Thấy gì qua hơn 1 năm Đà Nẵng thực hiện thí điểm chính quyền đô thị?

VOV.VN - Việc thực hiện mô hình chính quyền đô thị ở Đà Nẵng được người dân đồng thuận, tạo sức bật mới. Tuy nhiên, thực tế cũng phát sinh nhiều vướng mắc cần điều chỉnh để mô hình này đạt hiệu quả tốt hơn.

Từ tháng 7/2021, thành phố Đà Nẵng thực hiện thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị theo tinh thần Nghị quyết 119/2020 của Quốc hội và Nghị định 34/2021 của Chính phủ. Sau 1 năm thực hiện, việc điều hành phát triển kinh tế - xã hội của UBND thành phố, quận phường đảm bảo duy trì sự ổn định và phát triển.

Việc thực hiện mô hình chính quyền đô thị được người dân đồng thuận, tạo sức bật mới. Tuy nhiên, thực tế cũng phát sinh nhiều vướng mắc cần điều chỉnh để mô hình này đạt hiệu quả tốt hơn.

Từ tháng 5 đến tháng 7 vừa qua, Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế xã hội thành phố Đà Nẵng tiến hành khảo sát ý kiến người dân và cán bộ làm việc trong các cơ quan công quyền thành phố. Kết quả khảo sát cho thấy, sau 1 năm thực hiện thí điểm chính quyền đô thị, người dân và cán bộ các cấp đánh giá mô hình này khá phù hợp với xu hướng phát triển.

Cụ thể, kết quả khảo sát cho biết, cán bộ, công chức, viên chức và người dân Đà Nẵng đều thể hiện quan điểm đồng ý về việc thực hiện thí điểm mô hình chính quyền đô thị trên địa bàn thành phố hiện nay. Trong đó, 85% cán bộ, viên chức đồng ý, cán bộ cấp quận là 65%, cấp phường là 72% và người dân là 80% đồng ý. Lãnh đạo các phường cũng cho rằng, việc tổ chức bộ máy quản lý tinh gọn hơn, tiết kiệm chi thường xuyên; tính năng động trong điều hành của chính quyền, trách nhiệm cá nhân, nhất là của người đứng đầu UBND quận, phường được nâng cao.

Ông Huỳnh Huy Hòa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế xã hội Đà Nẵng khẳng định: "Các công tác chỉ đạo điều hành ổn định và nhanh chóng. Đơn giản hóa thủ tục hành chính cũng là một chỉ tiêu được đánh giá khá tốt. Phân cấp, phân quyền mạnh mẽ hơn. Bộ máy cơ quan hành chính tinh gọn hơn, phát huy được vai trò chủ động của cán bộ, công chức viên chức khi thực hiện nhiệm vụ".

Ông Lê Tự Gia Thạnh, Chủ tịch UBND quận Hải Châu cho rằng, việc ủy quyền trong công tác hộ tịch được nhân dân rất ủng hộ. Bởi khi thực hiện chính quyền đô thị, chủ tịch phường ủy quyền cho cán bộ tư pháp hộ tịch công chứng giấy tờ, người dân không phải chờ đợi cán bộ lãnh đạo phường.

Theo ông Lê Tự Gia Thạnh, quận Hải Châu rất chủ động trong công tác tổ chức biên chế, điều động, luân chuyển cán bộ từ quận đến phường và ngược lại. "Có những cán bộ công chức ở phường  nổi trội, được đánh giá cao, phù hợp với vị trí việc làm thì quận thống nhất điều lên quận thông qua thẩm định của Phòng Nội vụ. Trước đây việc điều động rất nhiều thời gian, bởi cần có ý kiến của Sở Nội vụ. Ngược lại những cán bộ công chức quận không đảm bảo được vị trí việc làm của quận thì chúng tôi điều về phường. Việc này rất thuận lợi cho địa phương" - ông nói.

Sau 1 năm thực hiện thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị, thành phố Đà Nẵng đã kiện toàn chức danh và bổ nhiệm các chức danh Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND quận, phường. Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng đã chỉ đạo sửa đổi quy chế, quy trình về công tác cán bộ cho phù hợp với mô hình chính quyền đô thị. Sau một năm thực hiện thí điểm, việc điều hành phát triển kinh tế xã hội của UBND thành phố, quận, phường vẫn bảo đảm sự ổn định và phát triển.

