Thủ tướng chỉ đạo chống “đi đêm” trong cổ phần hóa
VOV.VN - Theo Thủ tướng, cổ phần hóa phải gắn với niêm yết trên sàn chứng khoán vì quá trình cổ phần hóa dễ gây thất thoát tài sản Nhà nước, dễ tham nhũng.
Sáng nay 21/11 tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị Đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp Nhà nước, trọng tâm là các tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước.
Theo đánh giá của Bộ Tài chính, tiến độ cổ phần hóa trong năm 2018 là chậm, có khả năng không đạt được theo kế hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Kết luận hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu, phải cổ phần hóa ngay cả những doanh nghiệp Nhà nước làm ăn hiệu quả để nâng cao giá trị và sự phát triển, vừa nâng cao tính minh bạch, vừa chống tham nhũng.
Thủ tướng phát biểu tại hội nghị |
Theo công văn số 991 của Thủ tướng Chính phủ ban hành tháng 7/2017, thì từ năm 2017 đến năm 2020, số doanh nghiệp phải thực hiện sắp xếp, cổ phần hóa là 127 doanh nghiệp. Thế nhưng, tính đến thời điểm hiện nay, mới thực hiện cổ phần hóa được 27 doanh nghiệp. Theo kế hoạch trong công văn 991 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ thì 2018 phải hoàn thành cổ phần hóa ít nhất 85 doanh nghiệp, nhưng tính đến 18/11 thì mới cổ phần hóa được 12 doanh nghiệp, trong đó không có doanh nghiệp nào thuộc danh sách trong công văn 991 thuộc kế hoạch 2018.
Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương Nguyễn Đình Cung cho rằng, thời gian qua, việc tái cơ cấu doanh nghiệp thực hiện trên ba mảng. Thứ nhất là buộc các DNNN, các tập đoàn, tổng công ty hoạt động theo thông lệ thị trường. Thứ hai là nâng cao hiệu lực quản trị DNNN thông qua áp dụng các thông lệ quốc tế. Thứ ba là thực hiện cổ phần hóa và thoái vốn. Tuy vậy, các báo cáo tổng kết của các bộ, ngành và dư luận xã hộichủ yếu mới chỉ tập trung vào cổ phần hóa và thoái vốn, trong khi lẽ ra phải tập trung trước vào hai mảng đầu tiên. Đây cũng là vấn đề mà một số đại biểu có ý kiến, cho rằng dù cổ phần hóa, nhưng lãnh đạo và tư duy quản lý của nhiều doanh nghiệp không có sự thay đổi lớn.
Để thúc tạo thuận lợi cho DNNN, ông Nguyễn Đình Cung đề nghị nâng cao tính tự chủ cho doanh nghiệp.
"Đây là điểm gò bó, ràng buộc để doanh nghiệp hoạt động theo thị trường. Một trong những điểm phổ biến là không được tuyển dụng, sử dụng trả lương cho đội ngũ cán bộ cũng như người lao động theo nguyên tắc thị trường. Mỗi khi có người nào đó được trả 1 đến 1,5 rưỡi đồng/năm thì xã hội cứ nói đó là rất cao. Tôi nghĩ rằng đối với những người này, vấn đề không phải là họ nhận được bao nhiêu tiền mà là họ làm ra bao nhiêu tiền", ông Nguyễn Đình Cung nói.
Trước thực tế tiến độ đổi mới, cổ phần hóa DNNN diễn ra chậm vừa qua, ông Nguyễn Đức Chi, Chủ tịch SCIC thì đề nghị, các bộ, ngành, ddp cần thực hiện nghiêm việc chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn theo các quy định và chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Ông Chi cho biết, vừa qua, sau khi Nghị định 131 được Chính phủ ban hành, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp ra đời, thì việc bàn giao 19 tập đoàn, tổng công ty lớn về Ủy ban rất nhanh.
