Thủ tướng: Thúc đẩy mạnh mẽ và nâng cao hiệu quả đầu tư nước ngoài vào Việt Nam

VOV.VN - Thủ tướng đề nghị các đại biểu, đại diện doanh nghiệp, các nhà đầu tư tập trung trao đổi thẳng thắn, chân thành, cởi mở trên nguyên tắc “khó khăn ở đâu thì tháo gỡ ở đó; vướng mắc ở cấp nào thì cấp đó giải quyết”, các Bộ, ngành, địa phương trao đổi, giải đáp về các đề xuất, kiến nghị của các doanh nghiệp, nhà đầu tư.

Phát biểu tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ gặp mặt các nhà đầu tư nước ngoài diên ra vào sáng nay 22/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, chúng ta cần phải có niềm tin sự chia sẻ, lắng nghe thấu hiểu và đồng hành, xác định rõ những điểm nghẽn khó khăn, vướng mắc thời cơ thuận lợi, trên cơ sở đó đề ra những nhiệm vụ giải pháp cụ thể để tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ và nâng cao hiệu quả đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.

Cùng dự có Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang, lãnh đạo các Ban, Bộ ngành trung ương và địa phương, đại diện các hiệp hội, tập đoàn, doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài. Hội nghị diễn ra theo hình thức trực tiếp và trực tuyến.

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, hội nghị hôm nay có ý nghĩa rất quan trọng, nhất là trong bối cảnh tình hình thế giới diễn biến nhanh, phức tạp, nhiều vấn đề chưa có tiền lệ, vượt dự báo; nền kinh tế Việt Nam tiếp tục gặp nhiều khó khăn, thách thức. Chính phủ Việt Nam mong muốn được lắng nghe các ý kiến và đề xuất, kiến nghị cụ thể của các nhà đầu tư nước ngoài để tiếp tục rà soát, hoàn thiện thể chế, pháp luật, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh trên nguyên tắc “lợi ích hài hoà, rủi ro chia sẻ” và với tinh thần đồng hành, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, nhà đầu tư.

“Đảng, Nhà nước luôn đặc biệt quan tâm và xác định rõ, khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài (khu vực FDI) là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế Việt Nam, được khuyến khích, tạo điều kiện phát triển lâu dài, hợp tác và cạnh tranh lành mạnh với các khu vực kinh tế khác. Nhà nước tôn trọng, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của nhà đầu tư; bảo đảm hài hoà lợi ích giữa Nhà nước, nhà đầu tư và người lao động trong doanh nghiệp, không hình sự hóa các quan hệ kinh tế và dân sự nhưng xử lý nghiêm những người vi phạm pháp luật theo quy định, để bảo đảm bảo vệ những người làm ăn chân chính tuân thủ pháp luật và có trách nhiệm với cộng đồng với sự phát triển chung"- Thủ tướng nói.

Thủ tướng đánh giá cao sự quyết tâm, nghiêm túc và hiệu quả của các doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài trong quá trình hoạt động đầu tư kinh doanh tại VN thời gian qua. Thủ tướng nhấn mạnh, sự tin cậy, chân thành và trách nhiệm là những yếu tố quyết định, là chìa khóa cho sự hợp tác thành công giữa đôi bên - khi chúng ta chân thành và tin cậy lẫn nhau thì những khó khăn, vướng mắc sẽ được giải quyết dễ dàng, kịp thời và hiệu quả cao hơn.

