Trung Đông-châu Phi: “Mảnh đất màu mỡ” mở ra cơ hội mới cho Việt Nam
VOV.VN - Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cho biết, tiềm năng và nhu cầu hợp tác giữa Việt Nam và khu vực Trung Đông-châu Phi còn rất lớn và đa dạng.
Tại hội nghị “Gặp mặt Đại sứ các nước Trung Đông-châu Phi năm 2019” ngày 9/9 tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cho biết, tiềm năng và nhu cầu hợp tác giữa Việt Nam và khu vực Trung Đông-châu Phi còn rất lớn và đa dạng.
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh tham quan một gian hàng triển lãm mặt hàng xuất khẩu sang Trung Đông-Châu Phi. |
Quan hệ gắn kết bắt nguồn từ lịch sử
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cho rằng, sau hơn 30 năm kiên định con đường Đổi mới toàn diện, Việt Nam đã vươn lên từ tình trạng kém phát triển trở thành quốc gia có thu nhập trung bình, duy trì ổn định chính trị - xã hội, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
Đến nay, Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 189 nước và hình thành mạng lưới 30 đối tác chiến lược và đối tác toàn diện, trong đó có tất cả các nước Ủy viên thường trực Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc. Việt Nam cũng đã xây dựng khuôn khổ thương mại tự do với gần 60 nước thông qua 16 hiệp định thương mại tự do (FTA), bao gồm các FTA thế hệ mới như Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA). Việt Nam khẳng định vai trò là thành viên tích cực, có trách nhiệm tại các cơ chế khu vực và quốc tế quan trọng.
Đối với Việt Nam, quan hệ với các nước Trung Đông–châu Phi luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt. Khởi nguồn từ khát vọng chung về độc lập, tự do từ những năm 50 của thế kỷ 20, mối quan hệ này không ngừng được vun đắp bằng những tình cảm tốt đẹp và sự ủng hộ, giúp đỡ chân tình, quý báu mà Việt Nam và các nước Trung Đông-châu Phi dành cho nhau trong thời kỳ đấu tranh chính nghĩa giải phóng dân tộc.
Bước sang giai đoạn xây dựng và phát triển đất nước, Việt Nam cùng các nước Trung Đông – châu Phi tiếp tục cùng nhau vượt qua các thách thức chung, nỗ lực mở rộng và tăng cường quan hệ hợp tác nhiều mặt nhằm góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển của mỗi nước, đồng thời bảo vệ những lợi ích chung của các quốc gia đang phát triển trong cộng đồng quốc tế.
Đây chính là nền tảng và giá trị vững chắc đưa Việt Nam và nhiều nước trong khu vực Trung Đông – châu Phi trở thành những người bạn thủy chung, son sắt và những đối tác quan trọng của nhau.
Điều này thể hiện qua tiến trình hợp tác ngày càng được củng cố và đi vào chiều sâu. Quan hệ chính trị - ngoại giao không ngừng được mở rộng. Quan hệ thương mại phát triển tích cực. Hợp tác viễn thông, lao động, giáo dục, y tế có nhiều bước tiến mới. Mô hình hợp tác của Việt Nam với một số nước châu Phi, nhất là về nông nghiệp, từng được coi là hình mẫu cho hợp tác Nam – Nam.
Trên bình diện đa phương, Việt Nam luôn đồng hành với các nước Trung Đông - châu Phi trong việc bảo vệ những giá trị cốt lõi vì hòa bình và phát triển, đề cao các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, như tôn trọng độc lập, chủ quyền, không can thiệp công việc nội bộ, không sử dụng và đe dọa sử dụng vũ lực. Những "người lính cụ Hồ" của Việt Nam đã có mặt tại những điểm nóng của Cộng hòa Trung Phi, Nam Sudan, đóng góp vào nỗ lực duy trì hòa bình của Liên hợp quốc.
Việt Nam và các nước Trung Đông–châu Phi cũng tích cực phối hợp lập trường và ủng hộ lẫn nhau tại các tổ chức quốc tế. Tại hội nghị, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đánh giá cao vai trò và đóng góp quan trọng của các vị Đại sứ và các Cơ quan đại diện ngoại giao thường trú và không thường trú của các nước Trung Đông – châu Phi tại Việt Nam vào những thành tựu hợp tác nêu trên.
"Nhân dịp này, tôi xin gửi lời cảm ơn chân thành Chính phủ Quý vị đã ủng hộ Việt Nam làm Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020 – 2021, thể hiện sự tin tưởng của các nước Trung Đông–châu Phi đối với khả năng đóng góp của Việt Nam cho hòa bình, ổn định và thịnh vượng của khu vực", Phó Thủ tướng chia sẻ.
Tiềm năng hợp tác đa dạng
Theo Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh, tiềm năng và nhu cầu hợp tác giữa Việt Nam và khu vực Trung Đông-châu Phi còn rất lớn và đa dạng.
Trong một thế giới chuyển động nhanh chóng với nhiều diễn biến phức tạp và khó lường, khu vực Trung Đông – châu Phi đang nỗ lực vượt qua những thách thức về an ninh - phát triển, kiên trì theo đuổi các biện pháp hòa bình trong giải quyết các bất đồng, xung đột, đề cao hợp tác và hội nhập, phát huy các lợi thế địa chiến lược, địa kinh tế để vươn lên.
