Thành phố Hồ Chí Minh đi lên từ những kinh nghiệm đắt giá về công tác cán bộ
VOV.VN - Nguyên tắc tập trung dân chủ trên thực tế đã bị một số cá nhân có chức có quyền chi phối, thậm chí tới mức làm tê liệt cấp ủy và mất sức chiến đấu.
Thời gian qua, một bộ phận cán bộ, đảng viên ở TP.HCM bị xử lý kỷ luật Đảng, bị truy tố xét xử không chỉ do bị suy thoái về đạo đức, tư tưởng chính trị mà còn do cấp ủy đảng ở cơ sở mờ nhạt vai trò.
Cho đến bây giờ, khi nhắc lại “câu chuyện Thủ Thiêm”, bà Nguyễn Thị Kim Phượng (ngụ ở phường Bình An, quận 2) vẫn tấm tức khóc. Suốt 10 năm, sau 3 lần bị cưỡng chế vì bị cho là nằm trong quy hoạch của dự án Đô thị mới Thủ Thiêm, gia sản của bà giờ chỉ còn một cái chòi rộng chừng 20m2. 10 năm khiếu kiện, giờ chỉ còn lại một mình bà Phượng thui thủi, con cái đi thuê nhà ở. Bà vừa phải lo bươn chải kiếm sống vừa tiếp tục khiếu kiện, với quyết tâm đòi bằng được “lẽ công bằng”.
Bà Nguyễn Thị Kim Phượng nói trong nước mắt: "Khi chính quyền thực hiện cưỡng chế, thu hồi đất đều không có quyết định thu hồi. Sau khi thu hồi cũng không có phương án tái định cư, không có phương án bồi thường. Việc làm này không phải là "giết" mỗi mình tôi, mà còn "giết" bao nhiêu thế hệ trong gia đình".
Bà Trần Thị Mỹ (77 tuổi, ngụ tại phường An Khánh, Quận 2), được nhiều người dân ví như “cuốn sử sống” trong hành trình đi tìm công lý của người dân Thủ Thiêm. Trước đây, 3 thế hệ gia đình bà sinh sống khu biệt thự vườn rộng 2000m2, khi bị thu hồi để phục vụ dự án Khu đô thị mới, chỉ được đền bù với giá rẻ mạt và bị cho là không đủ điều kiện tái định cư trong khi có hộ khẩu đầy đủ.
16 năm đằng đẵng tìm kiếm lẽ công bằng, trong hành trình ngược xuôi từ Nam ra Bắc không khi nào thiếu bà, không cuộc họp nào liên quan đến giải quyết vấn đề Thủ Thiêm bà Mỹ không lên tiếng. 16 năm đeo đẳng, ẩn khuất trên khuôn mặt sần sùi, mái tóc pha sương vì mưa nắng vẫn là một nỗi buồn chưa giải tỏa.
"Tôi thực sự mất tất cả nên kiên trì đi. Có những người bồi thường không đồng, không tái định cư. Thử hỏi rằng nhà tái định cư mà sao chuyển thành nhà ở thương mại" - bà Trần Thị Mỹ cho biết.
Theo chủ trương chiến lược của Chính phủ trong quy hoạch là muốn đưa Thủ Thiêm trở thành “một khu đô thị mới hiện đại, một trung tâm tài chính, thương mại lớn tại Thành phố xứng tầm khu vực”. Tuy nhiên, chủ trương này đã bị không ít cán bộ, đảng viên có chức quyền, làm biến dạng và trở thành nỗi đau dai dẳng của hàng ngàn con người.
Liên quan đến sai phạm ở dự án khu đô thị mới Thủ Thiêm và một loạt sai phạm nghiêm trọng và rất nghiêm trọng khác, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã kỷ luật với hình thức khiển trách đối với Ban Thường vụ Thành uỷ TPHCM nhiệm kỳ 2010 - 2015. Ông Lê Thanh Hải, nguyên Uỷ viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy bị cách chức Bí thư Thành uỷ TPHCM nhiệm kỳ 2010-2015; ông Lê Hoàng Quân, nguyên Uỷ viên Trung ương Đảng, nguyên Chủ tịch UBND TPHCM bị kỷ luật cảnh cáo; ông Tất Thành Cang bị cách chức Ủy viên Trung ương Đảng khóa 12; cách chức Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Ủy viên Thường vụ Thành ủy TPHCM nhiệm kỳ 2015-2020.