Thủ tướng cho rằng, tình hình thế giới khu vực tiếp tục diễn biến nhanh phức tạp khó lường ảnh hưởng đến nhiều lĩnh vực kinh tế chính trị, xã hội, nhất là các hoạt động đầu tư nước ngoài, đặc biệt việc OECD có kế hoạch áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu từ năm 2024 sẽ tác động ảnh hưởng lớn đầu tư nước ngoài cũng như thu hút đầu tư nước ngoài của các quốc gia trong khu vực. Trong bối cảnh đó, bên cạnh việc kiên định các vấn đề có tính nguyên tắc, việc thích ứng linh hoạt an toàn sáng tạo, phản ứng chính sách kịp thời, hiệu quả đối với các vấn đề cụ thể về đầu tư nước ngoài rất quan trọng mang tính quyết định đối với cả quản trị quốc gia và quản trị doanh nghiệp, để thích ứng linh hoạt một cách hiệu quả trước tiên chúng ta cần phải có niềm tin sự chia sẻ, lắng nghe thấu hiểu và đồng hành, xác định rõ những điểm nghẽn khó khăn, vướng mắc thời cơ thuận lợi, trên cơ sở đó đề ra những nhiệm vụ giải pháp cụ thể để tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ và nâng cao hiệu quả đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.

Thủ tướng đề nghị các đại biểu, đại diện doanh nghiệp, các nhà đầu tư tập trung trao đổi thẳng thắn, chân thành, cởi mở trên nguyên tắc “khó khăn ở đâu thì tháo gỡ ở đó; vướng mắc ở cấp nào thì cấp đó giải quyết”, các Bộ, ngành, địa phương trao đổi, giải đáp về các đề xuất, kiến nghị của các DN, nhà đầu tư và có giải pháp cụ thể trên tinh thần chân thành, thẳng thắn, cầu thị, xử lý công việc, vấn đề đặt ra phải kịp thời, hiệu quả trên tinh thần, cân đối hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, Doanh nghiệp và Nhân dân.

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và đầu tư, trong năm 2022, môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được cải thiện, góp phần thúc đẩy việc thu hút đầu tư trong nước và nước ngoài trong bối cảnh rất khó khăn. Vốn đầu tư toàn xã hội năm 2022 tăng 11,2%, trong đó, vốn FDI thực hiện đạt 22,4 tỷ USD. Tính đến hết quý I/2023, các nhà đầu tư từ 143 quốc gia, vùng lãnh thổ đã đầu tư vào Việt Nam với tổng số khoảng 37 nghìn dự án còn hiệu lực và tổng vốn đầu tư gần 445 tỷ USD, đóng góp khoảng 20%GDP, tạo việc làm, thu nhập cho hàng triệu lao động. Khu vực FDI ngày càng khẳng định vai trò là khu vực kinh tế năng động, đóng góp tích cực vào thành tựu phát triển KTXH, hội nhập quốc tế của Việt Nam, góp phần nâng cao vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.

Việt Nam là một số ít quốc gia được các tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế uy tín nâng mức tín nhiệm quốc gia trong bối cảnh cả thế giới gặp khó khăn và Việt Nam là quốc gia được đánh giá cao trong việc xây dựng, phát triển và có thương hiệu quốc gia đạt tốc độ tăng trưởng giá trị nhanh nhất thế giới trong giai đoạn 2020-2022./.

Tại hội nghị, các đại biểu đã thảo luận thẳng thắn, sôi nổi, khẩn trương và hiệu quả, nhiều ý kiến tâm huyết, sâu sắc, trách nhiệm của đại diện các doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài. Đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành, địa phương cũng đã báo cáo, trao đổi, làm rõ thêm những vấn đề mà các bên cùng quan tâm.

Sau khi nghe các ý kiến phát biểu, kết luận hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính thay mặt Chính phủ Việt Nam, ghi nhận, đánh giá cao và trân trọng cảm ơn sự chung tay, đồng hành, hỗ trợ, chia sẻ khó khăn của cộng đồng DN, nhà đầu tư nói chung và các DN, nhà đầu tư nước ngoài nói riêng trong thời qua, nhất là trong cuộc chiến phòng chống dịch COVID-19 và nỗ lực cùng Việt Nam vượt qua thách thức, thực hiện mục tiêu phục hồi nhanh và phát triển bền vững.

