Thắt chặt quan hệ và đẩy mạnh hợp tác Việt Nam-Myanmar

Thủ tướng hai nước đã tiến hành hội đàm, cùng nhau thảo luận định hướng và thống nhất nhiều biện pháp nhằm thắt chặt quan hệ truyền thống và đẩy mạnh hợp tác giữa hai nước trên nhiều lĩnh vực là tiềm năng, thế mạnh của mỗi bên.

Nhận lời mời của Thủ tướng Liên bang Myanmar Thein Sein, ngày 2/4, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và đoàn Chính phủ nước ta đã đến Thủ đô Nay Pyi Taw bắt đầu chuyến thăm làm việc tại Myanmar từ ngày 2 đến ngày 4/4.

10h sáng ngày 2/4, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và đoàn Chính phủ nước ta đã đến sân bay Nay Pyi Taw. Ra sân bay đón đoàn có Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Myanmar U Unang Win; Bộ trưởng tháp tùng Myanmar Colonel Nyan Htun Aung; Đại sứ Việt Nam tại Myanmar Chu Công Hùng, cùng nhiều quan chức trong chính phủ Myanmar.

Chiều tối 2/4 theo giờ Việt Nam, tại trụ sở Hội đồng Hòa bình và Phát triển Nhà nước Liên bang Myanmar ở Thu đô Nay Pyi Taw, Thủ tướng Myanmar Thein Sein đã chủ trì lễ đón trọng thể Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và đoàn Chính phủ Việt Nam sang thăm làm việc tại Myanmar.

Hai Thủ tướng đã tiến hành hội đàm, cùng nhau thảo luận định hướng và thống nhất nhiều biện pháp nhằm thắt chặt quan hệ truyền thống và đẩy mạnh hợp tác giữa hai nước trên nhiều lĩnh vực là tiềm năng, thế mạnh của mỗi bên.

Chuyến thăm làm việc tại Liên bang Myanmar lần này của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng diễn ra trong bối cảnh quan hệ truyền thống giữa hai nước đang phát triển tích cực. Hai bên thường xuyên trao đổi đoàn các cấp, tạo cơ sở vững chắc thúc đẩy quan hệ và hợp tác song phương phát triển.

Kim ngạch thương mại hai nước trong năm 2008 đạt hơn 108 triệu USD. Năm 2009 mặc dù bị ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế thế giới nhưng kim ngạch hai chiều vẫn đạt gần 100 triệu USD. Hai nước đang xúc tiến thúc đẩy hợp tác mạnh mẽ trong lĩnh vực nông nghiệp, phát triển cây công nghiệp, thủy sản, ngân hàng, tài chính, hàng không, viễn thông, dầu khí, khoáng sản, sản xuất thiết bị điện, lắp ráp ô tô, xây dựng và thương mại… Hai bên cũng đã thành lập Ủy ban Thương mại chung để thúc đẩy thương mại song phương.

Tại cuộc hội đàm, Thủ tướng Myanmar Thein Sein nhiệt liệt chào mừng Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thăm làm việc tại Liên bang Myanmar Thein Sein; khẳng định chuyến thăm sẽ góp phần tăng cường quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác toàn diện giữa Myanmar và Việt Nam.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chân thành cảm ơn Thủ tướng Myanmar Thein Sein, Chính phủ và nhân dân Myanmar về lòng mến khách, sự đón tiếp trọng thị và chu đáo dành cho Thủ tướng và Đoàn Việt Nam; khẳng định mong muốn chuyến thăm sẽ đưa quan hệ hai nước lên tầm cao mới và tạo ra một bước chuyển mới về chất trong quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư giữa hai nước.

Hai bên đã thông báo cho nhau tình hình chính trị, kinh-tế xã hội của mỗi nước. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định ủng hộ Myanmar thực hiện “Lộ trình 7 bước về dân chủ hóa”, khuyến khích Myanmar tiếp tục nỗ lực hơn nữa để tổ chức Tổng tuyển cử công bằng và tự do trong năm 2010, vì lợi ích của nhân dân Myanmar, góp phần vào hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực.

