Trang sử mới trong quan hệ Ai Cập - Việt Nam
VOV.VN - Chuyến thăm đầu tiên của người đứng đầu Ai Cập tới Việt Nam được tin tưởng và kỳ vọng sẽ mở ra trang sử mới trong quan hệ hai nước.
Chuyến thăm đầu tiên của người đứng đầu Ai Cập tới Việt Nam kể từ khi hai nước chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1963 được đông đảo giới doanh nhân, nhà nghiên cứu, người dân Ai Cập quan tâm theo dõi. Họ tin tưởng và kỳ vọng chuyến thăm sẽ mở ra trang sử mới trong quan hệ hai nước, góp phần thúc đẩy phát triển mạnh mẽ trong các lĩnh vực kinh tế, thương mại và đầu tư vốn còn khá khiêm tôn so với tiềm năng và thế mạnh của mỗi bên.
Đại sứ Moheb M. El Samra, một nhà ngoại giao kỳ cựu của Ai Cập đang làm việc tại Ủy ban đoàn kết Á Phi Ai Cập thực sự vui mừng về thông tin Tổng thống El Sisi thăm chính thức Việt Nam. Ông tin rằng mối quan hệ hữu nghị truyền thống lâu đời giữa nhân dân hai nước trong công cuộc đấu tranh giành độc lập trước đây cũng như trong giai đoạn phát triển ngày nay sẽ được củng cố và thúc đẩy mạnh mẽ sau chuyến thăm này.
Tổng thống Ai Cập El Sisi. (Ảnh: nileinternational) |
Đại sứ Moheb M. El Samra cho biết Quan hệ giữa Việt Nam và Ai Cập là quan hệ tốt đẹp. Phong trào giải phóng dân tộc Việt Nam đã do Chủ tịch Hồ Chí Minh – vị lãnh tụ của nhân dân Việt Nam lãnh đạo giành độc lập đã cổ vũ và có vai trò ảnh hưởng to lớn đối với phong trào giải phóng dân tộc các nước Châu Phi, Ai Cập cùng nhiều dân tộc trên thế giới. "Chúng tôi luôn mong muốn tổ chức các cuộc gặp hàng năm giữa các ủy ban hữu nghị Á Phi và Việt Nam cũng như Việt Nam Ai Cập nhằm củng cố và tăng cường quan hệ đoàn kết giữa Châu Á và Châu Phi cũng như nhân dân hai nước” - Đại sứ Moheb M. El Samra cho biết.
Nhà nghiên cứu Châu Á Ahmed Abdol Tarabeik thuộc Trung tâm nghiên cứu Al Ahram tin rằng, với tiềm năng và lợi thế, cũng như những nét tương đồng giữa hai quốc gia, quan hệ hai nước sẽ có bước đột phá mạnh mẽ trên các lĩnh vực. Chuyến thăm cho thấy Ai Cập đang thực hiện chính sách hướng Đông, nhưng đồng thời cho thấy tầm quan trọng, cũng như uy tín, vai trò và vị thế của Việt Nam ở ASEAN và trên thế giới.
Nhà nghiên cứu Ahmed Abdol Tarabeik khẳng định: “Ai Cập có vai trò và ảnh hưởng lớn ở Trung Đông, trong khi Việt Nam có vai trò và ảnh hưởng lớn ở Đông Nam Á. Mối quan hệ hợp tác giữa hai nước rất quan trọng. Ai Cập rất quan tâm tới những thành công trong công cuộc phát triển ở Việt Nam, ổn định và an ninh hàng hải. Tôi tin rằng hợp tác giữa hai nước sẽ gặt hái nhiều thành công nhất là sau chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Sisi. Hai nước tạo cơ hội là cửa ngõ cho hàng hóa xuất sang Trung Đông, Châu Phi và ngược lại cho hàng Ai Cập ở Đông Nam Á. Tôi tin mối quan hệ này không chỉ quan trọng và có lợi đối với hai nước mà còn đối với hai khu vực Trung Đông và Đông Nam Á”.
Với nhiều lợi thế và tiềm năng về kinh tế, thương mại mà hai bên có thể trao đổi hợp tác nhưng vẫn còn những rào cản. Do đó kim ngạch thương mại song phương mới chỉ đạt hơn 300 triệu USD trong đó chủ yếu là Việt Nam xuất siêu. Do đó, giới doanh nghiệp, thương nhân kỳ vọng nhiều vào chuyến thăm của Tổng thống Sisi tới Việt Nam sẽ tạo ra nền tảng và mở ra nhiều cơ hội hợp tác, đầu tư giữa hai nước.
Dư luận Ai Cập đánh giá về chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống El Sisi
Tiến sĩ Amgad A. El Kady – Bộ Công nghiệp và Thương mại Ai Cập cho rằng: “Tôi hy vọng chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Sisi sẽ thúc đẩy mạnh mẽ quan hệ hai nước trên các lĩnh vực nhất là kinh tế và thương mại. Hai bên có thể trao đổi kinh nghiệm trong phát triển đất nước nói chung và trong các lĩnh vực công nghiệp, công nghệ nói riêng. Việt Nam đã thành công trong nhiều lĩnh vực và Ai Cập cũng vậy do đó hai nước có thể trao đổi, chia sẻ hợp tác cùng có lợi”.
Doanh nhân Ahmed Youssef chia sẻ: “Người Việt Nam rất năng động. Đất nước các bạn đã đạt được nhiều thành công trong một thời gian phát triển ngắn. Tôi mong muốn đất nước tôi ngày càng phát triển và có thể học hỏi những kinh nghiệm của đất nước các bạn. Việt Nam xuất khẩu sang EU, Mỹ, Nga hàng trăm tấn hải sản mỗi ngày. Tôi mong muốn đất nước các bạn ngày càng phát triển và hiện đại.
Trong kinh doanh với các doanh nghiệp Việt Nam tôi không gặp khó khăn gì. Nếu có vấn đề gì đã có Cơ quan thương vụ và Đại sứ quán Việt Nam tại Ai Cập hỗ trợ giải quyết nhanh chóng các thủ tục và thuận lợi. Tôi cho rằng, nhiều sản phẩm của Việt Nam có thể xuất khẩu sang Ai Cập không chỉ là hàng thủy sản như chè, cà phê, hồ tiêu..."./.