Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trả lời chất vấn Quốc hội
VOV.VN - Trong không khí dân chủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã lắng nghe và trả lời thắng thắn các câu hỏi của các đại biểu Quốc hội.
Sau khi báo cáo, giải trình làm rõ 6 vấn đề mà cử tri và Quốc hội quan tâm, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã trực tiếp lắng nghe và trả lời nhiều câu hỏi của các đại biểu Quốc hội liên quan đến các vấn đề lớn như liên kết vùng để phát triển bền vững, giải quyết đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc, xử lý nợ xấu có sử dụng ngân sách hay không cũng như quan điểm về vấn đề tranh chấp trên biển Đông và quan hệ với Trung Quốc.
Trong không khí dân chủ, thẳng thắn và trách nhiệm, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã lắng nghe và trả lời thắng thắn các câu hỏi của các đại biểu Quốc hội. Trả lời về vấn đề liên kết vùng để phát triển đối với Đồng bằng sông Cửu Long, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: Liên kết hợp tác để phát triển bền vững là yêu cầu tất yếu, khách quan. Chính phủ nhận rõ sự cần thiết này nhằm khai thác tốt hơn tiềm năng, lợi thế; đầu tư hiệu quả hơn, khắc phục tình trạng dàn trải; liên kết ứng phó với khó khăn thách thức đang đặt ra đối với khu vực Đồng bằng sông Cửu Long mà nếu chỉ một địa phương xử lý sẽ không hiệu quả. Thủ tướng cho biết đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng Quy chế thí điểm liên kết hợp tác các vùng trong các nước, trong đó có vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định: “Trong quá trình chỉ đạo, tôi đã nêu 4 nội dung cần liên kết hợp tác. Một là 12 tỉnh trong Đồng bằng sông Cửu Long phải liên kết hợp tác để đầu tư có hiệu quả các dự án kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội trên cơ sở quy hoạch chung Chính phủ đã phê duyệt cả giao thông, thủy lợi, điện, viễn thông cả các cơ sở sản xuất để sử dụng hiệu quả hơn tránh trùng lặp lãng phí...nhưng việc này cũng rất khó ngay như tôi cũng muốn các đồng chí cùng nhau hợp tác xây dựng nhà máy rác một hai chỗ thôi vì nhà máy rác công suất nhỏ quá thì không hiệu quả nhưng tỉnh nào cũng muốn làm hết, rác tỉnh này không cho tỉnh khác nên cũng rất khó...”
“Thứ hai, Đồng bằng sông Cửu Long cần liên kết hợp tác để phát huy 3 lợi thế nhất, đó là lúa lớn nhất cả nước, cá tra- cá basa- tôm và trái cây. 3 sản phẩm lợi thế nhất nào thì tỉnh nào cũng có thì liên kết hình thành chuỗi giá trị từ giống, gieo trồng, thu hoạch, chế biến đến tiêu thụ vừa có lơi cho người nông dân, vừa nâng cao hiệu quả. Thứ 3 ở Đồng bằng sống Cửu long là liên kết hợp tác sử dụng bền vững nguồn nước, vừa ứng phó hiệu quả với lũ ĐBSCL, không có tỉnh nào tự làm có hiệu quả, tỉnh này đắp đê, tỉnh kia mở cống nên phải liên kết hợp tác. Rồi liên kết hợp tác khắc phục khó khăn, thách thức đặt ra với Đồng bằng sông Cửa Long như mặt bằng giáo dục nhiều chỉ số thấp hơn cả nước, rồi khắc phục đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật và ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất còn hạn chế cho 3 sản phẩm lợi thế cũng hợp tác khắc phục yếu kém về hạ tầng kinh tế xã hội và liên kết hợp tác để bảo đảm an ninh quốc phòng...”