"Chúng tôi thấy chạnh lòng là SCIC cũng có Nghị định của Chính phủ, có quyết định của Thủ tướng, có chỉ đạo của Thủ tướng và các Phó Thủ tướng, nhưng đến nay vẫn còn 35 doanh nghiệp chưa được các bộ, ngành, địa phương chưa chuyển về SCIC. Và còn 78 doanh nghiệp theo Quyết định 1232 của Thủ tướng là năm 2018 nếu không thoái được vốn phải chuyển về SICI đến nay, chúng tôi đề nghị cũng không thấy các cơ quan chức năng khởi động. Tôi đề nghị Thủ tướng chỉ đạo thực hiện nghiêm", ông Nguyễn Đức Chi nhấn mạnh.
Từ thực tế quá trình đổi mới, cổ phần hóa các doanh nghiệp thuộc Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam, ông Trần Sỹ Thanh, Chủ tịch Tập đoàn cho rằng, việc xác định giá trị doanh nghiệp hiện nay còn vướng mắc, nhất là với những đơn vị có nhiều chi nhánh, tài sản đất đai ở khắp cả nước và nước ngoài.
Chủ tịch Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) Trần Mạnh Hùng thì cho rằng, cần có cơ chế để thúc đẩy tinh thần đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ dám làm, chấp nhận rủi ro của các Tập đoàn cùng với gắn trách nhiệm cá nhân, bởi hiện còn có những vướng mắc của môi trường pháp lý. Bên cạnh đó, mâu thuẫn hiện nay là nếu phân cấp mạnh cho tập đoàn và tổng công ty thì rủi ro quyền lực, còn nếu tập trung quá cho cơ quan quản lý thì lại tạo điểm nghẽn có phát triển của doanh nghiệp.
Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định lại vai trò của DNNN hết sức cần thiết đối với sự phát triển đất nước và thực tế không chỉ Việt Nam mà nhiều nước trên thế giới cũng như vậy.
Trong bối cảnh đang bàn giao 19 tập đoàn, tổng công ty nhà nước về Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, Thủ tướng nêu rõ, Ủy ban này không phải là cơ quan trung gian gây ách tắc cho hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh, thay vào đó phải là cơ quan giúp doanh nghiệp phát triển, xứng tầm vai trò chủ đạo của nền kinh tế.
Nhân đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đánh giá kết quả thực hiện công tác đổi mới, sắp xếp DNNN. Thủ tướng cho rằng, có nhiều thành quả quan trọng, trong đó, nổi bật là hai nội dung, thứ nhất là góp phần ổn định vĩ mô, và thứ hai là tạo nguồn thu ngân sách Nhà nước và giảm số lượng DNNN từ trên 12.000 xuống còn dưới 600 doanh nghiệp.
Tuy nhiên, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng nêu một số tồn tại của DNNN, đó là là hiệu quả, đóng góp của nhiều DNNN còn thấp. Nợ xấu, thua lỗ, thất thoát lớn. Tính công khai, minh bạch, kiểm tra, kiểm soát có nhiều vấn đề. Thủ tướng cũng băn khoăn về tình trạng có tập đoàn, tổng công ty trong nhiều năm liền không khởi công công trình nào.
Tồn tại đó, theo Thủ tướng, có cả nguyên nhân từ việc chấp hành chỉ đạo của của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chưa nghiêm, có tư tưởng e ngại, nhận thức chưa thông trong vấn đề đổi mới khi cổ phần hóa, thoái vốn. Thậm chí có cả tâm lý sợ mất vị trí, vai trò sau cổ phần hoá, thoái vốn, tình trạng lợi ích nhóm, tham nhũng trong cổ phần hóa, thoái vốn.
Thủ tướng trao đổi với các đại biểu dự hội nghị |
Đối với những người đứng đầu tập đoàn, tổng công ty, DNNN, Thủ tướng chỉ đạo cần chấn chỉnh, đổi mới mọi mặt hoạt động, đặc biệt việc thực hiện các chế độ, chính sách, quy định pháp luật. Chúng ta tiến hành nhiều cuộc thanh tra, kiểm tra, một số vụ việc đang được khởi tố theo quy định pháp luật.
