu thầu giá thuốc chữa bệnh; liên tục giảm giá xăng dầu theo thị trường thế giới.
4. Về tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước
Tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý, thực hiện đồng bộ các giải pháp tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, tập trung vào cổ phần hóa, thoái vốn đầu tư ngoài ngành, nâng cao năng lực quản trị và hiệu quả sản xuất kinh doanh. Trong 10 tháng, đã tái cơ cấu được 119 doanh nghiệp, trong đó cổ phần hóa 100 doanh nghiệp. Đã thoái vốn được trên 3,5 nghìn tỷ đồng, gấp hơn 3,6 lần so với năm 2013. Tăng cường công khai minh bạch tình hình tài chính và kết quả hoạt động. Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước và quản lý của chủ sở hữu. Doanh nghiệp nhà nước tập trung vào những ngành, lĩnh vực then chốt, thiết yếu và quốc phòng an ninh. Quản lý chặt chẽ Quỹ hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp, sử dụng đúng mục đích theo quy định. Hầu hết các tập đoàn, tổng công ty nhà nước làm ăn có lãi, vốn chủ sở hữu được bảo toàn và phát triển, đóng góp vào ngân sách nhà nước tăng. Thời gian tới, Chính phủ chỉ đạo tiếp tục hoàn thiện thể chế, đẩy mạnh tái cơ cấu, tập trung vào cổ phần hóa, thoái vốn ngoài ngành, nâng cao năng lực quản trị, hiệu quả hoạt động; tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát hoạt động của doanh nghiệp nhà nước và kịp thời xử lý những vấn đề phát sinh. Phấn đấu đến cuối năm 2015 hoàn thành kế hoạch cổ phần hóa 432 doanh nghiệp.
V. LĨNH VỰC GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
1. Triển khai Chương trình hành động của Chính phủ về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo
Triển khai thực hiện Chương trình hành động của Chính phủ và thành lập Ủy ban quốc gia về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Tiếp tục hoàn thiện hệ thống giáo dục đào tạo. Xây dựng Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, trình Quốc hội tại kỳ họp này. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, dạy và học. Đổi mới công tác thi, kiểm tra, đánh giá, nhất là đối với kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông quốc gia và tuyển sinh cao đẳng, đại học. Tăng cường công tác đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng giáo viên. Nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục.
2. Về tuyển sinh, đào tạo phù hợp với yêu cầu của thị trường lao động; chấn chỉnh tình trạng mở trường đại học và tuyển sinh tràn lan
Tiếp tục rà soát điều chỉnh và tổ chức lại mạng lưới trường đại học, cao đẳng đến năm 2020 phù hợp với quy hoạch phát triển nguồn nhân lực cả nước, vùng và địa phương. Đổi mới công tác xây dựng chương trình đào tạo với sự tham gia của nhà quản lý, người sử dụng lao động; xây dựng và công bố chuẩn đầu ra từng ngành đào tạo. Bảo đảm sự phối hợp giữa nhà trường và doanh nghiệp; chú trọng hướng nghiệp, tư vấn lựa chọn ngành nghề cho học sinh.
Kiểm soát chặt chẽ việc nâng cấp, thành lập trường đại học, trường cao đẳng và mở ngành đào tạo mới; chú trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo gắn với thị trường lao động. Thực hiện nghiêm công tác hậu kiểm đối với các cơ sở đào tạo. Tăng cường kiểm tra giám sát việc xây dựng và đầu tư cơ sở vật chất, phát triển đội ngũ giảng viên.
Đổi mới chương trình đào tạo trung cấp chuyên nghiệp, trung cấp nghề, cao đẳng nghề. Triển khai thực hiện các đề án đào tạo, bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý dạy nghề; đào tạo thí điểm các nghề trọng điểm cấp độ ASEAN và quốc tế giai đoạn 2012 - 2015, phát triển trường nghề chất lượng cao đến năm 2020. Tổ chức thành công thi tay nghề ASEAN 2014.