Không chỉ có Thủ Thiêm, hàng loạt các cán bộ cấp cao của thành phố như ông Nguyễn Hữu Tín, Nguyễn Thành Tài, Trần Vĩnh Tuyến đều là nguyên Phó Chủ tịch và đương kim Phó Chủ tịch UBND TPHCM; ông Đào Anh Kiệt- nguyên Giám đốc sở TN& MT; bà Đào Thị Hương Lan, Giám đốc sở Tài chính; Nguyễn Thành Rum, Giám đốc sở Văn hóa thể thao; Phan Trường Sơn, Phó Giám đốc sở Quy hoạch kiến trúc; Trần Trọng Tuấn, Huỳnh Kim Phát, Phó chánh văn phòng Thành ủy và Phó Chánh văn phòng UBND TPHCM; ông Lê Tấn Hùng, nguyên Tổng Giám đốc – Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn… và hàng loạt quan chức cấp sở, ngành, quận, huyện khác bị kỷ luật về Đảng hoặc bị khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử.
Có một điểm chung dễ nhận thấy, là hầu hết sai phạm của các tập thể, cá nhân nêu trên đều bắt nguồn từ vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, phớt lờ các quy định của pháp luật liên quan đến đất đai, tài sản công, từ đó hình thành các “nhóm lợi ích”, hoặc bắt tay, thông đồng với “cánh hẩu”; cố ý làm trái hoặc thiếu trách nhiệm và có dấu hiệu trục lợi.
Câu hỏi đặt ra là các tổ chức và cá nhân mắc sai phạm trong suốt thời gian dài, thì tổ chức Đảng ở đâu? Trách nhiệm của cấp ủy nơi có đảng viên sinh hoạt thế nào? Tại sao cấp ủy không biết hoặc không phát hiện ra sai phạm, mặc dù năm nào cũng có kiểm điểm đảng viên? Phải chăng, việc bố trí cương vị người đứng đầu liên tục, quá lâu?
Lý giải vấn đề này, TS Vũ Trung Kiên - Phó trưởng khoa Xây dựng Đảng - Học viện Chính trị khu vực 2 phân tích, Đảng lãnh đạo tập thể theo nguyên tắc tập trung dân chủ, thiểu số phục tùng đa số, cấp dưới phục tùng cấp trên và cá nhân phục tùng tổ chức. Tuy nhiên, nguyên tắc này trên thực tế đã bị một số cá nhân có chức có quyền chi phối, thậm chí tới mức làm tê liệt cấp ủy và mất sức chiến đấu.
Có những vị đứng đầu cấp uỷ nhưng thao túng được cả một Đảng uỷ. Đảng uỷ rất đông đồng chí, nhưng trong thực tế hiện nay, đã từng xảy ra những vấn đề nhức nhối, đó là một số cấp uỷ cơ sở sức chiến đấu giảm sút, nhiều khi bị đồng chí đứng đầu làm cho tê liệt.
Phân tích ngọn nguồn hàng chục vụ việc nghiêm trọng bị xử lý thời gian qua cho thấy, khi nắm quyền lực trong tay, không ít cán bộ, đảng viên đi ngược lại quyền lợi của nhân dân, lợi ích của đất nước và mắc bệnh “kiêu ngạo cộng sản”.
Ông Phạm Chánh Trực - nguyên Phó Bí thư Thành uỷ TPHCM cho rằng, nguyên nhân của mọi nguyên nhân là do cá nhân đảng viên không giữ được phẩm chất của mình mà chỉ chăm chăm vun vén cho “nhóm lợi ích”; tự coi mình là “vùng cấm” không ai có thể đụng tới, trong khi kỷ luật đảng còn xuề xòa, cả nể, thậm chí bao che lẫn nhau.
Theo ông Phạm Chánh Trực, mặt trái của nền kinh tế thị trường đã khiến một bộ phận cán bộ, đảng viên không còn giữ được phẩm chất cách mạng, bị lung lay, mê hoặc bởi tiền bạc. Đặc biệt là những người có quyền hành, cương vị ở thành phố. Bởi vậy, dù đau xót như thế nào, chúng ta cũng bắt buộc phải giải quyết cho dứt khoát.
Kỷ luật Đảng không được thực hiện nghiêm minh; cơ chế kiểm soát quyền lực chưa được hoàn thiện và thực thi còn chiếu lệ; một số chính sách, nhất là chính sách pháp luật về đất đai còn lỏng lẻo, dẫn đến tình trạng “nhà đất làm mất cán bộ” trong suốt nhiều năm liền… là những lỗ hổng cần được khắc phục trong thời gian tới. Đó không chỉ là bài học đau xót cho TP.HCM mà với rất nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước về công tác cán bộ./.