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: Sự cần thiết và nội dung liên kết, hợp tác đã rõ, lãnh đạo các tỉnh cũng đồng tình với Chính phủ nhưng với thể chế, phương thức điều hành hiện nay thì cần có cơ chế gì, chính sách gì, tổ chức liên kết như thế nào vẫn còn rất khó khăn và lúng túng. Chính phủ không thể vội vàng ban hành quy chế thí điểm liên kết vùng để rồi không thực thi được trên thực tế.
Chia sẻ với Đại biểu Danh Út, Đoàn Kiên Giang về thực trạng 300 nghìn hộ đồng bào dân tộc thiểu số thiếu đất sản xuất, đất ở, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh đây là day dứt của Chính phủ, để giải quyết vấn đề này phải làm nhiều biện pháp mà trước hết đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống gắn bó với rừng. Chính phủ đang khẩn trương xây dựng để sớm ban hành Nghị định về vấn đề này với các cơ chế chính sách đặc thù giao rừng, khoán rừng, bảo vệ rừng, trồng rừng gắn với giảm nghèo....cùng với đó là các chính sách khác liên quan đến ngành nghề và tiếp cận các dịch vụ xã hội đối với đồng bào dân tộc thiểu số....
Trả lời câu hỏi của Đại biểu Thân Đức Nam, đoàn Quảng Nam về xử lý nợ xấu có sử dụng ngân sách không? Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định: Ngân sách không có tiền và cũng không sử dụng ngân sách để xử lý nợ xấu. Chính phủ đang tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ các biện pháp nhằm phấn đấu đến năm 2015 đưa nợ xấu trở về mức 3%. Đây là mức nợ xấu thông thường trong nền kinh tế thị trường....
Tại phiên chất vấn Thủ tướng Chính phủ, nhiều đại biểu Quốc hội đã đặt câu hỏi về các vấn đề liên quan đến biển và chủ quyền quốc gia trên biển. Trả lời câu hỏi của đại biểu Đỗ Văn Đương, Đoàn thành phố HCM về khai thác phát huy lợi thế biển, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định: "Căn cứ vào khả năng ngân sách và nợ công, Chính phủ xây dựng kế hoạch tiếp tục đầu tư phát triển kinh tế biển gắn với bảo đảm chủ quyền quốc gia trên biển."
Thượng tọa Thích Thanh Quyết, Đoàn Quảng Ninh đặt câu hỏi: "Từ khi Trung Quốc rút giàn khoan Hải Dương 981 ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế của nước ta, sự kiên quyết, đồng tâm của toàn Đảng, toàn dân là tín hiệu rất tốt cho vượng khí của nước nhà. Song cử tri muốn được nghe Thủ tướng cho biết quan điểm của Đảng, Nhà nước đối với vấn đề biển Đông và Trung Quốc bằng cách nói ngắn gọn nhất, dẽ nghe, dể hiểu nhất và xúc tích nhất?"
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định: "Đối với Trung Quốc cũng như tất cả các quốc gia trên thế giới chúng ta nhất quán kiên trì thực hiện đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước. Việt Nam –Trung Quốc dù mưa nắng, hay bão lũ vẫn mãi là láng giềng. Chúng ta hết sức mong muốn Việt Nam-Trung Quốc chân thành hợp tác để gìn giữ hòa bình, ổn định, hợp tác cùng phát triển, cùng có lợi, để thực hiện thực chất, hiệu quả phương châm 16 chữ và tinh thần 4 tốt, đem lại lợi ích cho cả hai bên. Chúng ta cũng mong muốn hai bên chân thành hợp tác để giải quyết thỏa đáng mà hai bên cùng chấp nhận được về những bất đồng liên quan đến vấn đề biên giới lãnh thổ trên biển đảo theo luật pháp quốc tế, Công ước Luật biển của LHQ 1982, theo thỏa thuận của lãnh đạo cấp cao hai nước về các nguyên tắc chỉ đạo giải quyết các vấn đề trên biển."
