Tình trạng nợ đọng văn bản luật đã có chuyển biến
VOV.VN - Cùng với Bộ Nội vụ, Văn phòng Chính phủ, Bộ Tư pháp sẽ nghiên cứu để có những chế tài xử lý tình trạng nợ đọng văn bản.
Chất vấn Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường về tình trạng nợ đọng văn bản Luật, Luật ban hành chậm đi vào cuộc sống, đại biểu Nguyễn Thái Học (Phú Yên) cho rằng theo báo cáo mới nhất của Bộ Tư pháp, tính đến ngày 5/6, số văn bản còn nợ đọng là 50, tình hình nợ đọng văn bản không những không giảm, mà còn tăng. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng Tư pháp làm rõ trách nhiệm của các bộ, ngành để nợ đọng văn bản, biện pháp để chấn chỉnh tình trạng nợ đọng văn bản.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường
Trước khi trả lời vào nội dung chính của câu hỏi, Bộ trưởng Hà Hùng Cường đính chính lại số liệu do đại biểu Nguyễn Thái Học đưa ra trong câu hỏi chất vấn, đó là trong báo cáo mới nhất của Bộ gửi đại biểu Quốc hội tính đến ngày 10/6 kể cả 2 luật vừa có hiệu lực, Luật phòng chống thiên tai có hiệu lực từ 1/5 và Luật thi đua khen thưởng có hiệu lực ngày 1/6, hai luật này Chính phủ giao cho các bộ ban hành 10 văn bản hướng dẫn thi hành, cộng cả nợ đó tổng số nợ là 50 văn bản chứ không phải 50%. Số nợ là 19,9% trên số văn bản cần phải ban hành từ đầu nhiệm kỳ đến giờ, tất cả từ thông tư của các Bộ đến Nghị định của Chính phủ, so với báo cáo tại kỳ họp thứ 6 như thế là tiến bộ.
Bộ trưởng Hà Hùng Cường cũng cho biết, tại kỳ họp thứ 6 số văn bản nợ là 22,44%, do vậy trong báo cáo Bộ hạn chế đánh giá, tuy nhiên qua trao đổi với Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên thấy rằng Quốc hội đề ra Nghị quyết 67 yêu cầu phải chuyển biến rõ rệt, nhưng mới có 6 tháng, tình hình đã có chuyển biến bước đầu tốt.
Về chế tài phạt, Bộ trưởng thừa nhận chưa giám sát được tất cả các bộ, các ngành về vấn đề này. Tuy nhiên trong chỉ đạo của mình, Chính phủ luôn nhấn mạnh đến vấn đề chấn chỉnh việc nợ văn bản quy định chi tiết thi hành các luật, pháp lệnh.
Về vấn đề thi đua khen thưởng, Bộ trưởng Hà Hùng Cường chia sẻ về kinh nghiệm của Bộ Tư pháp cho biết, đối với các trường hợp cất nhắc, đề bạt, Bộ cũng tính cả điểm có thể làm tốt lĩnh vực quản lý chỉ đạo giải quyết nợ văn bản hay không. Tới đây nếu được phép của Thủ tướng, Bộ sẽ tiếp tục nghiên cứu thêm, cùng với Bộ Nội vụ, Văn phòng Chính phủ có những chế tài cụ thể hơn nữa hướng tới kỷ cương, kỷ luật tốt hơn nữa./.