Thủ tướng: Phát huy nguồn lực của tôn giáo để phát triển đất nước

VOV.VN - Thủ tướng nhắc lại lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh là đoàn kết toàn dân, đặc biệt là đoàn kết các tôn giáo với nhau là vấn đề sống còn.

Sáng nay, 9/8, tại Thành phố Đà Nẵng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gặp mặt, biểu dương chức sắc, chức việc tôn giáo có đóng góp tiêu biểu trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc.

Phát biểu tại buổi gặp mặt, Thủ tướng nhấn mạnh, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các cơ quan Trung ương lắng nghe ý kiến chân thành của các tổ chức tôn giáo, tiếng nói từ trái tim, trách nhiệm với cộng đồng theo đạo hoặc không theo đạo của nước ta. 

Thủ tướng phát biểu tại buổi gặp mặt.

Cùng dự có Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình; Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai; Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn; lãnh đạo các bộ, ngành, thành phố Đà Nẵng; 126 chức sắc, chức việc tiêu biểu của 43 tổ chức tôn giáo.

Phát biểu tại buổi gặp mặt, các chức sắc, chức việc đại diện các tôn giáo đều khẳng định luôn mong muốn góp phần vào xây dựng và bảo vệ tổ quốc, vào khối đại đoàn kết dân tộc.

Thời gian qua, các tổ chức tôn giáo đã có nhiều hoạt động thiết thực, đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Chức sắc, chức việc các tôn giáo đã hướng dẫn tín đồ cách làm giàu, vươn lên thoát nghèo, nêu cao tinh thần yêu nước, ý thức tự lực tự cường, chung sức đồng lòng cùng với Đảng, Nhà nước bảo vệ độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ.   

Tôn giáo cũng đã góp phần đảm bảo an sinh xã hội qua các hoạt động từ thiện, tham gia chủ trương xã hội hóa, y tế, giáo dục. Đại diện các tôn giáo phát biểu cho biết, đã huy động được hàng chục tỷ đồng để hỗ trợ các hoàn cảnh khó khăn, người nghèo, cứu trợ khẩn cấp cho người dân các vùng thiên tai. Theo thống kê, hiện cả nước có trên 500 cơ sở y tế, phòng khám chữa bệnh từ thiện do các tổ chức tôn giáo thành lập để chăm sóc sức khỏe cho nhân dân.

Chia sẻ về việc thực hiện các hoạt động có ý nghĩa này của công giáo, Giám mục Vũ Đình Hiệu, Giám mục giáo phận Bùi Chu, Chủ tịch Ủy ban bác ái xã hội thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam cho biết: "Đây là một sự phục vụ bằng cả trái tim. Người công giáo nói chung cũng như hội viên Caritas Việt Nam mong muốn phục vụ những người nghèo khổ, neo đơn, bệnh tật bằng cả trái tim, khởi đi bằng việc thực hành giới răn mến Chúa yêu người. Đồng thời người công giáo cũng được hướng dẫn bằng học thuyết của giáo hội về các vấn đề xã hội để biết ứng xử và thích nghi trong môi trường hoàn cảnh sống của mình. Từ đó chúng tôi áp dụng ba điều: sống Tốt đời, đẹp đạo; sống phúc âm giữa lòng dân tộc; người công giáo tốt cũng là người công dân tốt.

Toàn cảnh buổi gặp mặt.

Phát biểu tại buổi gặp mặt, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, mọi tôn giáo đều tồn tại trọng lòng dân tộc, lợi ích của từng tôn giáo cũng gắn liền với lợi ích của quốc gia, dân tộc. Đoàn kết tôn giáo, hoà hợp dân tộc, tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo và không tín ngưỡng, tôn giáo là những chủ trương cơ bản của Đảng, Nhà nước ta. Nhấn mạnh điều này, Thủ tướng nhắc lại lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh là đoàn kết toàn dân, đặc biệt là đoàn kết các tôn giáo với nhau là vấn đề sống còn, quyết định sự thành bại của sự nghiệp cách mạng, sự tồn vong của dân tộc ta.

 

Đánh giá cao các đại biểu đã nêu nhiều ý kiến tâm huyết, mang tính xây dựng, có giá trị lý luận và thực tiễn, Thủ tướng nhấn mạnh, các ý kiến này sẽ được tiếp thu để nghiên cứu và đưa ra các chính sách tôn giáo trong thời gian tới.

