Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự Diễn đàn Đầu tư Mekong-Nhật Bản
VOV.VN -Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, triển vọng tăng trưởng kinh tế Việt Nam mở ra rất nhiều cơ hội hợp tác phát triển cho các doanh nghiệp.
Chiều nay (9/10), theo giờ Việt Nam, tại Thủ đô Tokyo, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng lãnh đạo các nước Mekong đã dự Diễn đàn Đầu tư Mekong-Nhật Bản. Phát biểu tại Diễn đàn, Thủ tướng cho rằng, với tiềm năng của khu vực Mekong và mối quan hệ tốt đẹp Mekong-Nhật Bản, Việt Nam tin tưởng rằng, khu vực Mekong nói chung và Việt Nam nói riêng sẽ là điểm đến tin cậy của nhà đầu tư Nhật Bản.
Diễn đàn thu hút sự tham dự của khoảng 600 đại biểu, chủ yếu là các doanh nghiệp Nhật bản và Mekong.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Diễn đàn đầu tư Mekong-Nhật Bản. Ảnh: VGP/Quang Hiếu |
Tại diễn đàn, cả 5 nhà lãnh đạo các nước Mekong đều có bài phát biểu, nhấn mạnh đến tiềm năng hợp tác đầu tư giữa Mekong và Nhật Bản, trong đó nêu lên những cơ hội và nhu cầu cụ thể của từng nước cũng như của cả vùng.
Phát biểu tại Diễn đàn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá, Diễn đàn có ý nghĩa quan trọng kết nối giữa các chính phủ và với các doanh nghiệp, tạo nên những liên kết, hợp tác thực chất cho phát triển thịnh vượng của khu vực Mekong. Thông tin đến các nhà đầu tư về tiềm năng, lợi thế khu vực Mekong, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh đến khu vực có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao nhất thế giới với bình quân là 6% trong năm ngoái; quy mô dân số tới 240 triệu người và GDP là 800 tỷ USD, là khu vực xuất khẩu lớn thứ 9 thế giới.
Nằm ở trung tâm Châu Á phát triển năng động, Thủ tướng cho biết, khu vực Mekong đang trỗi dậy với quyết tâm, tiềm năng và sức mạnh. Các nước Mekong đã thống nhất Tầm nhìn về một khu vực phát triển bền vững, hài hòa, cân bằng, phát triển bền vững, bao trùm. Để thực thi tầm nhìn này, Thủ tướng nhấn mạnh đến vai trò trung tâm cộng đồng doanh nghiệp, nơi khởi nguồn những ý tưởng sáng tạo, phát huy nội lực.
Thông tin về tiềm năng đầu tư tại Việt Nam, Thủ tướng nhấn mạnh đến môi trường chính trị xã hội và vĩ mô ổn định, tăng trưởng kinh tế luôn duy trì ở mức cao với mức tăng gần 7% của 9 tháng năm nay. Việt Nam có địa chính trị, địa kinh tế, địa thương mại chiến lược quan trọng trong khu vực và trên thế. Thị trường chứng khoán thuộc nhóm thị trường tăng trưởng cao nhất thế giới. Việt Nam cũng được đánh giá là công xưởng mới của thế giới, là trung tâm công nghiệp mới với độ mở thương mại 200%GDP. Cho biết có 16 hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã và sắp ký, Thủ tướng nhấn mạnh đến Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) mà Việt Nam và Nhật Bản là hai nước đi đầu thúc đẩy đàm phán, ký kết.
“Riêng với Nhật Bản, Việt Nam vừa có FTA song phương, vừa có FTA đa phương trong khuôn khổ ASEAN. Chúng ta đã ký kết CPTPP, chúng ta đang tiến gần đến Hiệp định RCEP. Việt Nam và Nhật Bản đều là những quốc gia tham gia rất sâu rộng vào chuỗi giá trị toàn cầu. Với những tiềm năng và lợi thế của mình để các tập đoàn đa quốc gia đa dạng hóa, làm mới và tạo ra sự khác biệt cho sự cung ứng của mình. Quy mô dân số của Việt Nam đã tiệm cận gần 100 triệu dân, tức đã gần bằng Nhật Bản, nhưng Việt Nam có dân số trẻ với độ tuổi trung bình là 31, đa phần được đào tạo tốt, có kỹ năng, khéo léo và khả năng thích ứng cao. Theo Ngân hàng Thế giới thì trung bình mỗi năm Việt Nam có khoảng 1,5 triệu người gia nhập tầng lớp trung lưu toàn cầu và dự kiến đạt mức 33 triệu người, tương đương 33% dân số vào năm 2022”- Thủ tướng nói.
Toàn cảnh Diễn đàn.Ảnh: VGP/Quang Hiếu |
Thủ tướng cũng nêu lên những tiềm năng về phát triển thương mại đầu tư và nền kinh tế số ở Việt Nam với việc nhiều người dân sử dụng internet và điện thoại di động. Việt Nam cũng thành công trong thu hút đầu tư nước ngoài với 26 nghìn dự án, tổng vốn gần 330 tỷ USD, trong đó năm ngoái, Nhật Bản trở lại là nhà đầu tư lớn nhất tại Việt Nam. Các kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp Nhật Bản luôn được Chính phủ Việt Nam ghi nhận và giải quyết. Việc thực hiện Sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản được khởi xướng năm 2003 được các nhà đầu tư Nhật Bản đánh giá cao, góp phần cải thiện môi trường đầu tư của Việt Nam.
Việt Nam cũng đang thúc đẩy xây dựng Chính phủ liêm chính kiến tạo phát triển, hành động, phục vụ người dân, doanh nghiệp để tạo dựng môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi.
Thủ tướng cũng cho biết, Việt Nam ưu tiên thu hút đầu tư công nghệ cao vào phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, năng lượng; công nghiệp chế tạo; nông nghiệp chất lượng cao; tài chính, ngân hàng; y tế chất lượng cao... Thủ tướng nhấn mạnh, Chính phủ Việt Nam đặt ưu tiên về chất lượng của các dự án đầu tư hơn là số lượng.
Nêu lên các tiềm năng và triển vọng đó, Thủ tướng cho rằng, Việt Nam có nhiều cơ hội lớn cho các nhà đầu tư Nhật Bản và Mekong
Trong bài phát biểu, Thủ tướng nhấn mạnh, quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam-Nhật Bản đang ở giai đoạn phát triển tốt đẹp nhất với sự phát triển toàn diện và thực chất trên nhiều lĩnh vực.
Thủ tướng cũng cho rằng, Việt Nam và các nước Mekong có nhiều điểm tương đồng về văn hóa, con người với Nhật Bản, đó là lý do căn nguyên để hợp tác tiếp tục thành công./. Nâng cấp hợp tác Mekong-Nhật Bản lên Quan hệ đối tác chiến lược
Họp báo công bố kết quả Hội nghị Cấp cao Hợp tác Mekong- Nhật Bản
Thủ tướng gửi thông điệp mạnh mẽ tới các doanh nghiệp Nhật Bản
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản
Đưa quan hệ Việt - Nhật bước vào giai đoạn phát triển mới