Tại hội nghị, Thủ tướng cũng chỉ đạo các bộ, ngành, theo đó, công tác thanh tra, kiểm tra phải hết sức chặt chẽ, theo đúng quy định, bình thường mỗi năm một lần để bảo đảm hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Thanh tra kiểm tra là để doanh nghiệp làm đúng hơn, thực hiện tốt hơn các quy định, cơ chế chính sách liên quan. Xử lý vi phạm nhưng không kìm hãm sự phát triển mà chúng ta đang nỗ lực đổi mới, đặc biệt các cơ quan chức năng phải củng cố niềm tin cho doanh nghiệp, của nhà đầu tư, của thị trường, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi.
Tại hội nghị, Thủ tướng nêu các yêu cầu cụ thể đặt ra đối với các cấp, các ngành, tập đoàn, tổng công ty, DNNN, thực hiện cơ cấu lại, cổ phần hóa, thoái vốn theo nguyên tắc thị trường, công khai, minh bạch, không làm thất thoát vốn, tài sản Nhà nước. Cổ phần hóa ngay cả doanh nghiệp có hiệu quả, vì theo Thủ tướng, để thu hút vốn xã hội, để nâng cao năng lực quản trị, góp phần chống tham nhũng. Cổ phần hóa phải gắn với niêm yết trên sàn chứng khoán vì quá trình cổ phần hóa dễ gây thất thoát tài sản Nhà nước, dễ tham nhũng. Thủ tướng chỉ đạo chống “đi đêm” trong cổ phần hóa.
Đối với các doanh nghiệp có khả năng không hoàn thành kế hoạch cổ phần hóa do lý do khách quan, cần kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ các khó khăn, vướng mắc để xem xét, giải quyết. Thủ tướng cũng yêu cầu phải xác định rõ trách nhiệm cá nhân, tổ chức trong việc để chậm trễ trong công tác cổ phần hóa, thoái vốn.
Các bộ, ngành chức năng khẩn trương tổng hợp ý kiến, kiến nghị của các tập đoàn, tổng công ty, DNNN để trình cấp có thẩm quyền sửa đổi ngay các quy định liên quan đến xác định giá trị quyền sử dụng đất, giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa, quy trình cổ phần hóa, thoái vốn, các quy định về quản lý tài chính, tiền lương, đăng ký, niêm yết; quyền và trách nhiệm của lãnh đạo doanh nghiệp, cơ quan quản lý, đại diện chủ sở hữu… Thủ tướng nhấn mạnh: “Tinh thần chỉ đạo chung của Chính phủ là tạo mọi thuận lợi về cơ chế, chính sách, pháp luật để thực hiện; trường hợp có vướng mắc thì phải rà soát, đề xuất, sửa đổi ngay; đồng thời, phải thực thi nghiêm pháp luật; không để có lỗ hổng pháp lý và tái diễn những vi phạm trong cổ phần hóa, thoái vốn”.
Các bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty, DNNN trước ngày 31/12/2018 hoàn thành việc phê duyệt hoặc trình cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cơ cấu lại các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực quản lý theo đúng quy định, trong đó nêu rõ tiến độ, cơ quan tổ chức thực hiện, người chịu trách nhiệm.
Nhấn mạnh công tác nhân sự, bố trí cán bộ tại các tập đoàn, tổng công ty, Thủ tướng nêu rõ, cán bộ lãnh đạo, quản lý và người đại diện vốn Nhà nước đủ phẩm chất đạo đức, năng lực chuyên môn, “bố trí người làm việc chứ không bố trí người nhà”. Kiên quyết không để tình trạng "sân trước, sân sau".
Thủ tướng yêu cầu Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, các bộ, ngành, địa phương, cơ quan chức năng tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, bảo đảm công khai, minh bạch và xử lý nghiêm các vi phạm. Kiên quyết xử lý dứt điểm các DNNN, dự án đầu tư chậm tiến độ, hoạt động thua lỗ./.