"Các ý kiến mà quý vị nêu ra hôm nay như ý kiến của một số chức sắc đã nêu, không chỉ là con số mà còn là tấm lòng yêu thương đến mọi người. Có vị đã nói ở Việt Nam chúng ta có 43 tôn giáo được pháp luật công nhận, nhưng bàn thờ Tổ quốc chỉ có một. Chúng ta quyết đoàn kết, phụng sự nhân dân, phụng sự Tổ quốc. Quý vị cũng nói, chủ trương của Đảng, Nhà nước, của công tác đại đoàn kết toàn dân là phù hợp với lòng dân. Tôi cho rằng những ý kiến như vậy rất tâm huyết, rất có ý nghĩa với dân tộc, đất nước ta trong giai đoạn vừa qua và trong giai đoạn tới đầy thách thức, khó khăn"- Thủ tướng chia sẻ.

Thủ tướng cho rằng, thời gian qua, những điểm tương đồng giữa tôn giáo với xã hội, giữa giáo lý, giáo luật với các quy định của pháp luật nhà nước ngày càng được phát huy; mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh đã gắn bó chặt chẽ đồng bào các tôn giáo đoàn kết cùng nhân dân cả nước phấn đấu cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. 

Với giáo lý nhân văn, bác ái của mình, các tôn giáo ở Việt Nam đã cụ thể hóa thành những hành động thiết thực, cứu người, giúp đời, chung tay cùng đồng bào tôn giáo và đồng bào không có tôn giáo xây dựng đất nước ngày càng giàu mạnh.

Thủ tướng cũng đánh giá, công tác đối ngoại tôn giáo được mở rộng, góp phần giới thiệu về đất nước, con người, lịch sử, văn hóa của Việt Nam đến với bạn thế giới. Điển hình là Đại lễ Vesak năm 2019 tại Hà Nam đã được tổ chức thành công với đại biểu từ 112 quốc gia và vùng lãnh thổ tham dự; hay Công giáo tổ chức Tổng hội Dòng Đa minh thế giới tại Đồng Nai, với đại biểu của hơn 80 Quốc gia và vùng lãnh thổ tham dự...

Bên cạnh những kết quả đạt được, Thủ tướng cho rằng, hoạt động tôn giáo, công tác tôn giáo cũng đang phải đối diện với những khó khăn, thách thức như hành lang pháp lý chưa hoàn thiện, thiếu đồng bộ; Việc triển khai thực hiện một số nội dung của Luật tín ngưỡng, tôn giáo còn lúng túng, thiếu thống nhất trong xử lý. Trong đời sống xã hội vẫn còn một số hiện tượng tín ngưỡng mới, tà đạo hoạt động mê tín dị đoan, trục lợi, trái thuần phong mỹ tục, ảnh hưởng đến sức khỏe, thời gian, tiền bạc của nhân dân. Vẫn còn tình trạng lợi dụng tôn giáo để chia rẽ khối đoàn kết dân tộc, gây phức tạp về an ninh, trật tự xã hội ảnh hưởng đến uy tín của Việt Nam trong tiến trình hội nhập.

Từ thực tế đó và nêu lên những nhiệm vụ quan trọng trong phát triển đất nước thời gian tới, Thủ tướng nhấn mạnh đến vai trò của các chức sắc, chức việc, nhà tu hành và đồng bào theo tôn giáo.

"Tôi đề nghị quý vị chức sắc, chức việc, lãnh đạo các tổ chức tôn giáo tiếp tục đồng hành với Chính phủ và chính quyền các cấp, gương mẫu, trách nhiệm, tận tụy, hướng dẫn, động viên chức sắc, chức việc, tín đồ tôn giáo thực hiện đúng phương châm, đường hướng hành đạo gắn bó đồng hành với dân tộc. Phát huy những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp và nguồn lực của tôn giáo cho quá trình phát triển đất nước. Quan tâm chăm lo đời sống vật chất và tinh thân của nhân dân; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng cùng giải quyết những khó khăn, vướng mắc với tinh thần xây dựng, thiện chí và khách quan. Nguyên tắc chung là phải nhìn nhận và giải quyết các vấn đề liên quan đến tôn giáo trên tinh thần thượng tôn pháp luật và đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo và tự do không tôn giáo của mọi người dân".