VI. LĨNH VỰC QUẢN LÝ CỦA BỘ TƯ PHÁP
1. Về triển khai thi hành Hiến pháp
Đã chỉ đạo tăng cường tuyên truyền, phổ biến Hiến pháp 2013; tổ chức Lễ hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam năm 2014 và phát động cuộc thi viết tìm hiểu Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Rà soát, lập danh mục các văn bản quy phạm pháp luật cần bãi bỏ, sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới. Tập trung xây dựng các dự án luật, pháp lệnh phục vụ triển khai thi hành Hiến pháp 2013, bảo đảm tiến độ, chất lượng. Chính phủ đã tổ chức các phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật; thành lập Hội đồng tư vấn thẩm định các dự án luật, pháp lệnh.
2. Về công tác xây dựng luật, pháp lệnh và ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành; tăng cường thẩm định, kiểm tra việc thi hành văn bản quy phạm pháp luật
Đã xây dựng, trình Quốc hội các dự án luật, pháp lệnh theo Chương trình năm 2014 và 2015, trong đó có dự án Luật Ban hành văn bản pháp luật. Công tác xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh đã có chuyển biến rõ nét, giảm đáng kể tình trạng nợ đọng văn bản.
Công tác thẩm định văn bản quy phạm pháp luật ngày càng được chú trọng, bảo đảm tiến độ, chất lượng, gắn kết chặt chẽ giữa các khâu trong quá trình soạn thảo, góp ý, thẩm định, kết hợp với kiểm soát thủ tục hành chính, phát huy vai trò phản biện xã hội thông qua hội đồng tư vấn.
Công tác kiểm tra văn bản được thực hiện thường xuyên hơn; đã hình thành cơ chế theo dõi, phát hiện, xử lý và kiến nghị hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật.
3. Về công tác thi hành án dân sự
Chính phủ phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của Quốc hội trong việc tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự, trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp này.
Năm 2014 công tác thi hành án dân sự đã có chuyển biến tích cực; kết quả số vụ và số tiền được thi hành án cao hơn năm 2013, vượt chỉ tiêu Quốc hội giao về số vụ việc. Quan tâm chỉ đạo việc ra quyết định thi hành án và phân loại án dân sự. Tập trung chấn chỉnh và xử lý thiếu sót, vi phạm trong thi hành án dân sự.
Bộ máy, tổ chức hệ thống cơ quan thi hành án dân sự tiếp tục được kiện toàn. Chú trọng xây dựng, bồi dưỡng, giáo dục đội ngũ công chức thi hành án dân sự, nâng cao phẩm chất, năng lực chuyên môn nghiệp vụ, tăng cường kỷ luật kỷ cương; xử lý nghiêm cán bộ thi hành án vi phạm pháp luật.
VII. LĨNH VỰC THANH TRA
1.Về giải quyết khiếu nại, tố cáo và tiếp công dân
Tập trung chỉ đạo công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo. Tổ chức các hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai Chỉ thị số 35/CT-TW của Bộ Chính trị, Luật Tiếp công dân và đôn đốc, chỉ đạo xử lý các vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, tồn đọng, kéo dài. Chỉ đạo người đứng đầu các Bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm túc việc tiếp công dân, tổ chức đối thoại công khai và thực hiện đồng bộ các giải pháp để giải quyết dứt điểm các vụ việc.
Các Bộ, ngành, địa phương đã ban hành kế hoạch và thành lập các đoàn thanh tra, tổ công tác để giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo. Tại nhiều địa phương, các cấp chính quyền với sự lãnh đạo trực tiếp của cấp ủy đảng, sự vào cuộc quyết liệt của Đoàn Đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể và Đoàn Luật sư đã tạo chuyển biến tích cực trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo. Đến nay đã giải quyết 500/528 vụ việc tồn đọng, phức tạp, kéo dài, đạt tỷ lệ 94,7%. Thanh tra Chính phủ đã ban hành kế hoạch tiếp tục giải quyết các vụ việc tồn đọng, phức tạp khác; các Bộ, ngành, địa phương đã kiểm tra, rà soát 532 vụ việc, trong đó có 241 vụ việc đủ điều kiện chấm dứt thụ lý.
Đã ban hành Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Tiếp công dân. Tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo. Thành lập Ban Tiếp công dân Trung ương và chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương thành lập, kiện toàn Ban Tiếp công dân theo quy định. Hầu hết lãnh đạo Bộ, ngành, địa phương đã trực tiếp đối thoại, giải quyết khiếu nại của công dân. Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Tổng Thanh tra Chính phủ và Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ về các địa phương nơi xảy ra vụ việc nhằm giảm tập trung khiếu kiện về Hà Nội và nâng cao hiệu quả công tác tiếp công dân.