Thủ tướng nhấn mạnh, thời gian tới, tình hình thế giới, khu vực dự báo diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường, nhiều vấn đề mới phát sinh, khó khăn, thách thức tiếp tục nhiều hơn thời cơ, thuận lợi, tác động, ảnh hưởng đa chiều đến các quốc gia, trong đó có Việt Nam . Vì vậy, cần tăng cường phân tích, đánh giá tình hình, dự báo những vấn đề quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến Việt Nam để có đối sách phù hợp, vì lợi ích chung của cả 2 phía: cộng đồng DN, nhà đầu tư và Nhà nước, Nhân dân Việt Nam.

Về quan điểm xây dựng các yếu tố nền tảng thu hút đầu tư Thủ tướng yêu cầu, thực hiện nhất quán mục tiêu ưu tiên kiểm soát lạm phát, ổn định vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; qua đó tạo nền tảng vững chắc và điều kiện thuận lợi để thu hút đầu tư.

Tiếp tục quyết liệt tháo gỡ khó khăn cho SXKD, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh theo tinh thần “lợi ích hài hoà, rủi ro chia sẻ”; tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư làm ăn, kinh doanh có hiệu quả, lâu dài, bền vững tại Việt Nam.

Tập trung huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực; lấy nội lực là cơ bản, quyết định, lâu dài; ngoại lực là quan trọng, đột phá; trong đó xác định rõ đầu tư nước ngoài là một nguồn lực quan trọng để góp phần thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm công ăn, việc làm, đời sống cho Nhân dân.

Đẩy mạnh xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, toàn diện thực chất, hiệu quả. Nâng cao sức chống chịu và khả năng cạnh tranh của nền kinh tế.

Đồng thời, tiếp tục tập trung xây dựng, hoàn thiện các yếu tố nền tảng căn bản, mang tính cốt lõi của Việt Nam là xây dựng nền dân chủ XHCN; Nhà nước pháp quyền XHCN; Nền kinh tế thị trường định hướng XHCN.

Về định hướng thu hút đầu tư Thủ tướng chỉ rõ, Việt Nam tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi, xây dựng môi trường đầu tư kinh doanh an toàn, minh bạch, có tính cạnh tranh cao để cộng đồng DN, nhà đầu tư, trong đó có các nhà đầu tư nước ngoài yên tâm đầu tư lâu dài tại Việt Nam với tinh thần bình đẳng, cùng phát triển, cùng có lợi, cùng có trách nhiệm với xã hội, người lao động, bảo vệ môi trường; đặc biệt là bảo đảm lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ (như tôi đã nêu trên đây).

Việt Nam chủ trương thu hút, hợp tác đầu tư có chọn lọc, lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường là tiêu chí đánh giá chủ yếu. Trong đó, ưu tiên thu hút các dự án trên 3 phương diện: Thuộc lĩnh vực công nghệ cao, đổi mới sáng tạo, nghiên cứu phát triển; Tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị; Thúc đẩy kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và đóng góp tích cực vào sự phát triển bền vững.

Việt Nam cam kết tạo lập môi trường kinh doanh tốt nhất hướng đến các chuẩn mực của OECD. Đó là: Giữ vững ổn định chính trị xã hội và kinh tế vĩ mô; Tháo gỡ những điểm nghẽn của nền kinh tế về thể chế pháp luật, hạ tầng cơ sở và nguồn nhân lực; Phát triển các chuỗi cung ứng, giảm chi phí giao dịch, đặc biệt là chi phí về logistics và chi phí hành chính; Xây dựng môi trường - chính sách ổn định, có tính dự báo cao, bảo đảm thực thi minh bạch và đề cao trách nhiệm giải trình.

Về vấn đề OECD áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu Thủ tướng khẳng định, Việt Nam luôn đề cao việc tuân thủ luật pháp và chủ động, tích cực tham gia các cam kết chung của quốc tế, trong đó có các cam kết về thuế tối thiểu toàn cầu của OECD. Đồng thời, Việt Nam sẽ tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài trên cơ sở hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, nhà đầu tư và người dân.

