Tham nhũng vặt như thực phẩm bẩn, làm hại cả đất nước
PGS.TS Đặng Ngọc Dinh: Tham nhũng bây giờ cũng như thực phẩm bẩn, đang ngấm ngầm làm hại cả đất nước, khiến chúng ta không tiến lên được.
PGS.TS Đặng Ngọc Dinh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu phát triển hỗ trợ cộng đồng (cơ quan nghiên cứu Chỉ số PAPI hàng năm) cho rằng, tham nhũng bây giờ cũng như thực phẩm bẩn, đang ngấm ngầm làm hại cả đất nước, khiến chúng ta không tiến lên được.
Ông Dinh nói: Tham nhũng, đặc biệt là tham nhũng vặt đang ảnh hưởng tiêu cực đến đạo đức trong xã hội, mang tính phổ quát, thành một thứ “tập quán” xấu ở Việt Nam. Tuy nhiên, hiện nay người ta vẫn nhởn nhơ, thờ ơ với sự có mặt của nó vì nó không làm hại ngay.
PGS.TS Đặng Ngọc Dinh |
Cản trở phát triển
PV: Thưa ông, mức độ tham nhũng của Việt Nam hiện nay đang như thế nào nếu so sánh với các nước trên thế giới?
Thế giới hiện nay đã xây dựng được một bộ thước đo về cảm nhận tham nhũng. Hằng năm đều tiến hành đánh giá ở tất cả các quốc gia cho thấy không có nước nào đạt điểm tối đa, tức là hoàn toàn không có tham nhũng. Nhưng cũng không có nước nào được 0 điểm, tức là hoàn toàn chỉ có tham nhũng, tham nhũng ở tất cả mọi nơi.
Một số nước Bắc Âu như Na Uy, Đan Mạch… luôn đạt ở vị trí cao nhất, khoảng 9,8/10 điểm còn Việt Nam của chúng ta luôn loanh quanh ở mức 3/10 điểm của thế giới. Khi điểm thấp thì chắc chắn có vụ việc tham nhũng lớn, còn khi điểm cao thì có thể có vụ việc tham nhũng lớn nhưng hầu như không có tham nhũng vặt, tham nhũng tràn lan.
Tuy nhiên, chúng ta không nên dựa vào câu chuyện “nước nào cũng có tham nhũng” để biện minh cho việc tham nhũng tại Việt Nam. Các nước người ta cũng có tham nhũng nhưng điểm số của người ta được 8-9 điểm, trong khi anh chỉ có 3 điểm thì không thể so sánh với nhau được.
PV: Tham nhũng vặt và những vụ việc tham nhũng lớn thì cái nào nguy hại cho đất nước hơn, thưa ông?
Nếu mà ảnh hưởng trực tiếp, gây nên những xiêu vẹo về kinh tế, nợ công… thì các vụ việc lớn rất nguy hại. Nhưng về tính phát triển của xã hội thì tham nhũng vặt hiện đang cản trở quản trị hành chính công theo hướng hiện đại. Theo nhiều chuyên gia thì việc không kiểm soát, ngăn chặn được tham nhũng vặt sẽ khiến nước ta không thể vượt qua khỏi cái bẫy thu nhập trung bình.
PV: Các công cụ của nhà nước đang dùng để ngăn chặn, hạn chế tham nhũng hiện nay đã đủ mạnh và mang tính toàn diện hay chưa, thưa ông?
Hiện nay có loại công cụ “phòng” và công cụ “chống” tham nhũng. Các công cụ để trừng trị tham nhũng hiện nay của ta cũng rất tốt nhưng nếu không thay đổi một nguyên lý, thay đổi một phương thức vận hành mà tạo ra một xã hội sợ hãi sẽ làm thui chột ý tưởng, không làm ra của cải nữa. Bởi suy cho cùng thì làm sao kiểm soát hết được hành vi tham nhũng?
