Sơn La bàn phương án, lộ trình đầu tư trụ sở cấp xã mới
VOV.VN - Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn, Kỳ họp thứ 11, HĐND tỉnh Sơn La khoá XV, nhiệm kỳ 2021-2026 diễn ra chiều 16/7, các đại biểu đã bàn thảo, đưa ra giải pháp và lộ trình quản lý, sắp xếp, xây dựng mới các trụ sở làm việc cho cán bộ, công chức cấp xã ở địa phương.
Thực hiện Nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội, tỉnh Sơn La từ 200 đơn vị hành chính cấp xã được sắp xếp thành 75 xã, phường. Mỗi đơn vị cấp xã mới của Sơn La bình quân có 60 biên chế trở lên; trong đó một phần là điều động cán bộ, công chức từ cấp tỉnh, cấp huyện đến công tác ở xã mới.
Tuy nhiên, các trụ sở hiện tại đang sử dụng được thiết kế theo tiêu chuẩn chỉ phù hợp cho khoảng 20 biên chế và chưa có nhà ở công vụ.

Đại biểu Lò Thị Giang, tổ đại biểu số 10, HĐND tỉnh Sơn La đã chất vấn về phương án và lộ trình tổng thể để bố trí, sắp xếp lại các trụ sở làm việc, nhà công vụ đảm bảo đúng các quy định, không thất thoát, lãng phí, bỏ trống hoặc sử dụng sai mục đích.
Trả lời chất vấn, ông Đặng Ngọc Hậu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La cho biết, tỉnh đã bố trí 192 cơ sở nhà, đất, làm trụ sở làm việc cho xã, phường mới (bao gồm 75 cơ sở làm trụ sở chính, 117 cơ sở nhà đất làm trụ sở tiếp công dân). Các trụ sở dôi dư cũng đã được rà soát, bàn giao, chuyển đổi công năng...
Địa phương xây dựng lộ trình bố trí, sắp xếp, xây dựng mới các trụ sở làm việc, đảm bảo theo tiêu chuẩn định mức, đáp ứng số lượng biên chế thực tế đã tăng lên. Trong đó, 63/75 xã, phường của tỉnh Sơn La có trụ sở làm việc chưa đáp ứng tiêu chuẩn, định mức.

Nhóm 1, với trụ sở còn mới và có trụ sở dôi dư trong địa bàn, đảm bảo diện tích và đáp ứng nhu cầu biên chế thì địa phương sẽ lập phương án cải tạo, nâng cấp công trình sẵn có; hoàn thành việc rà soát, đề xuất và phê duyệt phương án đầu tư trong năm 2026.
Nhóm 2 là các trụ sở đã xuống cấp, không đảm bảo công năng, vị trí, phải đề xuất chủ trương đầu tư, đưa vào kế hoạch, cân đối nguồn vốn thực hiện giai đoạn 2026 – 2027.
Còn với nhóm 3 - cần xây dựng trụ sở tại địa điểm mới, sẽ tổ chức rà soát, đề xuất địa điểm đầu tư, báo cáo cấp có thẩm quyền, đưa vào kế hoạch đầu tư công và thực hiện trong giai đoạn 2026-2028.
UBND tỉnh Sơn La giao Sở Tài chính chủ trì, tổng hợp nhu cầu đầu tư của các địa phương, đưa vào kế hoạch đầu tư công trung hạn, xác định cơ cấu nguồn vốn phù hợp khả năng cân đối ngân sách; giao Sở Xây dựng hướng dẫn kỹ thuật và thẩm định thiết kế theo đúng quy định.
Việc đầu tư xây dựng, sửa chữa trụ sở các xã, phường sẽ sử dụng tổng hợp các nguồn vốn, gồm ngân sách địa phương, nguồn vốn đầu tư công trung hạn, vốn hỗ trợ có mục tiêu từ Trung ương...

Tại phiên chất vấn, ông Nguyễn Thái Hưng, Chủ tịch HĐND tỉnh Sơn La nêu thêm một số nhiệm vụ đề nghị UBND tỉnh và các sở, ngành quan tâm: Cần tập trung rà soát lại các khu chức năng theo quy hoạch của đơn vị hành chính cấp xã mới.
Liên quan đến khả năng cân đối ngân sách, trước mắt, theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, sẽ bố trí một khoản kinh phí nhất định để giải quyết các vấn đề khi hình thành khu trung tâm mới, như nhu cầu ăn, ở, sinh hoạt, làm việc... của cán bộ, công chức xã; về lâu dài sẽ đưa vào kế hoạch đầu tư trung hạn và hằng năm.

Phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 11, HĐND tỉnh Sơn La còn đề cập các nhóm vấn đề "nóng" khác được cử tri và nhân dân quan tâm, như công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, buôn lậu, gian lận thương mại; Giải pháp quản lý, vận hành khu liên hợp trung tâm thể dục - thể thao; việc khan hiếm cục bộ nguồn vật liệu xây dựng (gạch, đá, cát …) và giá cả tăng cao.