Chính phủ đã và đang chỉ đạo khẩn trương rà soát, có các giải pháp thu hút đầu tư, hỗ trợ khác ngoài thuế trên cơ sở không trái với các quy định và cam kết quốc tế, hài hòa lợi ích giữa các bên, bảo đảm ứng xử bình đẳng giữa các doanh nghiệp như hỗ trợ liên quan đến đất đai; chi phí nghiên cứu khoa học và công nghệ; cải cách thủ tục hành chính; phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân; đào tạo nguồn nhân lực; phát triển hạ tầng…để khuyến khích các nhà đầu tư hiện hữu và các nhà đầu tư mới.

Bên cạnh đó, tập trung rà soát, hoàn thiện thể chế, quy định và xây dựng lộ trình áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm quốc tế và áp dụng phù hợp với Việt Nam trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Về nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thời gian tới Thủ tướng yêu cầu, các Bộ, ngành, địa phương, tiếp tục quán triệt, triển khai nghiêm túc, hiệu quả chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi hơn nữa với phương châm “Lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu, động lực và nguồn lực phát triển”.

Tiếp tục đánh giá thực trạng tình hình, rà soát, tập trung hoàn thiện thể chế, tập trung triển khai đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 06/01/2023 của Chính phủ và Chỉ thị số 03 ngày … của Thủ tướng Chính phủ.

Đối với các kiến nghị, đề xuất của DN, nhà đầu tư, trong đó có nhà đầu tư nước ngoài, cần nghiêm túc lắng nghe với tinh thần cầu thị; đẩy mạnh hợp tác công tư, khơi thông, sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển, trong đó có phát triển hệ thống hạ tầng chiến lược gắn với hoàn thiện thể chế, đào tạo nhân lực chất lượng cao; tăng cường công tác nắm tình hình, dự báo sát thực tiễn để có phản ứng chính sách phù hợp, linh hoạt, kịp thời ứng phó với các tình huống phát sinh, nhất là những cơ chế, chính sách phù hợp, tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư trong nước, ngoài nước, thúc đẩy sự hợp tác chặt chẽ, hiệu quả giữa Nhà nước, người dân, doanh nghiệp.

Đối với cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư Thủ tướng yêu cầu,  xây dựng chiến lược kinh doanh lâu dài, bền vững, thân thiện môi trường, tập trung vào các ngành mới nổi như chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức, ứng phó biến đổi khí hậu.

Thực hiện tốt văn hóa doanh nhân, chế độ, chính sách đối với người lao động và đồng hành với chính quyền các cấp, góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đem lại giá trị gia tăng cao, vì lợi ích của DN, nhà đầu tư và đóng góp cho Nhà nước, Nhân dân Việt Nam.

Các doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài cần nêu cao tinh thần “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”; “đã nói là phải làm; đã cam kết phải thực hiện hiệu quả”, bằng năng lực, trí tuệ, kinh nghiệm để chuyển hóa những khó khăn, thách thức thành cơ hội, động lực phát triển.

Chủ động đổi mới mô hình sản xuất kinh doanh, tái cấu trúc doanh nghiệp gắn với phát triển theo kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, không ngừng đổi mới, sáng tạo, xây dựng và nâng cao thương hiệu..

Thủ tướng đề nghị, các hiệp hội cần kịp thời thông tin, báo cáo các vướng mắc, khó khăn của các hội viên, DN, nhà đầu tư trong quá trình hoạt động đầu tư kinh doanh tại Việt Nam; kịp thời kiến nghị, đề xuất các chính sách, pháp luật phù hợp.

Nhân dịp này, Thủ tướng kêu gọi các doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục giữ vững niềm tin, nêu cao tinh thần hợp tác cùng có lợi, khắc phục khó khăn, vượt qua thử thách, “biến nguy thành cơ”, tiếp tục đồng hành và phát triển bền vững, hiệu quả cùng Việt Nam - Thành công của các nhà đầu tư cũng là thành công của Việt Nam.