Hai Thủ tướng vui mừng nhận thấy quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam-Myanmar đã và đang có những bước phát triển rất tích cực kể từ sau chuyến thăm chính thức Myanmar của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tháng 8/2007 và chuyến thăm chính thức Việt Nam của Thủ tướng Thein Sein tháng 11/2007.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định Việt Nam luôn coi trọng và mong muốn không ngừng phát triển mối quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác nhiều mặt với Myanmar. Thủ tướng đánh giá cao quan hệ chính trị tốt đẹp giữa hai nước; đề nghị hai bên tiếp tục tăng cường trao đổi các chuyến thăm cấp cao và các cấp và triển khai tốt các cơ chế hợp tác như Ủy ban Hỗn hợp và Tham khảo Chính trị giữa hai Bộ Ngoại giao.

Hai Thủ tướng cũng đã thảo luận các biện pháp cụ thể nhằm mở rộng và tăng cường hơn nữa quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác nhiều mặt giữa hai nước. Hai bên cùng chia sẻ nhận định quan hệ kinh tế- thương mại Việt Nam- Myanmar trong thời gian gần đây đã có nhiều khởi sắc, nhưng vẫn chưa tương xứng với quan hệ chính trị tốt đẹp và tiềm năng hợp tác to lớn giữa hai nước.

Hai bên nhất trí tăng cường hợp tác trên nhiều lĩnh vực then chốt như nông nghiệp, trồng cây công nghiệp, thủy sản, ngân hàng-tài chính, hàng không, viễn thông, dầu khí, khai khoáng, sản xuất và cung cấp thiết bị điện, sản xuất lắp ráp ô tô, xây dựng và hợp tác thương mại-đầu tư.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị Chính phủ Myanmar tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam mở rộng hợp tác và tăng cường đầu tư vào Myanmar. Nhân dịp này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thông báo việc Chính phủ Việt Nam đã quyết định thành lập Hiệp hội các nhà đầu tư Việt Nam tại Myanmar gồm các doanh nghiệp lớn và có uy tín của Việt Nam quan tâm hợp tác kinh doanh, đầu tư tại thị trường Myanmar.

Hai Thủ tướng cũng nhất trí thúc đẩy quan hệ hợp tác trên các lĩnh vực khác như y tế, du lịch, văn hóa, giáo dục, thể thao, giao thông đường bộ và nhất trí xúc tiến đàm phán, ký kết thêm các thỏa thuận hợp tác mới, trong đó có Hiệp định hợp tác lâm nghiệp, Hiệp định miễn thị thực cho công dân mang hộ chiếu phổ thông, Bản Ghi nhớ về hợp tác quốc phòng, Bản Ghi nhớ về trồng cao su, Hiệp định công nhận lẫn nhau về chứng nhận chất lượng sản phẩm và Thỏa thuận ưu đãi thuế suất thuế nhập khẩu.

Về các vấn đề khu vực và quốc tế, hai Thủ tướng đánh giá cao sự phối hợp và hợp tác chặt chẽ giữa hai nước trong khuôn khổ hợp tác ASEAN và các khuôn khổ hợp tác tiểu vùng như: CLMV, ACMECS, GMS, EWEC... và tại các diễn đàn quốc tế khác.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng mong nhận được sự phối hợp và ủng hộ của Myanmar để Việt Nam thực hiện thành công vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2010, góp phần hiện thực hóa mục tiêu xây dựng cộng đồng ASEAN vào năm 2015, vì sự phát triển bền vững của Hiệp hội và vì lợi ích của mỗi nước thành viên.

Cuộc hội đàm đã diễn ra trong không khí hữu nghị thắm thiết, thể hiện mối quan hệ hữu nghị truyền thống và sự hợp tác tốt đẹp trên nhiều lĩnh vực giữa hai nước Việt Nam và Myanmar.

Kết thúc cuộc hội đàm, hai Thủ tướng đã thông qua Tuyên bố chung về Hợp tác giữa Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và Liên bang Myanmar; chứng kiến lễ ký các Bản Ghi nhớ về xúc tiến đầu tư, nông nghiệp, thủy sản, ngân hàng và các thoả thuận kinh doanh của Viettel và SIMCO Sông Đà; Lễ trao giấy phép thành lập Văn phòng đại diện của Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV); Trao giấy phép mở đường bay trực tiếp Hà Nội – Yangon cho Hãng Hàng không Quốc gia Việt Nam và lễ trao quà của Chính phủ Việt Nam tặng Chính phủ Myanmar cùng quà tặng của các doanh nghiệp Việt Nam cho các tổ chức Myanmar./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên