Thủ tướng nêu ba thành công lớn trong khắc phục sự cố môi trường biển
VOV.VN -Thủ tướng đồng tình với quan điểm của các bộ, ngành, địa phương là tiếp tục theo dõi chặt chẽ việc tuân thủ quy định về môi trường của công ty Formosa.
Sáng nay 17/5, tại thành phố Đông Hà, tỉnh Quảng Bình, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị tổng kết công tác chỉ đạo để ổn định đời sống và sản xuất kinh doanh cho người dân 4 tỉnh miền Trung bị ảnh hưởng sự cố môi trường, do Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh gây ra. Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng đồng tình với quan điểm của các bộ, ngành và địa phương là tiếp tục theo dõi chặt chẽ việc tuân thủ quy định về môi trường của công ty này.
Cùng dự có Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình, Trưởng Ban chỉ đạo về các giải pháp để ổn định đời sống và sản xuất kinh doanh cho người dân 4 tỉnh miền Trung bị ảnh hưởng sự cố môi trường biển; Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, lãnh đạo các địa phương chịu ảnh hưởng, các thành viên Ban chỉ đạo.
|
Báo cáo tại hội nghị cho thấy, ngay sau sự cố, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã kịp thời ban hành một số chính sách cấp bách hỗ trợ người dân ổn định đời sống, chỉ đạo khôi phục sản xuất, môi trường. Đến nay, môi trường biển đã được khôi phục, an ninh trật tự ổn định, hoạt động khai thác, nuôi trồng, kinh doanh thủy sản, sản xuất muối, các khu du lịch biển, bãi tắm của 4 tỉnh miền Trung đã hoạt động trở lại bình thường, người tiêu dùng đã yên tâm sử dụng các sản phẩm hải sản. Kinh phí chi trả tiền bồi thường thiệt hại, hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng theo các quyết định của Thủ tướng là gần 7.000 tỷ đồng đến nay đã thực hiện được khoảng 99%.
Về vấn đề an toàn thực phẩm của sản phẩm hải sản khu vực biển 4 tỉnh miền Trung, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến khẳng định, chất lượng hải sản tại 4 tỉnh miền Trung đã đảm bảo an toàn từ cuối năm 2017.
“Như vậy sau 6 đợt kiểm tra với gần 2.700 mẫu, chúng tôi có thể kết luận, giám sát các chỉ tiêu an toàn đối với các mẫu hải sản tại 4 tỉnh miền trung bị ảnh hưởng sự cố môi trường biển tương đương với mẫu hải sản ở vùng biển đối chứng và đã đảm bảo an toàn về vệ sinh thực phẩm. Ngoài các hoạt động để khẳng định tính an toàn thực phẩm của hải sản miền Trung, Bộ Y tế cũng đã tiến hành kiểm soát tính an toàn thực phẩm và các độc chất của các mẫu tại các kho đông lạnh. Tổng số kiểm tra là 5 triệu 368 nghìn tấn hải sản ở kho lưu trữ lạnh và đã loại bỏ 14% gồm 974 tấn để đảm bảo an toàn cho các kho lưu trữ lạnh”, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết.
Tại hội nghị, theo lãnh đạo các địa phương, người dân rất phấn khởi vì hầu hết đã nhận được tiền hỗ trợ, đền bù và được nhà nước hỗ trợ đào tạo nghề, chuyển đổi nghề nghiệp, vay vốn đóng tàu lớn đánh bắt xa bờ... Tuy nhiên các địa phương đề nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo giám sát chặt chẽ Formosa và các doanh nghiệp trong vấn đề thực hiện nghiêm việc bảo vệ môi trường, không để xảy ra sự cố một lần nữa. Cùng với đó là quan tâm phát triển hạ tầng ven biển miền Trung, thực hiện quy hoạch phát triển vùng ven biển; tiếp tục hỗ trợ đào tạo nghề và chuyển đổi nghề nghiệp cho người dân.
Nhấn mạnh quan điểm "không đánh đổi môi trường lấy lợi ích kinh tế" như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho biết, đây là bài học đắt giá trong công tác bảo vệ môi trường và cần giám sát chặt chẽ các cơ sở sản xuất kinh doanh, xử lý nghiêm không có vùng cấm đối với các vụ vi phạm môi trường.
Trên cơ sở đánh giá những kết quả đạt được, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình, Trưởng Ban chỉ đạo về các giải pháp để ổn định đời sống và sản xuất kinh doanh cho người dân 4 tỉnh miền Trung bị ảnh hưởng sự cố môi trường biển đề nghị kết thúc hoạt động của Ban.
Toàn cảnh Hội nghị |
Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, sự cố môi trường biển ở miền Trung là sự cố môi trường lớn nhất ở nước ta từ trước đến nay với trên nửa triệu dân bị ảnh hưởng. Tuy vậy, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời của Đảng và Nhà nước, công tác xử lý vụ việc, khắc phục hậu quả, hỗ trợ đền bù thiệt hại cho người bị ảnh hưởng cũng như khôi phục sản xuất kinh doanh và đời sống của người dân được thực hiện tốt trong 2 năm qua.