UBND thành phố đã ban hành “Đề án phân cấp, ủy quyền quản lý nhà nước gắn với thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị trên địa bàn thành phố, giai đoạn 2021-2026”. Theo đó, thành phố đề xuất ủy quyền các nhiệm vụ cụ thể và định hướng các tiêu chí để tiếp tục rà soát ủy quyền 51 nhiệm vụ của UBND thành phố và 21 nhiệm vụ của Chủ tịch UBND thành phố cho các sở ngành, UBND quận/huyện, Giám đốc sở/ngành, Chủ tịch UBND quận/huyện.  

Còn những hạn chế cần khắc phục

Kể từ ngày 01/7/2021, khi thực hiện mô hình chính quyền đô thị, UBND quận, phường đã chuyển từ thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của một cấp ngân sách sang thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của đơn vị dự toán ngân sách. Vì vậy, trong những trường hợp phát sinh nhiệm vụ chi ngoài dự toán thì các quận, phường khá lúng túng, bị động, chậm triển khai thực hiện; ngân sách thành phố phải xem xét bổ sung. Thực tế này dẫn đến khối lượng công việc của cơ quan tài chính cấp trên tăng lên so với mô hình cấp ngân sách trước đây.

Ông Phạm Văn Dũng, Chủ tịch UBND phường Vĩnh Trung, quận Thanh Khê cho biết, khi công chức phường chuyển liên thông lên cấp quận, đang có tâm lý so sánh giữa công chức thuộc 3 khối của phường là Đảng, Đoàn thể và khối UBND phường. Bởi trong mô hình chính quyền đô thị, công chức UBND phường được điều chuyển thành công chức cấp quận, trong khi công chức Đảng, Đoàn thể của phường vẫn là công chức cấp phường. Việc này nảy sinh tâm lý so sánh giữa các công chức với nhau.

“Đợt dịch sốt xuất huyết vừa rồi, phường hỗ trợ trạm y tế phường số tiền không lớn (hơn 1 triệu đồng) nhưng khi lên kho bạc kê khai thì kho bạc gạt ra vì cho rằng cái này phải ghi vào danh mục chi là y tế chứ không được ghi vào mục chi khác, mà mục y tế thì thành phố duyệt chi một năm chỉ được 10 triệu đồng, rất khó khăn. Đây cũng là vấn đề gây tâm lý đối với anh em ở cơ sở” - ông Phạm Văn Dũng chia sẻ.

Ông Nguyễn Hòa, Chủ tịch UBND quận Ngũ Hành Sơn cho biết hoạt động cấp quận gặp nhiều khó khăn khi trở thành cấp dự toán ngân sách. Bởi việc xây dựng dự trù kinh phí không thể lường được hết các vụ việc phát sinh trong điều hành phát triển kinh tế xã hội.

Theo ông Nguyễn Hòa, mỗi khi đề xuất các khoản chi phát sinh thì phải qua rất nhiều thủ tục: “Tôi tính là phải qua 7 cửa. Từ trưởng phòng ngân sách sở, đến Giám đốc Sở Tài chính rồi đến Văn phòng UBND, rồi đến Thường trực UBND rồi qua HĐND thành phố rồi mới đưa xuống lại như vậy. Qua các sở ban ngành như vậy thì rất lâu, không kịp thời giải quyết các vấn đề của quận”.

Ngoài vướng mắc trong việc chuyển từ đơn vị cấp ngân sách sang đơn vị dự toán ngân sách ở cấp quận, phường thì trong quá trình thực hiện thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Đà Nẵng còn phát sinh một số vướng mắc cần kịp thời tháo gỡ.

Đó là, khi thực hiện thí điểm mô hình chính quyền đô thị thì quyền đại diện của người dân trực tiếp thông qua đại biểu HĐND phường và HĐND quận không còn mà thông qua các kênh khác. Tuy nhiên, số lượng đại biểu hoạt động kiêm nhiệm chiếm đa số, nhiệm vụ của HĐND thành phố tăng thêm cũng ảnh hưởng đến xử lý các phản ánh, tâm tư của người dân.

