Thủ tướng yêu cầu làm rõ vì sao tình trạng khai thác hải sản bất hợp pháp vẫn còn?
VOV.VN - Thủ tướng yêu cầu kiểm điểm làm rõ vì sao vẫn còn tình trạng khai thác hải sản bất hợp pháp, không theo quy định. Xử ý tốt vấn đề này vì lợi ích quốc gia, hình ảnh của đất nước nên không làm qua loa, cho có để chống chế.
Chiều 1/12, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị Thủ tướng với 28 tỉnh, thành phố ven biển về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU). Hội nghị được tổ chức trực tiếp tại Trụ sở Chính phủ và trực tuyến tới hơn 600 điểm cầu tại các xã, phường, thị trấn, huyện, thị, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Thời gian qua tình hình chống khai thác IUU sau 5 năm bị cảnh báo “Thẻ vàng” đã có những chuyển biến tích cực. EC đã ghi nhận và đánh giá cao quyết tâm chính trị của Việt Nam, đặc biệt là sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp tốt với các bộ, ngành và địa phương chỉ đạo và tổ chức triển khai nhiều giải pháp tích cực để chống khai thác IUU.
Tình hình chống khai thác IUU tại Việt Nam đã có nhiều chuyển biến tích cực hơn rất nhiều so với lần thanh tra thực tế lần thứ 2 vào năm 2019, khung pháp lý cơ bản đã đáp ứng được yêu cầu quốc tế về chống khai thác IUU và tiếp tục được hoàn thiện theo hướng tích cực như: sửa đổi bổ sung cơ chế quản lý chuyển đổi hạn ngạch khai thác, quản lý hệ thống giám sát hành trình tàu cá, thực hiện Hiệp định PSMA, chương trình giám sát viên trên tàu cá…
Công tác quản lý đội tàu, lắp đặt thiết bị VMS đã có sự chuyển biến tích cực; đã triển khai hệ thống phần mềm theo dõi, quản lý hoạt động xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản; Thực hiện việc kiểm soát sản phẩm thủy sản nhập khẩu theo quy định của Hiệp định PSMA về tổng thể đã có sự cải thiện tốt hơn so với trước.
Các lực lượng thực thi pháp luật trên biển cùng với các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ven biển tăng cường tuần tra, kiểm tra, kiểm soát và triển khai nhiều giải pháp để ngăn chặn, giảm thiểu tình trạng khai thác bất hợp pháp nên đến nay đã cơ bản ngăn chặn, chấm dứt được tình trạng tàu cá Việt Nam vi phạm ở các nước, quốc đảo Thái Bình Dương.
Các địa phương đã làm tốt, giảm đáng kể các vụ việc tàu cá vi phạm khai thác ở vùng biển nước ngoài như Phú Yên, Tiền Giang. Các tỉnh vẫn còn để tình trạng tàu cá vi phạm khai thác vùng biển nước ngoài như Bình Thuận, Bình Định, Bà Rịa Vũng Tàu, Cà Mau, Bến Tre, Quảng Ngãi, Bạc Liêu; đặc biệt là Kiên Giang.
Công tác thực thi pháp luật, xử phạt vi phạm hành chính đã được triển khai tích cực tại nhiều địa phương: Năm 2020 xử phạt trên 2.000 vụ với tổng số tiền xử phạt trên 61 tỷ đồng. Năm 2021 là gần 1.700 vụ với tổng số trên 21 tỷ đồng. Từ đầu năm 2022 đến nay gần 1 nghìn vụ với tổng số trên 16 tỷ đồng.
Tuy nhiên hiện nay vẫn còn một số tồn tại, hạn chế chậm khắc phục, chưa giải quyết được dứt điểm tại địa phương.
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, hội nghị này nhằm bàn về tình trạng khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định. Năm ngoái, Thủ tướng đã họp trực tuyến về việc này, nhưng cho đến nay tình trạng này vẫn chưa giải quyết xong.
"Vấn đề là do đâu? Do chúng ta làm chưa hết trách nhiệm, chưa nghiêm? Trách nhiệm thuộc về ai? Công cụ quản lý nhà nước ở đâu? Tại sao vẫn diễn ra tình trạng này?" - Thủ tướng đặt ra hàng loạt câu hỏi, đồng thời nhấn mạnh việc giải quyết tình trạng này không phải để đối phó trước "thẻ vàng hay thẻ đỏ" mà vì lợi ích quốc gia, lợi ích của người dân và hình ảnh của đất nước.
"Không làm qua loa, cho có để chống chế, để nay mai EU vào kiểm tra thấy mình cũng đã hô hào, cũng đã thế này, thế kia. Tôi đề nghị phải bỏ tư tưởng này đi, chắc là vì tư tưởng này nên mới mất 5 năm trời. Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn phân cấp, phân quyền rõ rồi, bây giờ chúng ta ngồi đây đã kiểm điểm với nhau vì sao, tại các bộ, ngành chưa làm hết trách nhiệm hay là vì các địa phương chưa vào cuộc? Vì sao người dân chưa thực hiện được, vậy quản lý nhà nước ở đâu?” - Thủ tướng nói và yêu cầu phải tìm ra nguyên nhân, xử lý đến nơi đến chốn, thấu đáo, thực sự hiệu quả.