“Chính phủ chúng ta không những bình tĩnh vững vàng, không những kiên quyết chỉ đạo mà còn chỉ đạo một cách chặt chẽ bằng một hệ thống văn bản quy phạm pháp luật. Tôi đếm trên bàn tôi 7 quyết định của Thủ tướng. Các quy định của chúng ta rất chặt chẽ chứ không phải nóng đâu phủ đó, ngứa trên đầu mà gãi dưới chân. Đây là kinh nghiệm rất cần thiết cho các địa phương. Anh làm cái gì cũng phải có tổng thể và cụ thể để xử lý những việc nóng bỏng trong thực tiễn. Một tinh thần chỉ đạo công khai, minh bạch, dân chủ, sát dân, chính xác được giám sát chặt chẽ. Cho nên vai trò cấp ủy địa phương được phát huy qua sự cố này rất quan trọng”- Thủ tướng nói.
Thủ tướng phát biểu tại hội nghị |
Từ đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu lên ba thành công quan trọng, đó là sau vụ việc này: người dân tin chính quyền, tin Đảng; người dân đoàn kết hơn; và cán bộ trưởng thành hơn. Thủ tướng nhấn mạnh, đối với cấp ủy, chính quyền thì “lửa thử vàng, gian nan thử sức” chính là lúc này.
Tuy vậy, Thủ tướng vẫn chỉ ra một số tồn tại như việc chi trả bồi thường chậm so với kế hoạch, vẫn còn một số trường hợp gửi đơn thư khiếu nại về hỗ trợ bồi thường. Việc xử lý bồi thường hải sản lưu kho còn vướng mắc…
Thủ tướngkhẳng định: "Môi trường là một trụ cột trong tam giác phát triển, cùng với kinh tế, xã hội, chúng ta phải giữ. Tất cả các địa phương phải giữ gìn môi trường, đặc biệt môi trường biển, một thế mạnh của Việt Nam và 4 tỉnh miền Trung. Từ sự cố Formosa, chúng ta nghĩ về tương lai môi trường của nước ta và khu vực biển của chúng ta. Phải làm tốt hơn, không được ô nhiễm, kể cả ô nhiễm không khí, ô nhiễm đất, nguồn nước. Bộ Tài nguyên và Môi trường cần có giải pháp và đề xuất xử lý để đảm bảo môi trường của Việt Nam nói chung và môi trường biển được giữ gìn lâu dài. Chính vì thế mà các đồng chí đều có nguyện vọng không được để Formosa vi phạm lần thứ hai”.
Với tinh thần đó, Thủ tướng chỉ đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét việc lắp thêm những điểm quan trắc môi trường tự động ở các thành phố lớn, các khu công nghiệp, các nơi đang bị ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, kể cả phạm vi quốc gia, mà trước hết là 4 tỉnh miền Trung.
Thủ tướng đồng tình với quan điểm của các bộ, ngành và địa phương là tiếp tục theo dõi chặt chẽ việc tuân thủ quy định về môi trường của Formosa Hà Tĩnh, nhất là khi nhà máy này dự kiến vận hành lò cao số hai vào ngày mai (18/5). Thủ tướng cũng đánh giá tích cực về việc Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh đã nỗ lực khắc phục hậu quả môi trường gây ra, đầu tư hàng trăm triệu USD để khắc phục các lỗi này.
Đối với các địa phương, Thủ tướng yêu cầu tiếp tục giải quyết các vướng mắc về chi trả tiền hỗ trợ, bồi thường cho người dân bị thiệt hại, nhất là đẩy nhanh xử lý các vướng mắc hỗ trợ thủy sản tồn đọng. Cùng với đó cần giám sát chặt chẽ công tác đền bù, hỗ trợ, xử lý nghiêm tình trạng tham ô, tham nhũng.
Thủ tướng cũng đề nghị cơ quan truyền thông cũng như các địa phương cần đẩy mạnh truyền truyền việc kết thúc thành công này nhằm tạo môi trường đầu tư cho Việt Nam, khẳng định hải sản Việt Nam không bị ô nhiễm, tuyên truyền về cuộc sống của nhân dân tốt hơn và thứ tư là công bố cam kết vụ Formosa không bao giờ tái diễn lần thứ hai ở Việt Nam, ở 4 tỉnh miền Trung.
Thủ tướng bày tỏ tin tưởng, với truyền thống kiên cường, bất khuất, thông minh của người dân 4 tỉnh miền Trung và với ưu thế hiển nhiên của kinh tế biển, sau khi khắc phục sự cố này tốt, nhất định kinh tế xã hội của các tỉnh sẽ phát triển, đời sống của người dân được nâng lên./. Thủ tướng kiểm tra công tác khắc phục hậu quả sau sự cố môi trường
Lãnh đạo Chính phủ dâng hương tại Nghĩa trang liệt sỹ Trường Sơn
Thủ tướng chủ trì cuộc họp về giải pháp ổn định cho 4 tỉnh miền Trung