Thủ tướng nêu 5 yếu tố đưa quan hệ Việt Nam - Ấn Độ lên tầm cao mới
VOV.VN - Trưa nay (31/7), trong chương trình chuyến thăm cấp Nhà nước tới Ấn Độ, tại thủ đô New Delhi, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự và phát biểu tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam - Ấn Độ.
Diễn đàn do Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam, Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ và Liên đoàn các phòng Thương mại và Công nghiệp Ấn Độ tổ chức. Tham dự diễn đàn có lãnh đạo các bộ ngành và đông đảo đại diện cộng đồng doanh nghiệp hai nước.
Tại diễn đàn, các doanh nghiệp hai nước đã được giới thiệu về tiềm năng, cơ hội hợp tác, trao đổi về các kế hoạch, dự án đầu tư kinh doanh, những thuận lợi và khó khăn, nêu các góp ý, đề xuất, kiến nghị với các cơ quan chức năng hai nước.
Các doanh nghiệp, lãnh đạo các cơ quan Ấn Độ đánh giá cao môi trường đầu tư, kinh doanh, bày tỏ ấn tượng với những thành công lớn đã đưa Việt Nam trở thành điểm sáng trong khu vực về phát triển kinh tế-xã hội.
Phát biểu tại Diễn đàn, Thủ tướng Phạm Minh Chính chúc mừng những thành công to lớn của Ấn Độ trong phát triển nhanh, toàn diện, đạt tăng trưởng kinh tế cao dưới sự lãnh đạo của Chính phủ do Thủ tướng Narendra Modi những năm qua; cảm ơn phía Ấn Độ đã dành cho đoàn Việt Nam sự đón tiếp trọng thị, nồng hậu trong chuyến thăm cấp Nhà nước lần này.
Theo Thủ tướng, lịch sử quan hệ Việt Nam - Ấn Độ bắt nguồn từ quá trình giao lưu văn hóa, tôn giáo từ hơn 2.000 năm trước và được hai lãnh tụ vĩ đại là Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhà lãnh đạo Mahatma Gandhi gây dựng và vun đắp. Hai nước luôn ủng hộ và giúp đỡ lẫn nhau trong các cuộc đấu tranh chống ngoại xâm và giành độc lập dân tộc.
Trải qua hơn 5 thập kỷ thiết lập quan hệ ngoại giao, việc nâng cấp quan hệ hai nước lên Đối tác Chiến lược Toàn diện đã mở ra không gian hợp tác mới về chuỗi giá trị và tài nguyên chiến lược, an ninh kinh tế, ứng phó với biến đổi khí hậu, môi trường, khoa học công nghệ, kết nối tài chính, nhân lực chất lượng cao, giáo dục, an ninh quốc phòng...
Thủ tướng đánh giá hợp tác kinh tế, đầu tư, thương mại đã trở thành điểm sáng và là trụ cột quan trọng trong quan hệ hai nước. Việt Nam là đối tác quan trọng của Ấn Độ trong chính sách "Hành động hướng Đông" của Ấn Độ.
Thủ tướng cho biết, ông rất ấn tượng với tuyên bố của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi vào ngày 3/9/2016 trước Hội nghị thượng đỉnh G20 rằng: "Việt Nam là trụ cột mạnh mẽ trong chính sách Hành động hướng Đông của Ấn Độ" và "quan hệ song phương giữa hai nước dựa trên sự tin tưởng, hiểu biết lẫn nhau và hội tụ những quan điểm về các vấn đề khác nhau trong khu vực và toàn cầu".
Thủ tướng nhấn mạnh, việc đặt Việt Nam ở vị trí quan trọng, là "trọng tâm", "cầu nối" trong chính sách "Hành động hướng Đông" đã góp phần thúc đẩy quan hệ Việt Nam - Ấn Độ nói chung và quan hệ kinh tế nói riêng phát triển lên tầm cao mới.
Thủ tướng cho rằng, để đạt được những thành công này, bên cạnh yếu tố nền tảng là quan hệ hữu nghị tốt đẹp lâu đời giữa hai nước, hai dân tộc; sự hỗ trợ và quan tâm của Chính phủ hai nước, sự góp sức và đồng lòng của cộng đồng doanh nghiệp hai bên.
Thủ tướng đánh giá cao và trân trọng cảm ơn sự đóng góp thiết thực, hiệu quả của các doanh nghiệp Ấn Độ đối với sự phát triển của kinh tế-xã hội Việt Nam, đã vun đắp cho mối quan hệ tốt đẹp giữa Việt Nam - Ấn Độ trong hơn 50 năm qua.