Thủ tướng nhấn mạnh: “Tôi xin khái quát với đại biểu 6 chữ, đó là vừa hợp tác, vừa đấu tranh. Chúng ta vừa hợp tác, vừa đấu tranh không chỉ đối với Trung Quốc, để có hòa bình, ổn định, để có hữu nghị, tin cậy lẫn nhau, để có cùng có lợi, cùng phát triển, cùng thịnh vượng, để bảo vệ độc lập chủ quyền thiêng liêng của đất nước, bảo vệ lợi ích chính đáng của chúng ta trên cơ sở đường lối đối ngoại nhất quán của Đảng và Nhà nước đã ghi trong Hiến pháp của nước ta”
Đại biểu Lê Nam, Đoàn Thanh Hóa tiếp tục đặt câu hỏi: “Ngay khi giàn khoan HD 981 chưa rút, Trung Quốc đã thực hiện mạnh mẽ xây dựng các đảo, xây dựng sân bay, biến đảo đá chìm thành lãnh thổ trên các đạo Gạc Ma, Phú Lâm, Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam mà Trung Quốc cưỡng đoạt. Đó là kế sách không đánh mà thắng nhằm độc chiếm biển Đông. Cử tri cả nước đặc biệt quan tâm đến tình hình trên, mong muốn Thủ tướng cho biết kế sách của Chính phủ sẽ như thế nào để bảo vệ trọn vẹn chủ quyền, quyền chủ quyền thiêng liêng của tổ quốc?"
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định: “Ý kiến chất vấn của đại biểu Nam thì tất cả chúng ta, đồng chí, đồng bào cả nước đều biết. Đảo Gạc Ma và một số đảo trong quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam bị Trung Quốc cưỡng chiếm năm 1988. Trong tình thế đó, chúng ta cùng các nước ASEAN ký Tuyên bố chung về thái độ ứng của các bên liên quan trên biển Đông (gọi tắt là DOC): các bên giữ nguyên hiện trạng, không làm phức tạp thêm, mọi tranh chấp giải quyết hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, không dùng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực để giải quyết. Việc Trung Quốc bồi lấp biển nếu theo thông tin báo chí chúng ta cũng đã nêu là ở đảo Chữ Thập là bồi lấp lớn nhất, thành đảo lớn nhất ở quần đảo Trường Sa khoảng 49 ha, lớn hơn cả đảo Ba Bình mà lâu nay chúng ta biết là lớn nhất hiện nay."
"Thưa các vị đại biểu Quốc hội, lập trường chúng ta là phản đối hành động này vì vi phạm điều 5 của DOC - Tuyên bố chung về thái độ ứng của các bên liên quan trên biển Đông mà Trung Quốc là một bên ký kết với các nước ASEAN. Lập trường này, Người phát ngôn Bộ ngoại giao đã nêu nhiều lần nêu rõ và tại Hội nghị Câp cao ASEAN vừa qua, thay mặt Chính phủ tôi đã phát biểu lập trường này ở các hội nghị cả hội nghị cấp cao 10 nước ASEAN, Cấp cao Đông Á với 8 nước, Cấp cao ASEAN + 3, ASEAN +1 và ASEAN với Liên hợp quốc tôi cũng đã phát biểu lập trường này của Việt Nam trước các hội nghị quốc tế...Đó là chủ trương, thái độ của chúng ta và chúng đã bày tỏ rõ ràng thái độ và lập trường này”
Cũng tại phiên chất vấn chiều nay, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khăng định sẽ trả lời tất cả các câu hỏi, các vấn đề và lĩnh vực mà các đại biểu Quốc hội và cử tri cả nước quan tâm. Trả lời của Thủ tướng Chính phủ sẽ đăng tải công khai trên Cổng thông tin điện tử của Chính phủ. Chính phủ nghiêm túc tiếp thu ý kiến xác đáng của các vị đại biểu Quốc hội và đồng bào cử tri cả nước, tiếp tục phát huy những tiến bộ, kết quả đã đạt được, ra sức khắc phục những hạn chế yếu kém, nâng cao hiệu lực hiệu quả quản lý điều hành, nỗ lực cao nhất để cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân phấn đấu thực hiện thắng lợi Nghị quyết của Quốc hội./.