Thanh Hóa cần đổi mới phương thức thu hút đầu tư
(VOV)-Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Thanh Hóa cần tính toán cơ chế, chính sách thuận lợi để thu hút đầu tư theo hướng nâng cao chất lượng.
Chiều 26/1, tại thành phố Thanh Hóa, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng đoàn công tác Chính phủ đã có buổi làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Thanh Hóa về tình hình triển khai nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội cũng như định hướng phát triển một số lĩnh vực quan trọng của địa phương.
Mặc dù năm 2012 là một năm gặp nhiều khó khăn nhưng theo báo cáo của tỉnh Thanh Hóa, địa phương này vẫn duy trì được tăng trưởng kinh tế trên 10%. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch đúng hướng. tổng sản lượng lương thực trong năm qua đạt gần 1,7 triệu tấn, cao nhất từ trước đến nay. Thu nhập bình quân đầu người ở Thanh Hóa cũng tăng lên và vượt ngưỡng 1.000 USD. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh tăng 20 bậc so với năm 2010. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội có bước tiến bộ, trong đó tỷ lệ hộ nghèo giảm trên 3%...
Vấn đề nổi lên của Thanh Hóa là thu ngân sách mới chỉ đáp ứng được khoảng 1/3 nhu cầu chi; số doanh nghiệp phá sản, ngừng hoạt trong năm qua tăng tới 31%; tình trạng khai thác, buôn bán, vận chuyển khoáng sản trái phép còn diễn ra ở một số nơi; tỷ lệ hộ nghèo còn tới hơn 17 %...
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng làm việc với lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa (Ảnh: Chinhphu.vn) |
Trên cơ sở lắng nghe các ý kiến tại buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng biểu dương đánh giá cao nỗ lực và kết quả mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Thanh Hóa đạt được trong năm qua, nhất là cả 3 khu vực công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ đều tăng trưởng gắn với giải quyết khá tốt các vấn đề xã hội, đảm bảo an ninh, trật tự.
Bày tỏ đồng tình với các chỉ tiêu kinh tế-xã hội chủ yếu mà Thanh Hóa đã đề ra trong năm nay, Thủ tướng yêu cầu Thanh Hóa cần phát huy hơn nữa lợi thế để phát triển nhanh hơn, mà trước hết là khai thác hạ tầng giao thông cả đường bộ, đường biển và hàng không; phát triển viễn thông; khai thác giá trị sản lượng điện rất lớn cũng như khai thác xi măng, đường, lọc hóa dầu... Lãnh đạo địa phương phải năng động, tính toán cơ chế, chính sách, thủ tục thuận lợi để thu hút đầu tư theo hướng nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng và sức cạnh tranh mới có thể đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế.
Thủ tướng nhấn mạnh như vậy và yêu cầu lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa tập trung rà soát tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp liên quan đến cơ cấu lại nợ, xử lý hàng tồn kho, nhất là đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động... Thủ tướng đặc biệt lưu ý lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa dồn sức chăm lo phát triên nông nghiệp, nông thôn và nông dân, nhất là các huyện vùng sâu, vùng xa.
Với đặc thù dân số đứng thứ 3 cả nước, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lưu ý tỉnh Thanh Hóa tiếp tục tập trung đầu tư phát triển giáo dục, đào tạo, y tế, xóa đói giảm nghèo gắn với giải quyết việc làm.
Về công tác phục vụ Tết Nguyên Đán Quý Tỵ, Thủ tướng yêu cầu tỉnh Thanh Hóa phải đảm bảo cung ứng đủ hàng hóa thiết yếu, không để sốt hàng, sốt giá; chăm lo đối tượng chính sách, người nghèo và đồng bào các dân tộc; tăng cường công tác đấu tranh phòng chống tội phạm, sử dụng pháo nổ và quyết liệt kiểm soát tai nạn giao thông ...
Tại buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng các bộ, ngành Trung ương đã định hướng giải quyết một số kiến nghị của tỉnh Thanh Hóa liên quan đến lựa chọn tư vấn nước ngoài lập điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội; mở rộng Khu kinh tế Nghi Sơn lên 45.000 ha; hỗ trợ vốn triển khai dự án nạo vét luồng tàu ra vào cảng Nghi Sơn, xây dựng tuyến đường từ Khu kinh tế Nghi Sơn đi sân bay Thọ Xuân và một số dự án giao thông, thủy lợi quan trọng khác cũng như hỗ trợ xúc tiến đầu tư, thu hút các dự án công nghiệp phụ trợ, công nghiệp sau lọc hóa dầu vào Khu kinh tế Nghi Sơn…
Cũng trong chiều 26/1, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đến thăm Chi nhánh Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam tại Thanh Hóa. Thủ tướng đề nghị ngành ngân hàng nói chung và ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam chủ động triển khai tích cực, hiệu quả các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; tập trung rà soát, cơ cấu lại nợ, đưa tín dụng vào thúc đẩy sản xuất, kinh doanh và tạo việc làm. Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam chi nhánh Thanh Hóa tiếp tục làm tốt hơn công tác hỗ trợ giảm nghèo, phát triển cơ sở hạ tầng vùng sâu, vùng xa, góp phần thực hiện tốt mục tiêu an sinh và phúc lợi xã hội tại địa phương./.