Ngoài đề nghị trên, Thủ tướng cho rằng, cùng với việc phối hợp chặt chẽ với chính quyền các cấp bảo đảm hoạt động tôn giáo theo đúng tôn chỉ, đường hướng, hiến chương, đúng pháp luật thì cần không để các hoạt động lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo mê tín dị đoan, trục lợi, gây bức xúc trong xã hội, chia rẽ nhân dân, phá hoại khối đoàn kết dân tộc, đoàn kết tôn giáo; nêu cao tinh thần cảnh giác, không để các thế lực lợi dụng chống phá ta về “dân chủ, nhân quyền và tự do tôn giáo”, cản trở Việt Nam trong hội nhập và hợp tác quốc tê.

Thủ tướng nhấn mạnh, không một quốc gia đa tôn giáo nào trên thế giới mà các tôn giáo, tín đồ tôn giáo lại sống bình đẳng như ở Việt Nam, một đất nước không có xung đột sắc tộc, xung đột tôn giáo. Các tôn giáo ở nước ta cùng đoàn kết, hợp tác dưới sự lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước, được pháp luật công nhân và bảo vệ.

Tính đến tháng 8/2019, nhà nước ta đã công nhận và cấp đăng ký hoạt động cho 43 tổ chức tôn giáo thuộc 16 tôn giáo, với khoảng 26 triệu tín đồ, gần 56 nghìn chức sắc, gần 146 nghìn chức việc, hơn 29 nghìn cơ sở thờ tự tôn giáo; khoảng 45 nghìn cơ sở tín ngưỡng, trong đó có hơn 3.000 di tích gắn với cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo, một số di tích được UNESCO công nhận là di sản thế giới./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Thủ tướng đánh giá cao vai trò chức sắc, chức việc tổ chức tôn giáo
Thủ tướng đánh giá cao vai trò chức sắc, chức việc tổ chức tôn giáo

VOV.VN - Thủ tướng đánh giá cao các chức sắc, chức việc có nhiều ý kiến tâm huyết, thể hiện tinh thần xây dựng Tổ quốc.

Thủ tướng đánh giá cao vai trò chức sắc, chức việc tổ chức tôn giáo

Thủ tướng đánh giá cao vai trò chức sắc, chức việc tổ chức tôn giáo

VOV.VN - Thủ tướng đánh giá cao các chức sắc, chức việc có nhiều ý kiến tâm huyết, thể hiện tinh thần xây dựng Tổ quốc.

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp đoàn đại biểu chức sắc tôn giáo
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp đoàn đại biểu chức sắc tôn giáo

VOV.VN -Phó Thủ tướng khẳng định, sau ngày thành lập nước Bác Hồ đã nêu 6 nhiệm vụ cấp bách, trong đó tuyên bố tôn giáo tự do, giáo lương đoàn kết.

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp đoàn đại biểu chức sắc tôn giáo

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp đoàn đại biểu chức sắc tôn giáo

VOV.VN -Phó Thủ tướng khẳng định, sau ngày thành lập nước Bác Hồ đã nêu 6 nhiệm vụ cấp bách, trong đó tuyên bố tôn giáo tự do, giáo lương đoàn kết.

Phó Chủ tịch nước tiếp Đoàn nữ chức sắc, chức việc tiêu biểu
Phó Chủ tịch nước tiếp Đoàn nữ chức sắc, chức việc tiêu biểu

VOV.VN -Phó Chủ tịch nước mong muốn các nữ chức sắc, chức việc, nữ tu tôn giáo tiêu biểu dù ở cương vị nào cũng tiếp tục sống tốt đời đẹp đạo.

Phó Chủ tịch nước tiếp Đoàn nữ chức sắc, chức việc tiêu biểu

Phó Chủ tịch nước tiếp Đoàn nữ chức sắc, chức việc tiêu biểu

VOV.VN -Phó Chủ tịch nước mong muốn các nữ chức sắc, chức việc, nữ tu tôn giáo tiêu biểu dù ở cương vị nào cũng tiếp tục sống tốt đời đẹp đạo.