Về phần mình, Việt Nam là thành viên của Cộng đồng ASEAN, nằm trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương phát triển năng động, đang hướng tới tầm nhìn 2030 về xây dựng một xã hội thịnh vượng, nền kinh tế phát triển mạnh dựa trên tri thức, hội nhập sâu rộng với nền kinh tế toàn cầu.
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh tin tưởng Việt Nam có khả năng đáp ứng các nhu cầu hợp tác ngày càng cao và đa dạng của các nước Trung Đông – châu Phi. Đặc biệt, khi đảm nhận hai trọng trách Chủ tịch luân phiên ASEAN năm 2020 và Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2020-2021, Việt Nam có thể là cầu nối để thúc đẩy các nội dung hợp tác cùng quan tâm trong khuôn khổ ASEAN, tham gia giải quyết các vấn đề liên quan đến hòa bình, an ninh khu vực và thế giới, trong đó có nhiều vấn đề tại khu vực Trung Đông – châu Phi.
Cùng chia sẻ khát vọng hòa bình, hướng tới các mục tiêu Chương trình nghị sự 2030 của Liên Hợp Quốc, tận dụng cơ hội Cách mạng khoa học công nghệ 4.0, sự tương đồng về trình độ phát triển và nền kinh tế có tính bổ trợ cao, Việt Nam và khu vực Trung Đông-châu Phi có những lợi thế lớn để thúc đẩy hợp tác toàn diện, nhất là trong các lĩnh vực giàu tiềm năng như thương mại, đầu tư, năng lượng, môi trường, công nghệ thông tin và truyền thông, nông nghiệp, lao động, du lịch.
Thách thức và khó khăn
Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cho rằng, sự hợp tác giữa Việt Nam với các nước khu vực Trung Đông – châu Phi còn gặp không ít thách thức, trở ngại.
Thứ nhất là hai bên còn thiếu thông tin và sự hiểu biết sâu về thị trường, tập quán kinh doanh và hệ thống pháp luật của nhau. Ca cách về địa lý cũng là một trong những khó khăn chính dẫn đến hiệu quả kinh doanh chưa cao. Bên cạnh đó, mạng lưới các cơ quan đại diện ngoại giao và thương mại thường trú của mỗi bên còn mỏng, các cơ chế hợp tác song phương hiện có chưa thực sự phát huy hết vai trò trong thúc đẩy hợp tác kinh tế. Mặt khác, liên kết kinh tế giữa khu vực Trung Đông – châu Phi với khu vực Đông Nam Á nói chung và với Việt Nam nói riêng còn hạn chế. Mặc dù là một nền kinh tế mở với 16 Hiệp định thương mại tự do, nhưng đến nay Việt Nam chưa ký kết Hiệp định thương mại tự do với bất kỳ nước nào trong khu vực.
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nhấn mạnh, cả Việt Nam và khu vực Trung Đông-châu Phi có những thế mạnh khác nhau. Với Việt Nam, đó là những thế mạnh về nông-thủy sản, điện tử, cơ khí-nông cụ, vật liệu xây dựng, sản phẩm gỗ, sản xuất chế biến nông sản. Ngoài ra, Việt Nam sẵn sàng hỗ trợ đào tạo nghề, liên kết tìm giải pháp số phục vụ phát triển nông nghiệp. Việt Nam cũng có thế mạnh trong công nghệ thông tin và truyền thông, cung cấp nguồn nhân lực trẻ, có trình độ.
Trong khi đó, các nước Trung Đông – châu Phi có những lĩnh vực thế mạnh mà Việt Nam mong muốn tiếp tục tăng cường hợp tác như vốn đầu tư, năng lượng, hợp tác lao động, hợp tác cung cấp nguyên-nhiên liệu đầu vào cho các ngành công nghiệp chế biến, sản xuất nông-công nghiệp.
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nêu rõ, Hội nghị này là một trong những bước quan trọng để xác định những biện pháp cụ thể nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế nêu trên, và hiện thực hóa những lợi thế, tiềm năng và tầm nhìn về sự hợp tác giữa Việt Nam và các nước Trung Đông - châu Phi.
Trên cơ sở đó, Phó Thủ tướng đề nghị hội nghị các đại biểu tham dự hội nghị cần đi sâu trao đổi những hướng chính trong hợp tác song phương. Trước hết là các biện pháp phát huy quan hệ hữu nghị và hợp tác truyền thống giữa Việt Nam và các nước Trung Đông - châu Phi trên tất cả các lĩnh vực, đồng thời tìm hướng mới, thực chất, hiệu quả để biến sự tin cậy chính trị, quan hệ hữu nghị truyền thống thành những kết quả hợp tác cụ thể. Tiếp đến là chú trọng hợp tác kinh tế, xác định kinh tế là đòn bẩy cho quan hệ chính trị. Ngoài ra, cần phải đổi mới tư duy và phương thức hợp tác để thích ứng với sự phát triển và đòi hỏi của tình hình mới; huy động sự tham gia không chỉ của nhà nước mà cả khu vực tư nhân, doanh nghiệp, người dân, các đối tác phát triển ngoài khu vực./.