Tượng đài, cổng chào, phù điêu lớn: Không thể cố “xây bằng được”
VOV.VN - Chắc chắn những công trình ấy phải là những công trình thể hiện được khát vọng của lòng dân, phải được Nhân dân đồng tình ủng hộ chứ không thể là những công trình cố xây cho bằng được.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa có văn bản trả lời kiến nghị của cử tri Đồng Nai gửi đến trước kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV. Cử tri kiến nghị xem lại việc đầu tư kinh phí rất lớn để xây dựng các công trình cổng chào, tượng đài, phù điêu tại một số địa phương. Trong khi đó, cơ sở vật chất trường học, nhất là khu vực vùng sâu, vùng xa xuống cấp, đời sống nhân dân vô cùng khó khăn sau dịch COVID-19.
Trả lời kiến nghị này, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch khẳng định việc xây dựng các công trình mỹ thuật như tượng đài, cổng chào, phù điêu lớn đã góp phần tích cực vào việc giáo dục văn hóa truyền thống và đáp ứng nhu cầu làm đẹp không gian kiến trúc đô thị. Tuy nhiên, việc giao cho chính quyền địa phương quyết định nội dung, kinh phí xây dựng các công trình mỹ thuật theo Nghị định 113/2013 thì rất ít địa phương triển khai công tác quy hoạch dẫn đến tình trạng xây dựng tượng đài không đúng vị trí, không phù hợp với cảnh quan môi trường...
Có thể thấy, thời gian qua, việc xây cổng chào, tượng đài, phù điêu lớn diễn ra khá phổ biến ở các địa phương. Trong đó có những công trình lãng phí và không cần thiết, không phù hợp, thiếu thẩm mỹ.
Có ai đó đã nói rằng, một dân tộc như dân tộc Việt Nam cần có các công trình vĩ đại. Cũng có ai đó từng phát biểu trên một diễn đàn rất quan trọng rằng, một thủ đô ngàn năm văn vật như Hà Nội cần phải có Khải hoàn môn…Có thể khi phát biểu những điều này, những người ấy không biết rằng, nhiều triều đại, nhiều dân tộc trên thế giới này sụp đổ, đi vào con đường suy thoái dẫn tới diệt vong có nguyên nhân từ việc vắt kiệt sức dân cho việc xây dựng các công trình quá lớn. Chỉ riêng việc đất nước và dân tộc chúng ta tồn tại và phát triển như hôm nay đã là một sự kỳ diệu của lịch sử. Sự kỳ diệu ấy là kết quả của nhiều nhân tố, trong đó có nhân tố của lòng dân.
Để có một dải giang sơn gấm vóc hôm nay, cha ông chúng ta suốt chiều dài lịch sử đã luôn luôn hành động với triết lý “Khoan thư sức dân để làm kế sâu rễ bền gốc” (Trần Quốc Tuấn); “Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân” (Nguyễn Trãi); “Nước lấy dân làm gốc, nước bình yên nước hãy để dân yên. Dân lấy nước làm lòng, khi nhiễu sự dân ra gánh vác” (Hoàng Ngũ Phúc); “Việc gì có lợi cho dân ta phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân ta phải hết sức tránh” (Hồ Chí Minh) v.v…
Trước phản ứng của dư luận, nhiều nơi viện dẫn rằng, việc xây cổng chào, tượng đài, phù điêu lớn để tỏ lòng kính trọng, tri ân những người đã có cống hiến cho quê hương, đất nước và dân tộc, để giáo dục văn hóa truyền thống và phục vụ đời sống tinh thần của nhân dân.
Đúng như vậy! Một trong những nét đẹp văn hóa của người Việt là “ăn quả nhớ kẻ trồng cây”. Bởi vậy, việc xây dựng các cổng chào, tượng đài, phù điêu lớn để ghi công, để tỏ lòng tri ân những người đóng góp lớn lao cho đất nước và dân tộc và giáo dục văn hoá, lịch sử là một việc làm hoàn toàn hợp đạo lý. Thế nhưng, những công trình ấy phải thể hiện được khát vọng của lòng dân, phải được Nhân dân đồng tình ủng hộ chứ không thể là những công trình cố xây cho bằng được; không phải là những công trình được hình thành ý tưởng từ những bộ óc vô cảm trước khó khăn, bức xúc của người dân. Cũng có những ý kiến cho rằng, nhiều cổng chào, tượng đài, phù điêu lớn được xây từ nguồn ngân sách xã hội hóa. Xin thưa, ngân sách xã hội hóa chẳng lẽ không phải là tiền bạc, công sức của doanh nghiệp, của xã hội, của người dân?.
Câu hỏi đặt ra là tại sao không dùng những nguồn lực xã hội hóa ấy để xây dựng trường học, bệnh viện, công viên…mà cứ nhất thiết phải xây cổng chào, tượng đài, phù điêu lớn. Và, nếu có xây thì cũng phải là những công trình phù hợp với khả năng địa phương nhằm tới mục đích cuối cùng là tri ân và giáo dục truyền thống.
Các đấng tiền nhân, những bậc cha anh, những người đã giành cả công sức, trí tuệ, tâm huyết của cuộc đời đóng góp lớn lao cho đất nước và dân tộc, có những người đã xả thân vì đất nước và dân tộc chắc hẳn không bao giờ nghĩ rằng họ cống hiến, hy sinh để sau này được lưu danh trong bia đá, tượng đồng, phù điêu. Tất cả những đấng bậc ấy có lẽ chỉ có một khát vọng duy nhất là đấu tranh, hy sinh vì độc lập, tự do của đất nước và hạnh phúc của người dân. Họ cũng không thể “mỉm cười” nơi chín suối khi đất nước còn nhiều khó khăn mà lại có quá những công trình cổng chào, tượng đài, phù điêu lớn được xây dựng bất chấp những thở than, vất vả của đồng bào.
Lịch sử đã đủ dài để có thể khẳng định rằng, lòng kính trọng của Nhân dân dành cho một ai đó không phải ở nơi cổng chào, tượng đài, phù điêu lớn, nó ở trong trái tim, trong khối óc của mỗi người.