Người đứng đầu Chính phủ khẳng định: "Việt Nam là đối tác tin cậy, bạn bè tốt, là thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế thì phải có trách nhiệm trong việc này. Nếu không làm được việc này thì đất nước sẽ gánh chịu thiệt hại, giá trị quốc gia cũng bị thiệt hại".
Thủ tướng đề nghị các đại biểu dành thời gian, công sức, làm đến nơi đến chốn, “nghĩ thật, nói thật, làm thật, hiệu quả thật, nhân dân hưởng thụ thành quả thật”; nêu rõ quan điểm ai làm tốt phải được khen thưởng, ai chưa làm tốt thì phải bị xử lý; cùng nhau tìm ra giải pháp để đồng lòng thực hiện; đã nói phải làm, phải thực hiện, phải có hiệu quả.
Về nhiệm vụ, giải pháp, Thủ tướng nhấn mạnh, chúng ta phải nhận thức thực hiện việc này không phải đối phó với EC mà là bảo đảm lợi ích cho người dân, đất nước; nâng cao hình ảnh của đất nước, thực hiện các cam kết quốc tế; chúng ta là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, do đó phải có trách nhiệm bảo vệ môi trường biển, cùng với các nước khác bảo vệ hệ sinh thái biển; bảo vệ lợi ích chính đáng của chính Việt Nam.
Thủ tướng đề nghị phải quán triệt tinh thần này từ Trung ương đến địa phương, cả hệ thống chính trị và người dân phải vào cuộc. Chúng ta phải làm công tác dân vận, phải có đoàn thể, chính quyền, các tổ chức như tôn giáo cùng tham gia; phải làm sâu, rộng, có phương pháp, huy động sức mạnh tổng lực, khơi dậy tính tự hào, tự trọng, tinh thần đoàn kết của dân tộc.
"Chúng ta cần xem tỉnh nào, huyện nào, xã nào làm chưa tốt việc này thì phải kiểm điểm nguyên nhân vì sao, đánh giá, tìm ra giải pháp để lãnh đạo, chỉ đạo" - Thủ tướng nhấn mạnh.
Đối với sinh kế của người dân, Thủ tướng yêu cầu phải rà soát, phân loại để xem người dân ở đó làm gì thì phù hợp, cần đa dạng hoá sản phẩm, thị trường, chuỗi cung ứng, hướng vào chương trình xây dựng nông thôn mới, sản phẩm OCOP.
"Các địa phương, các ngành vừa phải giáo dục, tạo sinh kế, cố gắng không phải dùng biện pháp hình sự, tất nhiên, nếu vi phạm pháp luật thì phải xử lý. Phải lăn lộn với cơ sở, tỉnh phải xuống huyện, huyện xuống xã, xã xuống với nhân dân, lắng nghe ý kiến của nhân dân. Muốn dân đồng thuận thì phải tạo ý thức của người dân chấp hành pháp luật." - Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng cũng yêu cầu rà soát tổng thể các nhóm giải pháp về kỹ thuật, công ăn việc làm, cơ cấu lại nợ vay, xử lý hành chính...
Thủ tướng chỉ đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các bộ, ngành nếu phát hiện các vướng mắc của Nghị định, Thông tư thì đề nghị Chính phủ sửa, bảo đảm người dân tuân thủ nghiêm quy định của pháp luật. Các tỉnh, huyện thị, xã phường phải phối hợp chặt chẽ để xử lý. Trong kế hoạch phải nói rõ nhiệm vụ cụ thể của Chính phủ, bộ, ngành, địa phương.
Thủ tướng yêu cầu Bộ Ngoại giao làm việc với các tổ chức quốc tế, các nước phải chia sẻ với Việt Nam, có những giải pháp cùng với Việt Nam giải quyết thoả đáng, hợp lý. Bộ Khoa học và Công nghệ hướng dẫn cho người dân sản xuất, kinh doanh; quan tâm, xử lý các vấn đề về khoanh nợ, giãn nợ, cơ cấu nợ một cách cụ thể.
Về giải pháp lâu dài, Thủ tướng yêu cầu quy hoạch, đánh giá lại các vùng biển để nuôi trồng hải sản; phổ biến cho người dân về chủ quyền lãnh thổ; tạo sinh kế cho người dân, chuyển đổi nghề phù hợp, tinh thần chung là không bó tay trước khó khăn, càng khó khăn, phức tạp thì càng phải đoàn kết thống nhất, huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị, bảo đảm hiệu quả, mang lại ấm no, hạnh phúc cho nhân dân, xây dựng đất nước hùng cường, thịnh vượng. Thủ tướng nhấn mạnh các cấp, các ngành phải làm với tất cả trách nhiệm, tránh hình thức, quan liêu, “không đánh trống bỏ dùi”. Thủ tướng yêu cầu hàng tháng phải kiểm điểm xem việc này đã làm được đến đâu; chúng ta phải tự kiểm tra trước, tự đánh giá, tự lo cho mình trước.
"Nếu chúng ta bị EC áp thẻ đỏ thì sẽ bị thiệt hại rất lớn" - Thủ tướng nhắc lại./.