Tấn công mạng là mối đe dọa lớn đối với thế giới
VOV.VN -Việc thu thập thông tin tình báo vì mục đích gây bất ổn kinh tế, chính trị và xã hội là một trong những vấn đề có thể dẫn tới chiến tranh mạng.
Hôm nay (30/3), tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia (Hà Nội), trong khuôn khổ Đại hội đồng Liên minh Nghị viện thế giới lần thứ 132 (IPU-132), Uỷ ban Thường trực về Hoà bình và An ninh quốc tế tiếp tục thảo luận phiên họp thứ 3 nhằm hoàn thiện Dự thảo Nghị quyết về Chiến tranh mạng - mối đe doạ nghiêm trọng đối với hoà bình và an ninh thế giới.
Các đại biểu dự IPU-132 chụp ảnh lưu niệm
Tại phiên họp, các đại biểu thống nhất cao về sự cần thiết trong việc hoàn thiện một công ước quốc tế về mạng Internet, nhằm ngăn chặn các thế lực khủng bố có thể sử dụng Internet để thực hiện tội ác của mình, đặc biệt là quyên góp nguồn tiền cho các hoạt động khủng bố, cũng như chiêu mộ và đầu độc cộng đồng bằng những ý tưởng bạo lực.
Ông Saif Alsamahi, đoàn đại biểu các Tiểu vương quốc Arập Thống nhất, nhấn mạnh mối liên kết giữa chiến tranh mạng và các nhóm khủng bố đang đe dọa thế giới. Các nhóm này đang sử dụng không gian mạng để triển khai các hoạt động toàn cầu. Đây là một mối đe dọa lớn đối với cộng đồng quốc tế trong bối cảnh hiện nay.
Đại diện đoàn Việt Nam cho rằng: Nghị quyết cần đề xuất thêm nhiều giải pháp, tập trung vào việc đảm bảo “an ninh thông tin” cũng như “những tác động nghiêm trọng của những hoạt động làm bất ổn không gian mạng lên những lĩnh vực khác của xã hội toàn cầu” và có thể “khơi mào cho một loại hình xung đột mới”.
Ông Vũ Xuân Hồng, Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam, nhấn mạnh việc lợi dụng công nghệ thông tin để gây bất ổn thế giới và đề nghị bổ sung điều này có thể vi phạm quyền con người và quyền công dân. Ngoài ra, việc thu thập thông tin tình báo vì mục đích gây bất ổn kinh tế, chính trị và xã hội là một trong những vấn đề có thể dẫn tới chiến tranh mạng cũng cần được bổ sung vào Dự thảo Nghị quyết.
Ông Alberto Bentacourt, đoàn đại biểu Cuba cho biết: “Các vụ tấn công mạng là mối đe dọa lớn đối với thế giới, đòi hỏi sự đoàn kết của các nước ở nhiều cấp độ từ Nghị viện đến Chính phủ các nước. Từ đó, chúng ta mới có thể củng cố việc sử dụng không gian mạng một cách hòa bình".
Căn cứ tình hình thực tế tại các nước, một số ý kiến cho rằng: Dự thảo Nghị quyết cũng cần một chiến lược hành động trong lĩnh vực giáo dục và các tổ chức cộng động, để nâng cao nhận thức của người dân. Từ đó thúc đẩy họ tham gia các hoạt động chống tội phạm mạng. Có như vậy, Nghị quyết Chiến tranh mạng - mối đe dọa nghiêm trọng đối với hòa bình và an ninh thế giới mà IPU sẽ đề xuất lên Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc, sẽ đóng góp cho một công ước quốc tế về chống tội phạm công nghệ cao và ngăn chặn chiến tranh mạng.
Dự kiến dự thảo Nghị quyết này sẽ được Ủy ban Thường trực về Hòa bình và An ninh quốc tế thông qua vào ngày 31/3./.