Thủ tướng nhấn mạnh, giữa hai nước có 5 yếu tố nền tảng rất quan trọng để các doanh nghiệp hai nước tiếp tục hợp tác với sự tin cậy cao, thành công, hiệu quả, góp phần cho quan hệ hai nước. Đó là: Quan hệ hữu nghị truyền thống tốt đẹp; tin cậy chính trị cao; thị trường rộng mở; văn hóa, văn minh tương đồng; ý tưởng tương thông; cùng chung khát vọng xây dựng đất nước hùng cường, thịnh vượng, phát triển kinh tế nhanh và bền vững.
Người đứng đầu Chính phủ đã dành thời gian phân tích về những yếu tố nền tảng cho sự phát triển, những định hướng lớn về kinh tế, đối ngoại, quốc phòng, an ninh, an sinh xã hội, văn hóa, xây dựng hệ thống chính trị của Việt Nam. Ông cho biết, sau gần 40 năm đổi mới, Việt Nam đã trở thành một trong 40 nền kinh tế lớn nhất thế giới, nằm trong nhóm 20 nền thương mại hàng đầu, xếp thứ 32 trong top 100 giá trị thương hiệu quốc gia mạnh trên thế giới; đã ký 16 FTA với hơn 60 nước.
Việt Nam tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh; đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính; chú trọng rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách, tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp. Việt Nam đang đẩy mạnh thực hiện 3 đột phá chiến lược là hoàn thiện thể chế, xây dựng hạ tầng và đào tạo nhân lực dựa trên nền tảng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo. Đồng thời, làm mới các động lực truyền thống là đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùngvà thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới như kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế tri thức, các lĩnh vực mới nổi như chíp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo...Nhờ đó, môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam không ngừng được cải thiện. Năm 2023, thu hút FDI đạt gần 36,6 tỷ USD, tăng 32,1% so với năm 2022; vốn FDI thực hiện đạt 23,2 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay.
Thủ tướng khẳng định, Việt Nam xác định khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đóng vai trò quan trọng, với định hướng thu hút đầu tư nước ngoài có chọn lọc, tạo kết nối lan tỏa giữa khu vực FDI và khu vực kinh tế trong nước, thúc đẩy hợp tác công-tư, huy động mọi nguồn lực phát triển, phát triển mạnh mẽ kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức.
Theo Thủ tướng, Chính phủ Việt Nam khuyến khích các doanh nghiệp Ấn Độ mở rộng hợp tác đầu tư vào các lĩnh vực Ấn Độ có thế mạnh và Việt Nam có nhu cầu thu hút và ưu tiên cao như: Công nghệ cao, điện tử, khoa học công nghệ, trí tuệ nhân tạo (AI), xây dựng kết cấu hạ tầng, năng lượng tái tạo, năng lượng mới (hydrogen), công nghệ sinh học, đổi mới sáng tạo, nông nghiệp công nghệ cao, dược phẩm….
Khẳng định Việt Nam xem thành công của các nhà đầu tư là thành công của mình, Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ", "đã nói là làm, đã cam kết phải thực hiện, đã làm, đã thực hiện là phải có kết quả, sản phẩm cụ thể, mang lại hiệu quả cao", "cùng lắng nghe và thấu hiểu; cùng chia sẻ tầm nhìn và hành động; cùng làm, cùng hưởng, cùng thắng và cùng phát triển".
Thủ tướng đề nghị hai bên tiếp tục hỗ trợ, thúc đẩy hoạt động đối thoại, kết nối đầu tư, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp hai bên mở rộng hợp tác, đầu tư, kinh doanh hiệu quả; thúc đẩy, triển khai các biện pháp hiệu quả nhằm hoàn thành mục tiêu kim ngạch thương mại song phương đạt 20 tỷ USD trong thời gian tới; tạo điều kiện thuận lợi cho nhiều hàng hóa của Việt Nam tiếp cận được thị trường Ấn Độ và sớm mở thêm đường bay thẳng giữa hai nước.
Cùng với đó, tiếp tục tăng cường hợp tác phát triển (ODA), trong đó tập trung vào các lĩnh vực phát triển hạ tầng chiến lược, bao gồm hạ tầng giao thông, hạ tầng năng lượng, hạ tầng số và hạ tầng thích ứng với biến đổi khí hậu; tiếp tục hợp tác chặt chẽ, ủng hộ lẫn nhau trong các diễn đàn quốc tế và khu vực cùng quan tâm.
Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương của Việt Nam tăng cường đối thoại để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho các nhà đầu tư Ấn Độ tại Việt Nam; kịp thời báo cáo đối với các vấn đề vượt thẩm quyền theo quy định của pháp luật; tiếp tục rà soát, cải cách thủ tục hành chính; cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính; tăng cường ứng dụng công nghệ số, phân cấp, phân quyền, giảm chi phí tuân thủ, chi phí đầu vào của người dân, doanh nghiệp; chuẩn bị các điều kiện để thu hút đầu tư về hạ tầng giao thông, nguồn nhân lực, cung ứng điện, quỹ đất sạch, thành lập các Tổ công tác liên ngành để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và hỗ trợ các nhà đầu tư…
Thủ tướng đề nghị các tập đoàn, doanh nghiệp Ấn Độ tiếp tục đầu tư, mở rộng đầu tư vào Việt Nam, hợp tác đào tạo nhân lực chất lượng cao, nhất là trong các lĩnh vực bán dẫn, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh (hydrogen), dược phẩm (đặc biệt là vaccine, thuốc điều trị các bệnh nan y), năng lượng tái tạo, công nghệ sinh học…
Cùng với đó, Thủ tướng mong muốn các doanh nghiệp, nhà đầu tư Ấn Độ quan tâm hỗ trợ, tạo điều kiện các doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị của các tập đoàn, đặc biệt là trong các lĩnh vực mà Việt Nam có tiềm năng; coi Việt Nam là điểm đến chiến lược cho xây dựng các trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D), ứng dụng công nghệ cao.
Đồng thời, thường xuyên có những khuyến nghị, tham mưu cho Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương để tháo gỡ các rào cản trong quá trình sản xuất, kinh doanh và hoàn thiện thể chế chính sách nhằm cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh.
Với quyết tâm cao, nỗ lực lớn của hai bên, trên nền tảng quan hệ hữu nghị truyền thống, đối tác chiến lược toàn diện không ngừng phát triển tốt đẹp giữa Việt Nam - Ấn Độ, Thủ tướng tin tưởng rằng, hợp tác kinh tế-đầu tư-thương mại sẽ tiếp tục là trụ cột quan trọng trong quan hệ song phương, góp phần đưa mối quan hệ giữa hai nước lên tầm cao mới, ngày càng đơm hoa, kết trái.
Cũng tại Diễn đàn, Thủ tướng và các đại biểu đã chứng kiến lễ trao Biên bản ghi nhớ giữa doanh nghiệp hai nước, như biên bản ghi nhớ giữa tập đoàn Sovico và tập đoàn Adani về hợp tác trong lĩnh vực hàng không, sân bay và logistics, biên bản giữa Vietnam Airlines và Innovations India về tổ chức lễ hội hữu nghị Việt Nam - Ấn Độ lần thứ 3, biên bản ghi nhớ giữa tập đoàn T&T và tập đoàn Ramky hợp tác về khu công nghiệp dược phẩm
Đặc biệt, Thủ tướng và các đại biểu đã dự lễ công bố đường bay Đà Nẵng (Việt Nam) - Ahmedabad (Bang Gunjarat, Ấn Độ) và đón hành khách thứ 200 triệu của hãng hàng không Vietjet, sự kiện ghi dấu mốc đặc biệt trên hành trình đưa Việt Nam ra với Thế giới, và đưa Thế giới đến với Việt Nam tươi đẹp, đồng thời công bố đường bay mới Ahmedabad – Đà Nẵng.
Vị khách thứ 200 triệu của Vietjet là một doanh nhân Ấn Độ, ông Sandeep Mehta. Vietjet dành tặng vị khách đặc biệt 1 năm bay quốc tế miễn phí.
Nhân dịp này, Vietjet cũng công bố mở đường bay kết nối thành phố Ahmedabad của Ấn Độ với Đà Nẵng – thành phố đáng sống nhất Việt Nam. Đường bay mới dự kiến sẽ phục vụ hành khách từ tháng 10/2024.
Vietjet cũng mang đến nhiều lựa chọn cho người dân hai nước và du khách với các đường bay thẳng kết nối Hà Nội, TP.HCM với các đại đô thị của Ấn Độ là New Delhi, Mumbai, Ahmedabad, Kochi, Tiruchirappalli cũng như các điểm đến nổi tiếng Bodh Gaya, Varanasi… Vietjet hiện là hãng hàng không có nhiều đường bay thẳng nhất giữa Việt Nam với Ấn Độ, khai thác 56 chuyến bay mỗi tuần trên 7 đường bay. Tổng lượng khách vận chuyển giữa Việt Nam và Ấn Độ của Vietjet đạt gần 1,3 triệu lượt hành khách.