Ông Lê Trung Chinh, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng đề nghị: “Điều quan trọng nhất là khâu dự toán. Nếu mình làm tốt khâu dự toán ngân sách thì mọi việc sẽ ổn. Sở Tài chính nên dành khoản dự phòng ngân sách ở một mức độ phù hợp. Đồng thời có cơ chế khuyến khích các địa phương có nguồn thu cao để hỗ trợ cho họ, qua đó tạo động lực cho việc thu ngân sách. Sở Tài chính cũng thường xuyên cập nhật và xử lý sớm những vấn đề bức xúc”.

Thành phố Đà Nẵng đề xuất được bố trí tăng thêm biên chế công chức làm việc tại UBND phường phù hợp với tỷ lệ dân số, khối lượng công việc trên thực tế; Trung ương xem xét quy định tỷ lệ dự phòng ngân sách cho các quận thí điểm thực hiện mô hình chính quyền đô thị để đảm bảo chủ động sử dụng chi theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước cũng như sớm ban hành nghị quyết hướng dẫn hoạt động giám sát của HĐND, Thường trực HĐND, các Ban của HĐND... trong đó nêu rõ trách nhiệm của cơ quan chịu sự giám sát trong việc thực hiện các kiến nghị sau giám sát./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Kỳ họp HĐND TP Đà Nẵng: Tháo gỡ vướng mắc triển khai mô hình chính quyền đô thị
Kỳ họp HĐND TP Đà Nẵng: Tháo gỡ vướng mắc triển khai mô hình chính quyền đô thị

VOV.VN - Sáng 12/7, Hội đồng Nhân dân thành phố Đà Nẵng khai mạc kỳ họp thứ 7, đánh giá tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2022, xem xét thông qua nhiều Nghị quyết quan trọng.

Kỳ họp HĐND TP Đà Nẵng: Tháo gỡ vướng mắc triển khai mô hình chính quyền đô thị

Kỳ họp HĐND TP Đà Nẵng: Tháo gỡ vướng mắc triển khai mô hình chính quyền đô thị

VOV.VN - Sáng 12/7, Hội đồng Nhân dân thành phố Đà Nẵng khai mạc kỳ họp thứ 7, đánh giá tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2022, xem xét thông qua nhiều Nghị quyết quan trọng.

Gỡ bất cập trong thí điểm mô hình chính quyền đô thị ở Đà Nẵng
Gỡ bất cập trong thí điểm mô hình chính quyền đô thị ở Đà Nẵng

VOV.VN - Quá trình triển khai thí điểm mô hình chính quyền đô thị ở Đà Nẵng đã bộc lộ một số bất cập, điển hình là việc xác định cấp quận, phường trở thành cấp dự toán không tạo ra sự chủ động và trách nhiệm trong triển khai nhiệm vụ của địa phương.

Gỡ bất cập trong thí điểm mô hình chính quyền đô thị ở Đà Nẵng

Gỡ bất cập trong thí điểm mô hình chính quyền đô thị ở Đà Nẵng

VOV.VN - Quá trình triển khai thí điểm mô hình chính quyền đô thị ở Đà Nẵng đã bộc lộ một số bất cập, điển hình là việc xác định cấp quận, phường trở thành cấp dự toán không tạo ra sự chủ động và trách nhiệm trong triển khai nhiệm vụ của địa phương.

TP.HCM còn lúng túng khi thực hiện chính quyền đô thị
TP.HCM còn lúng túng khi thực hiện chính quyền đô thị

VOV.VN - Tại phiên họp về tình hình KT – XH TP.HCM 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ, giải pháp 6 tháng cuối năm 2022  sáng 29/6, Sở Nội vụ TP cho biết, do là địa phương đầu tiên thực hiện tổ chức chính quyền đô thị nên gặp không ít lúng túng, TP đã kiến nghị các bộ ngành để việc triển khai thuận lợi hơn

TP.HCM còn lúng túng khi thực hiện chính quyền đô thị

TP.HCM còn lúng túng khi thực hiện chính quyền đô thị

VOV.VN - Tại phiên họp về tình hình KT – XH TP.HCM 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ, giải pháp 6 tháng cuối năm 2022  sáng 29/6, Sở Nội vụ TP cho biết, do là địa phương đầu tiên thực hiện tổ chức chính quyền đô thị nên gặp không ít lúng túng, TP đã kiến nghị các bộ ngành để việc triển khai thuận lợi hơn