Trượt cấp ủy vì từng bị kỷ luật: Đừng “đẩy” cán bộ vào tình cảnh đó!
VOV.VN - Cần đánh giá, xem xét lại công tác tổ chức ở những đảng bộ nhân sự được đề cử không trúng. Không nên “đẩy” cán bộ vào tình cảnh ấy.
Câu chuyện 2 ứng viên trượt Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Gia Lai nhiệm kỳ 2020-2025 tiếp tục cho thấy tính dân chủ đã được phát huy rộng rãi trong Đảng bộ và trong mỗi đảng viên của Đảng bộ. Đại hội đại biểu lần thứ XVI, Đảng bộ tỉnh Gia Lai nhiệm kỳ 2020-2025, chiều 28/9, 2 đảng viên mới bị UBKT Trung ương kỷ luật vì các sai phạm, có trong danh sách ứng cử, đã không trúng cử vào BCH khóa này. Kết quả đó đã phản ánh một thực tế, khi những nhân sự được đề cử nhưng không được đa số tín nhiệm thì đương nhiên phải tôn trọng ý kiến của đại hội.
Đảng viên Nguyễn Văn Hưng (xã Đăk Sơ Mei, huyện Đăk Đoa) bày tỏ sự vui mừng khi những đại biểu của họ đã có lựa chọn đúng. Không thể bầu những người vừa bị kỷ luật vào Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, khi dư luận đảng viên trong tỉnh đều bất bình.
Ông A Long (thị trấn Đăk Đoa, huyện Đăk Đoa) cũng cho biết, bản thân ông thấy không nên đưa vào danh sách ứng cử Ban Chấp hành Đảng bộ 2 ứng viên từng bị kỷ luật. Nếu làm mạnh ra, theo ông A Long, phải loại ngay từ đầu, không thể vì “đồng chí, đồng đội” mà cố đưa vào bằng được bất chấp dư luận.
Cũng từ câu chuyện 2 ứng viên trượt BCH Đảng bộ tỉnh Gia Lai cho thấy, công tác rà soát, đánh giá cán bộ vẫn còn những tồn tại. 2 ứng viên, một là Phó Chủ tịch HĐND tỉnh, người kia là Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy, vừa bị Ủy ban Kiểm tra Trung ương kỷ luật do sai phạm mà vẫn được đưa vào cơ cấu để bầu. Cách làm đó dường như là sự thách thức dư luận.
Liệu rằng, Đảng bộ tỉnh có thiếu nhân sự đến mức phải đưa cán bộ mới bị kỷ luật vào danh sách đề cử khi họ còn chưa đủ thời gian sửa chữa những sai lầm, khuyết điểm của mình? Xét ở góc độ trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu cũng như lòng tự trọng của cán bộ, đảng viên, việc cơ cấu cán bộ bị kỷ luật vào danh sách đề cử là việc không nên làm. Chưa kể, bản thân những cán bộ đó cũng không nên đánh đổi lòng tự trọng mà chấp nhận để tổ chức cơ cấu mình.
Không chỉ ở Gia Lai, trước đó, tại nhiều đại hội cấp cơ sở và trên cơ sở nhiệm kỳ 2020-2025 ở một số địa phương, hiện tượng nhân sự được đề cử nhưng không trúng cử, thậm chí cả nhân sự chủ chốt như Bí thư, Chủ tịch không trúng vào Ban Thường vụ, Ban Chấp hành đã không còn là vấn đề gì đặc biệt. Nhiều ý kiến dư luận cho rằng “hiện tượng” đó xảy ra không nhiều nhưng cũng là một kết quả bình thường khi Đại hội tiến hành đúng quy định. Nhiều ý kiến còn hy vọng đó không phải là sản phẩm của “đấu đá” nội bộ.
Tuy nhiên, nhìn nhận về kết quả đó, PGS.TS Nguyễn Quốc Dũng - Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị khu vực IV, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, vẫn cho rằng, rất cần đánh giá, xem xét lại công tác tổ chức ở những đảng bộ mà nhân sự được đề cử lại không trúng cử. Theo ông, không nên “đẩy” cán bộ vào tình cảnh ấy. Mà nguyên nhân chính có thể do công tác rà soát, đánh giá chưa hết cán bộ, nhìn không rộng, không thấu hoặc không ngoại trừ yếu tố bè phái. Ông Dũng khẳng định, nếu công tác tổ chức làm tốt thì tất cả những việc đó đều có thể giải quyết được.
Còn Đại tá Nguyễn Tử Tuấn, cựu cán bộ Quân chủng Phòng không-Không quân thấy mừng khi công tác cán bộ chuẩn bị cho nhiệm kỳ mới ở nhiều địa phương đã không còn phụ thuộc vào ý kiến của một phạm vi hẹp là cấp ủy, không bị mang tiếng là hình thức nếu loại trừ được nguyên nhân đấu đá. Ông đánh giá cao việc mở rộng dân chủ trong đại hội để sau này không thể lấy lý do cán bộ tự diễn biến tự chuyển hóa, không chịu rèn luyện, lỗi cơ chế… để biện minh cho sai phạm của cán bộ./.