Việt Nam luôn chào đón và tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư cùng thắng, cùng Việt Nam phát triển.

Đồng thời, Thủ tướng đề nghị chúng ta hãy cùng chung tay, chung sức, đồng lòng, bằng những hành động thiết thực, hiệu quả, nỗ lực phấn đấu vì một thế giới hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển và không ai bị bỏ lại phía sau.

Thủ tướng nhấn mạnh, nguồn lực bắt nguồn từ tư duy; Động lực bắt nguồn từ đổi mới; Thành công đến từ niềm tin và sự chung tay, chia sẻ. Chỉ có xuất phát từ tư duy đúng đắn, đổi mới quyết liệt, niềm tin vững chắc và sự chung tay, chia sẻ chân thành mới giúp chúng ta cùng vượt qua những khó khăn, thử thách rất lớn hiện nay.

Thủ tướng mong muốn và tin tưởng rằng, với tinh thần đoàn kết, sẻ chia, chung tay, cộng đồng  DN, nhà đầu tư nói chung và các nhà đầu tư nước ngoài nói riêng sẽ luôn đồng hành cùng Chính phủ và Nhân dân Việt Nam nỗ lực khắc phục khó khăn, vượt qua thách thức, tiếp tục quyết liệt hành động và đạt được nhiều thành công hơn nữa, mang lại lợi ích thiết thực, lâu dài, bền vững cho cả cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư, Nhà nước và Nhân dân Việt Nam./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Hội nghị Thủ tướng Chính phủ gặp mặt các nhà đầu tư nước ngoài
Hội nghị Thủ tướng Chính phủ gặp mặt các nhà đầu tư nước ngoài

VOV.VN - Sáng nay (22/4), Hội nghị Thủ tướng Chính phủ gặp mặt các nhà đầu tư nước ngoài đã được diễn ra dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính.

Hội nghị Thủ tướng Chính phủ gặp mặt các nhà đầu tư nước ngoài

Hội nghị Thủ tướng Chính phủ gặp mặt các nhà đầu tư nước ngoài

VOV.VN - Sáng nay (22/4), Hội nghị Thủ tướng Chính phủ gặp mặt các nhà đầu tư nước ngoài đã được diễn ra dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính.

Chính phủ ban hành Nghị quyết hỗ trợ doanh nghiệp thích ứng, phục hồi nhanh
Chính phủ ban hành Nghị quyết hỗ trợ doanh nghiệp thích ứng, phục hồi nhanh

VOV.VN - Nghị quyết nêu rõ: Hỗ trợ giảm chi phí cho doanh nghiệp, tăng cường khả năng tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi, nguồn lực hỗ trợ của nhà nước.

Chính phủ ban hành Nghị quyết hỗ trợ doanh nghiệp thích ứng, phục hồi nhanh

Chính phủ ban hành Nghị quyết hỗ trợ doanh nghiệp thích ứng, phục hồi nhanh

VOV.VN - Nghị quyết nêu rõ: Hỗ trợ giảm chi phí cho doanh nghiệp, tăng cường khả năng tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi, nguồn lực hỗ trợ của nhà nước.

Thủ tướng: Khuyến khích và bảo vệ người dám khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
Thủ tướng: Khuyến khích và bảo vệ người dám khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo

VOV.VN - Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương tạo môi trường, điều kiện, cơ sở pháp lý thuận lợi để thanh niên khởi nghiệp; khuyến khích và bảo vệ những người dám khởi nghiệp, dám đổi mới sáng tạo.

Thủ tướng: Khuyến khích và bảo vệ người dám khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo

Thủ tướng: Khuyến khích và bảo vệ người dám khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo

VOV.VN - Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương tạo môi trường, điều kiện, cơ sở pháp lý thuận lợi để thanh niên khởi nghiệp; khuyến khích và bảo vệ những người dám khởi nghiệp, dám đổi mới sáng tạo.