2. Về công tác phòng, chống tham nhũng
Tiếp tục hoàn thiện thể chế về phòng, chống tham nhũng; chỉ đạo xây dựng Đề án kiểm soát thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn. Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật về phòng, chống tham nhũng; thực hiện Chỉ thị của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với việc kê khai và kiểm soát kê khai tài sản. Đã ban hành và triển khai thực hiện quy định trách nhiệm giải trình của cơ quan nhà nước, chương trình Sáng kiến phòng, chống tham nhũng trong ngành thanh tra và công khai kết luận thanh tra. Đã xử lý nghiêm các vụ án tham nhũng, nhất là các vụ nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm. Tăng cường phối hợp với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong phòng, chống tham nhũng và giải quyết khiếu nại, tố cáo. Đẩy mạnh hợp tác quốc tế về phòng, chống tham nhũng.
3. Về công tác thanh tra và xây dựng ngành thanh tra
Tập trung chỉ đạo công tác thanh tra và xử lý sau thanh tra, nhất là những lĩnh vực liên quan đến ngân sách nhà nước, tài sản công. Đã triển khai trên 5.500 cuộc thanh tra hành chính, trên 132 nghìn cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành; phát hiện vi phạm về kinh tế gần 28 nghìn tỷ đồng, kiến nghị thu hồi về ngân sách nhà nước trên 13 nghìn tỷ đồng; kiến nghị xử lý kỷ luật hành chính đối với 873 tập thể và trên 1.500 cá nhân, chuyển cơ quan điều tra xử lý 34 vụ việc.
Tiếp tục kiện toàn bộ máy, tăng cường đào tạo, nâng cao năng lực, trình độ, phẩm chất của cán bộ, công chức và chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương trong toàn ngành thanh tra. Triển khai thí điểm thi tuyển lãnh đạo cấp phòng tại các đơn vị sự nghiệp trực thuộc. Ban hành quy định hướng dẫn cơ cấu tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Thanh tra cấp tỉnh và cấp huyện. Nghiên cứu xây dựng Chiến lược phát triển ngành thanh tra đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035.
Kính thưa Quốc hội,
Trên đây là báo cáo tổng hợp của Chính phủ về tình hình thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về chất vấn và trả lời chất vấn. Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo tổ chức thực hiện, có những việc đã đạt kết quả bước đầu và cũng có nhiều việc còn chưa đạt yêu cầu. Việc thu hút đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn còn hạn chế, tiêu thụ nông sản còn khó khăn. Quản lý giá cả và chất lượng vật tư nông nghiệp còn bất cập. Tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số còn cao. Cải cách hành chính chưa theo kịp yêu cầu phát triển, nhất là việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; kỷ luật, kỷ cương nhiều nơi chưa nghiêm; hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trên một số lĩnh vực chưa cao. Công tác quản lý thông tin truyền thông có mặt còn hạn chế, chưa bảo đảm tốt an ninh, an toàn mạng. Bội chi ngân sách còn cao; nợ công đã tăng sát trần cho phép, áp lực trả nợ lớn trong ngắn hạn; cơ cấu ngân sách chưa lành mạnh. Chất lượng giáo dục đại học và dạy nghề còn nhiều hạn chế; giải quyết việc làm cho sinh viên tốt nghiệp và thanh niên nông thôn còn khó khăn. Công tác xây dựng thể chế còn chậm, một số quy định chưa phù hợp, thiếu tính khả thi. Tình trạng khiếu nại tố cáo còn phức tạp. Công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí vẫn chưa đạt yêu cầu đề ra.
Thời gian tới, Chính phủ tập trung chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương phát huy kết quả đạt được, nỗ lực khắc phục những hạn chế, yếu kém, tiếp tục thực hiện có hiệu quả các Nghị quyết của Quốc hội, phấn đấu thực hiện thành công các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Chính phủ trân trọng tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, cử tri cả nước và rất mong nhận được sự ủng hộ, giám sát của Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể nhân dân và đồng chí, đồng bào.
Xin trân trọng cảm ơn Quốc hội, đồng chí, đồng bào./.