Giải pháp là phải thay đổi từ nguyên tắc quản trị, hay nói cách khác là xây dựng một hệ thống công cụ “phòng” tham nhũng một cách hữu hiệu, đồng bộ, tức là phải tạo nên một xã hội, một bộ máy quản lý nhà nước có khả năng ngăn ngừa tham nhũng. Giống như người ta nói là đập chuột thì vỡ bình nhưng quan trọng hơn là phải tạo ra một cái nhà không có chuột, tức là ta phải nhử mồi, bẫy chuột, bịt hết các lỗ để không cho chuột vào…
Chống tham nhũng, tiêu cực có thể sử dụng lực lượng công an, cảnh sát nhưng phòng phải có cả xã hội. Muốn phòng tốt phải đổi mới thể chế kinh tế, thể chế xã hội chứ không phải chỉ là việc ra cái luật này, luật kia.
Ngăn vào công chức chỉ để làm giàu
PV: Ông đánh giá thế nào về tình trạng nhiều lãnh đạo cơ quan nhà nước trước khi nghỉ hưu đã ký hàng loạt quyết định bổ nhiệm, luân chuyển cán bộ trong ngành. Phải chăng có vấn đề tham nhũng trong đó?
Theo tôi, nhức nhối nhất hiện nay là hiện tượng lợi dụng tình trạng quen thân hoặc dùng tiền để đưa con cháu vào công chức làm việc. Vô hình trung, tình trạng này đang tạo ra một chế độ công quyền theo “kiểu tham nhũng”. Tức là ta đang dùng một nguồn để tạo ra công chức một cách không lành mạnh, công chức đó sẽ tác động không lành mạnh trở lại.
Trở lại câu hỏi của phóng viên, đứng trên nền tảng để phân tích, hiện tượng đó không có gì lạ vì nói một cách dân dã, có đầu tư thì phải thu lại, rồi đã có chức quyền thì phải sử dụng cho hết. Tuy nhiên về mặt xã hội có hai điểm, một là dư luận xã hội sẽ cho rằng người đó không có đạo đức. Anh đã khá như thế rồi, có nhà cửa, đất đai như thế mà vẫn làm cái việc đấy là không ổn. Về mặt pháp lý, họ có quyền làm như thế, khi ra tòa họ vẫn đầy đủ căn cứ: Cái này của con dâu, cái này của cháu ngoại, cái này của cháu nội, rồi đầy đủ quy trình theo đúng quy định…
PV: Có quan điểm, để giảm tham nhũng vặt có thể dùng các quy chuẩn đạo đức công vụ?
Nếu muốn giảm hiện tượng này đừng nên chỉ kêu gọi về đạo đức không, và cũng chỉ được một vài ông thấy ngượng, thấy nhục, còn lại khó lắm. Cho nên phải quay lại vấn đề cốt lõi là phải xây dựng một nền quản trị không sinh ra được cái kiểu như thế.
Một chuyên gia ở Đan Mạch sang Việt Nam nói rằng, vào công chức ở Việt Nam có một động cơ là để làm giàu chứ không chỉ có động cơ là cống hiến, muốn đóng góp cho xã hội.
Công chức ở các nước không được kinh doanh bởi có thể nó liên quan đến việc “tự động” sẽ có những sự ưu ái. Bản thân đa số người dân hiện nay đang tư duy rằng, việc vào công chức bây giờ không chỉ vì quyền lực chính trị mà còn ra tiền tài.
PV: Ông có kỳ vọng thế nào vào khả năng kiểm soát, hạn chế tham nhũng trong nhiệm kỳ mới này?
Nhiệm kỳ mới có cái hay là những người mới lên thì bao giờ cũng phải “nhìn ngó”, họ không bị “nhờn” bởi cái cũ. Giống như đối với một đội bóng, người ta sẽ phải thay huấn luyện viên nếu không đáp ứng được kỳ vọng của người hâm mộ. Nhưng không hẳn cứ thay huấn luyện viên sẽ đẩy được thứ hạng lên ngay lập tức được mà phải thay đổi từ trong bản chất của đội bóng, triết lý của đội bóng, tức là xây dựng từ gốc.
Với đa số trong nội các lần này đều là những nhà lãnh đạo trẻ, họ có những kiến thức tốt hơn và phản ứng tốt hơn. Thứ nữa là thời đại đã thay đổi theo xu thế nền hành chính quản trị mới, không còn cái kiểu quan chức là phải đứng trên dân. Quan chức bây giờ phải đứng giữa để cung ứng các dịch vụ cho dân, dân bây giờ là khách hàng, được tôn trọng.
PV: Xin cảm ơn ông./.